Sếp tồi - Làm gì khi bạn phải quản lý một sếp tồi?

YÊN VŨ17/10/2024 08:00
Sếp tồi - Làm gì khi bạn phải quản lý một sếp tồi?

Chúng ta thường nghe nhiều về những áp lực của nhân viên khi phải làm việc dưới trướng một người sếp tồi. Vậy còn trường hợp bạn là người lãnh đạo và đang phải quản lý một sếp tồi thì sao?

Chúng ta đều biết năng lực lãnh đạo kém là một thứ rất tai hại vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn bó và sức khỏe tổng thể của nhân viên, đồng thời làm giảm năng suất của cá nhân lẫn tập thể. Nếu nhân sự trong một tổ chức không khỏe mạnh, không làm việc hiệu quả và không gắn bó với công việc thì hiệu suất hoạt động chung của tổ chức sẽ tuột dốc thê thảm. Ngoài ra, điều này còn gây tác động đến sự hài lòng của khách hàng nữa.

Vậy phải làm gì nếu bạn là người lãnh đạo và lãnh đạo cấp dưới của bạn đang là “sếp tồi” trong mắt nhân viên?

Bạn không thể biện minh rằng “Tôi không biết”, bởi vì việc này nằm trong phạm vi quản lý của bạn. Bạn là người lãnh đạo những người lãnh đạo và điều đó mang lại cho bạn cả quyền lực to lớn lẫn trách nhiệm khổng lồ.

Như tác giả Michelle Gibbings đã chỉ ra trong cuốn sách “Sếp tồi”: “Bạn không chỉ lãnh đạo các cấp dưới trực tiếp của mình mà bạn còn ảnh hưởng và góp phần định hình cách họ lãnh đạo đội ngũ dưới quyền họ, và từ đó ảnh hưởng đến văn hóa tổng thể trong môi trường làm việc. Hãy nhớ rằng có rất nhiều nhà lãnh đạo không nhận thức được những thiếu sót trong cách họ lãnh đạo, vì vậy trách nhiệm của bạn là phải hỗ trợ họ trở thành những nhà lãnh đạo giỏi hơn. Nhiệm vụ này bắt đầu từ việc thành thật đánh giá bản thân mình”.

Trước khi muốn đánh giá hiệu quả làm việc của các lãnh đạo cấp dưới, bạn cần phải tự đánh giá và suy ngẫm về công tác lãnh đạo của chính bạn. Bởi lẽ, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các cấp dưới có khuynh hướng mô phỏng phong cách lãnh đạo của sếp họ. 

Một nghiên cứu chung do Đại học Vanderbilt, Đại học Cornell và Đại học Illinois thực hiện trên 1.527 nhân viên toàn thời gian của chín mươi bốn khách sạn trên khắp Hoa Kỳ và Canada đã chỉ ra mối tương quan đáng chú ý: khi các quản lý cấp trung bày tỏ sự hài lòng với các quản lý cấp cao của họ thì các nhân viên mà họ trực tiếp quản lý cũng bày tỏ sự hài lòng với họ. Đó là một hiệu ứng lan truyền từ trên xuống. Khi các lãnh đạo cấp cao đối xử tệ với các cấp dưới trực tiếp của họ thì tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến mọi cấp bậc trong toàn bộ tổ chức.

Sau khi đã đánh giá bản thân mình, bước tiếp theo bạn cần nhìn nhận nguyên nhân của việc cấp dưới được gắn mác “sếp tồi” là do bản thân họ hay do môi trường công việc. Bạn có thể đánh gái điều này thông qua những nguồn thông tin chính thức (nhân viên, khách hàng…) hoặc các nguồn thông tin chính thức (dữ liệu, khảo sát định kỳ của công ty về mức độ gắn bó hoặc hài lòng của nhân viên đối với lãnh đạo và môi trường làm việc). Ngoài ra, bạn cũng có thể phỏng vấn nhân viên thôi việc để tìm hiểu thêm về các khía cạnh khác của công ty.

Những nguồn thông tin chính thức và không chính thức này sẽ giúp bạn hình thành một góc nhìn về người mà bạn đang quản lý, về những điểm mạnh và điểm yếu trong phương pháp lãnh đạo của họ.

Trên cương vị là sếp của sếp, là nhà lãnh đạo của các lãnh đạo, bạn rất dễ phớt lờ những vấn đề đang xảy ra trong tổ chức của bạn, hoặc mong rằng nó sẽ tự động biến mất một cách thần kỳ. Nhưng điều này sẽ không thể xảy ra trừ khi bạn có hành động giải quyết nó.

Sau khi xác định nguyên nhân vấn đề xuất phát từ bạn, từ cấp dưới trực tiếp của bạn hay từ môi trường làm việc, bạn có thể thực hiện những thay đổi đáng kể.

Đầu tiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ chính bạn, điều bạn nên làm là tự cải thiện khả năng lãnh đạo của mình. Bạn cần thay đổi đường lối quản lý, cũng như là khắc phục những khuyết điểm của mình để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh hơn.

Nếu nguyên nhân không xuất phát từ bạn mà từ chính người lãnh đạo cấp dưới, bạn sẽ cần thực hiện một loạt các bước để đánh giá cách họ nhận thức về vấn đề, hiểu quan điểm lãnh đạo của họ, xác định mức độ họ sẵn sàng thay đổi, tìm ra những cách bạn có thể hỗ trợ họ và cân nhắc mức độ bạn sẵn sàng đầu tư thời gian cũng như công sức vào quá trình này.

Còn nếu vấn đề nằm ở môi trường làm việc, bạn nên đánh giá xem có thể thay đổi được những khía cạnh nào trong môi trường làm việc hoặc có thể thực hiện những hành động nào để giúp cấp dưới trực tiếp của bạn thích nghi tốt hơn với môi trường hiện tại.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, tuy đóng một vai trò đáng kể trong việc định hình văn hóa của tổ chức nhưng bạn không thể kiểm soát hết tất cả mọi thứ. Nếu có điều gì đó bất ổn xảy ra, bạn cũng không nên tiêu hao năng lượng và tập trung sức lực quá mức vào những việc mà bạn có rất ít hoặc không có khả năng gây ảnh hưởng.

Như Michelle Gibbings đã nhìn nhận: “Trên thực tế, điều duy nhất bạn có thể kiểm soát được chính là quá trình suy nghĩ, hành vi và hành động của chính mình. Bạn không thể kiểm soát được các cấp trên hay nhân viên của mình nhưng bạn có thể tác động cũng như thay đổi môi trường làm việc, và tùy thuộc vào vị trí của bạn trong hệ thống cấp bậc mà bạn sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với một số khía cạnh khác nhau trong văn hóa của tổ chức”. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận