Trong mô hình 5 giai đoạn đối diện với nỗi đau mà bác sĩ tâm thần Elisabeth Kübler-Ross đề ra, để đi đến cái đích cuối cùng là chấp nhận (acception) và thanh thản, con người phải vượt qua 4 giai đoạn trước đó, bao gồm: chối bỏ và cách ly, giận dữ, thương lượng, suy thoái (denial, anger, bargaining và depression). Đây cũng chính là điều mà tác giả, đại đức Thích Đồng Tâm đã nghiền ngẫm ra được trên hành trình tu hành. Trong cuốn sách “Sát-na này là thiên thu”, đại đức chỉ ra rằng cách để vượt qua bất hạnh là “trải nghiệm tới điểm tận cùng của đau khổ.”
1. Hãy đau khổ đến tận cùng
Ai cũng có niềm đau của riêng mình. Có nỗi đau đến rồi đi, nhanh chóng và lặng lẽ. Nhưng cũng có những biến cố ồn ào và mãnh liệt, nán lại thật lâu để ghì sâu vào tâm trí vô vàn vết thương.
Chúng ta đều luôn tìm cho mình thật nhiều cách để nhanh chóng chấm dứt nỗi đau, nhưng lối tắt trong trường hợp này thường không mang lại kết quả như mong muốn. Thử ngẫm lại trong quá khứ, có bao giờ bạn thử đánh lạc hướng bản thân bằng những thú vui nhất thời, sa đà vào vô số buổi tụ tập với bạn bè, hay thậm chí chủ động gây nên tổn thương cho người khác? Liệu đã lần nào, các giải pháp này thực sự hiệu quả hay chưa? Hay rồi khi trở về một mình, mệt mỏi sau những buổi vui chơi mệt nhoài, bạn lại cô quạnh và buồn bã nhận ra rằng mọi chuyện vẫn còn ở đó, chỉ là bạn đang cố ý lờ đi sự hiện diện của chúng trong một vài khoảnh khắc. Rõ ràng, phớt lờ và trốn tránh chưa bao giờ là lựa chọn hợp lý.
Cuối cùng, chỉ khi trực tiếp đối diện với nỗi đau của chính mình, ta mới có thể gỡ bỏ mọi nút thắt của vấn đề. Bởi lẽ, nỗi đau tựa như một chiếc túi bí mật được cất sâu trong tâm trí. Bạn càng để lâu, chiếc túi lại càng thêm to lớn và nặng nề vì những buồn phiền và lạnh nhạt được nhồi nhét vào đó ngày qua ngày. Lúc này, cách duy nhất để dọn dẹp là ngồi lại, lục lọi và giải quyết từng mảnh ghép mang theo sự chối bỏ, suy sụp, giận dữ được cất giữ bên trong cho đến khi chiếc túi trống rỗng. Khi gánh nặng được trút bỏ, ta mới có thể dễ dàng vứt đi chiếc túi khổ đau nay đã nhẹ tênh để giải thoát cho tâm trí mình.
2. Khi nỗi đau là ngọn nguồn trí tuệ
Theo đại đức Thích Đồng Tâm, mọi nỗi đau đều có giá trị sâu sắc và là nguồn trí tuệ quý báu dành cho con người. Chúng ta phải thừa nhận rằng mình học được vô số bài học từ những nỗi đau trong cuộc đời. Đói khổ và bệnh tật dạy ta về đức tính cẩn trọng và kỹ lưỡng; một chuyện tình tan vỡ dạy ta về cách yêu một người; thất bại trong công việc dạy ta phải nỗ lực, khéo léo, mạnh mẽ và kiên cường; và bất kỳ cuộc chia lìa nào cũng nhắc nhở ta trân quý những người thân yêu xung quanh. Sau mỗi khổ đau, ta lại thêm kiên cường và thấu tỏ cuộc đời.
Những hơn cả, khi khổ đau đi qua, ta sẽ thêm trân quý những phút giây hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày. Những bi kịch đóng vai trò như điểm trũng trong đồ thị cuộc đời, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ khiến những ngày vui lại thêm phần rực rỡ. Nhờ nó mà tiếng chim hót, nhành hoa nở càng thêm đáng quý; người với người càng yêu thương nhau và ta lại thêm trân trọng sự sống của chính mình - món quà vô giá mà ông trời đã ban tặng.
Đúng như những gì thầy Thích Đồng Tâm nhận ra trong những ngày tu tập tại đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), con người vẫn thường sống cả đời trong chờ đợi và mong cầu một ai đó sẽ yêu thương mình, chờ một niềm hạnh phúc mơ hồ, không chắc là có thật. Những khổ đau mang theo trọng trách đưa ta về thực tại, dạy ta về tình thương, về cuộc đời và những hạnh phúc vô biên mà mỗi sinh linh đã được ban tặng. Con người hẳn nhiên sẽ trưởng thành và hạnh phúc hơn khi bước đi trên nỗi đau của chính mình.
3. Cuối cùng, chính ta là ngọn nguồn mọi khổ đau
Nhưng bạn biết không, dù biến cố có xuất phát từ đâu, vào giây phút nào, thì thực chất, chỉ có bạn mới quyết định liệu nó có xứng đáng trở thành nỗi đau khổ của cuộc đời mình hay không. Tĩnh lặng hay ồn ào là do ta tự quyết định, yên bình hay không là do ta lựa chọn.
Rõ ràng, ta không thể níu giữ một người có phụ bạc, không thể kiểm soát cách người khác suy nghĩ về mình, càng không thể nhìn trước những biến số có thể xảy ra trong tương lai. Thậm chí, ta còn không thể bắt ép đối phương đau khổ, hối hận, dằn vặt và mặc cảm trước những hành động sai trái họ đã gây ra. Trong khả năng hữu hạn của mình, điều duy nhất ta có thể kiểm soát là thái độ của bản thân.
Trước một chuyện tình đổ vỡ, ta có thể quyết định bản thân sẽ thù hận hay tha thứ; sau một thất bại, ta có quyền lựa chọn sẽ đau khổ nhụt chí hay gồng mình đứng dậy sửa sai; và trước một cuộc chia lìa, ta có thể u uất kết thúc cuộc đời hoặc sống tiếp với niềm kiêu hãnh cho sự sống của người đã rời đi. Mỗi sự lựa chọn đưa ta đến một con đường khác nhau, và một trong vô số con đường đó giúp ta nhẹ đi gánh nặng của sự đau khổ.
Hành trình vượt qua đau khổ có thể dai dẳng và đau đớn, nhưng đó không phải là hành trình bị động. Mong rằng ai trong chúng ta cũng có thể tìm được lựa chọn phù hợp để nhanh chóng dọn dẹp chiếc túi khổ đau trong tâm trí mình để tìm được sự tịch tịnh - bình an trong tâm trí. Như đại đức Thích Đồng Tâm đã viết trong "Sát-na này là thiên thu": "Chia xa, tất nhiên phải có đau khổ, nhưng thật ra nỗi buồn, nỗi đau nào cũng đẹp! Mỗi nỗi buồn đều ẩn chứa một nguồn trí tuệ sâu sắc bên trong. Nhìn sâu vào nỗi khổ niềm đau, ta sẽ tìm ra ẩn đằng sau đó là ngọn nguồn của ánh sáng, trí tuệ, tình thương và hạnh phúc vô biên, dạt dào, không chút lao xao".