“Cố gắng sống khác với bản chất của mình là một việc khiến bạn căng thẳng”, nữ tác giả Michelle Gibbings viết trong cuốn “Sếp tồi”. Trong ấn phẩm toàn diện về những thách thức chốn công sở này, tác giả Michelle Gibbings đã đưa ra nhiều gợi ý thú vị về chủ đề trên.
- Khi từ bỏ danh tính thật sự của mình, bạn sẽ khổ sở về mặt tâm lý và điều đó liên tục tác động tiêu cực đến cảm xúc lẫn sức khỏe thể chất của bạn.
Các hành vi không chân thật có thể bao gồm việc giả vờ quan tâm, bật cười trước những câu bông đùa của sếp nhằm tạo thiện cảm hoặc thể hiện sự đồng thuận với những điều mà thật ra bạn không đồng tình.
Tệ hơn nữa là khi tiếp xúc lâu dài với một môi trường tiêu cực và khó chịu, một ngày nào đó bạn chợt nhận ra mình cũng bị “nhiễm” hành vi tiêu cực của những người xung quanh!
- Michelle dẫn ra kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Maryam Kouchaki của Trường Kellogg, Francesca Gino của Đại học Harvard và Adam Galinsky của Đại học Columbia.
Nghiên cứu này cho thấy cách hành xử giả tạo kéo dài rất có hại, bởi vì việc giả vờ sống khác với con người thật của mình khiến chúng ta cảm thấy bản thân là kẻ vô đạo đức.
“Chúng ta không nên bỏ qua nỗi đau tâm lý đi kèm với hành vi không chân thật. Giống như một hành động vô đạo đức vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội và gây ra cảm giác tiêu cực, một hành vi không chân thật cũng vi phạm việc sống thật với chính mình và nó có thể gây ra tác hại tương tự”, đồng tác giả nghiên cứu Maryam Kouchaki cho hay.
- Một đồng nghiệp cũ của tác giả Michelle Gibbings từng làm việc cho một công ty đầu tư lớn ở Hong Kong và sếp của anh ấy yêu cầu anh ấy phải làm một việc mà anh cho là trái đạo đức.
Anh ấy kể với Michelle: “Tôi thật sự không còn lựa chọn nào khác. Tôi biết nếu làm theo chỉ thị của ông ta và không nêu vấn đề với ban lãnh đạo thì tôi sẽ từ bỏ các nguyên tắc của mình để tuân theo nguyên tắc của ông ta. Vậy nên tôi đã từ chức ngay lập tức”.
- Một tình huống khác có thể xảy ra là bạn không kết nối được với văn hóa hoặc sản phẩm/dịch vụ của tổ chức. Một trong các khách hàng của Michelle làm việc cho một công ty mà cô thấy mình không phù hợp với sản phẩm của họ.
Cô vẫn hài lòng với bản thân vì đã không hy sinh các nguyên tắc của mình để cố làm việc cho mảng sản phẩm, thay vào đó cô tập trung vào hai giá trị quan trọng đối với cô là kết nối và phát triển con người.
* Một phút tự vấn dành cho bạn:
- Bạn có biết rõ ranh giới của mình và cảm thấy thoải mái vì không vượt qua nó không?
- Bạn có đang sống đúng với tầm nhìn và các nguyên tắc của mình cũng như thể hiện con người đích thực của mình ở nơi làm việc không?
- Bạn có thích con người mà bạn thể hiện ở nơi làm việc không?
“Nếu môi trường làm việc đang thay đổi con người bạn và bạn không còn thích người mà bạn nhìn thấy trong gương nữa, bạn cần phải đánh giá xem mình nên ở lại chỗ làm đó thêm bao lâu”, Michelle Gibbings viết.
“Sếp tồi”: Chỉ dẫn 4 bước đối mặt với ‘sếp tồi’. Vì một công sở hạnh phúc hơn cho bạn và cho tất cả mọi người. Top ‘sách hay nhất về quản lý và nhân sự’ tại Úc.