Chia sẻ từ trái tim - Sống trong hiện tại không có nghĩa là có bao nhiêu xài bấy nhiêu

YÊN VŨ12/07/2024 09:00
Chia sẻ từ trái tim - Sống trong hiện tại không có nghĩa là có bao nhiêu xài bấy nhiêu

Chúng ta thường được khuyên rằng phải biết sống trong hiện tại, nhưng sống trong hiện tại không có nghĩa là xả láng, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, mà là biết mình đang làm gì với hiện tại, có chánh niệm với hiện tại.

Lão Tử từng nói “Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống cho quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn thấy bình an, bạn đang sống trong hiện tại.”

Nhưng trong đời sống vội vã như hiện nay, có mấy người biết sống trong hiện tại? Phần lớn chúng ta nếu không dành thì giờ để hồi tưởng, hối tiếc về quá khứ thì cũng bận rộn lo nghĩ cho tương lai với bao dục vọng, mong cầu. Thế nên trong kinh Nhất Dạ Hiền Giả, đức Phật dạy:

“Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại.”

Thật ra quá khứ vốn dĩ không xấu. Nếu không có quá khứ, đã chẳng có con người chúng ta ở hiện tại. Nếu đó là một quá khứ lành mạnh, bạn hoàn toàn có quyền nhung nhớ, trân trọng nó. Nhưng nếu quá khứ đó làm khổ mình thì Phật dạy là hãy buông bỏ nó đi. Bởi vì càng nắm chặt thì quá khứ ấy càng đeo bám và khiến chúng ta đau khổ. Giả dụ có một người đã phụ bạc bạn cách đây một năm hay mười năm mà bạn cứ ôn lại quá khứ đó hoài thì sẽ thấy khổ hoài.

Không chỉ vậy, trong lúc ngồi nhớ chuyện quá khứ, bạn cũng vô tình bỏ qua bao nhiêu cái hiện tại mà trong đó mình được yêu thương. Bởi lẽ trên đời này đâu phải chỉ có duy nhất một tình cảm đó, chúng ta còn tình cha, tình mẹ, tình anh em, bạn bè…

Không chỉ quá khứ mà tương lai cũng sẽ làm chúng ta khổ nếu như chúng ta cứ mải miết suy tính, mong cầu hay cố gắng sắp đặt nó. Như thầy Thích Pháp Hòa đã nói trong cuốn sách “Chia sẻ từ trái tim”: “Quá khứ đã qua mà tương lai thì chưa tới. Nhiều người ngồi chờ tương lai bằng cách đi xem bói đầu năm. Nghe ông thầy nói “Chà, tuổi của chị tháng Mười Hai có tai nạn nghen” là bắt đầu ngồi rầu từ tháng Giêng cho tới tháng Mười Hai. Mình đi hỏi về tương lai, đi kiếm tương lai để rồi đau khổ trong từng ngày, từng phút sống của hiện tại. Tháng Mười Hai chưa tới, trong khi mỗi ngày, mỗi tháng trong hiện tại, mình đang đau khổ”.

Cuộc sống vốn dĩ vô thường, chúng ta không biết được tương lai sẽ có gì xảy đến. Vậy nên thời khắc hiện tại mới trở nên quan trọng và quý giá. Nhưng nói sống với hiện tại cũng không có nghĩa là chúng ta được quyền xả láng những thứ mình có, không có sự chuẩn bị cho tương lai sau này.

Như thầy Thích Pháp Hòa đã dạy: “Tương lai không ước hẹn bởi vì đúng là tương lai đâu có ước hẹn. Mình phải biết sống với hiện tại, mà sống với hiện tại không có nghĩa là có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Nếu sống trong hiện tại mà không có chánh niệm thì hiện tại này cũng nguy hiểm lắm. Bây giờ nếu mình có một trăm đồng và mình vô lo, xài hết một trăm đồng thì như vậy là mình không biết tận hưởng tương lai. Nếu biết tận hưởng tương lai, mình chỉ tiêu xài vừa đủ trong khả năng của mình”.

Phật dạy chúng ta buông bỏ nhưng không phải là từ bỏ hết mọi cái mình có. Buông bỏ tức là biết cái gì cần bỏ, cái gì cần buông và giữ những gì cần giữ. Vì nếu không có quá khứ, sẽ không có hiện tại. Nếu không lo nghĩ về tương lai, chúng ta sẽ không có mục tiêu, phương hướng để đi tiếp. Và nếu không biết sống trong hiện tại, chúng ta sẽ vừa phí hoài quá khứ mà cũng vừa ảnh hưởng đến tương lai sau này. Nhưng hãy nhớ rằng sống trong hiện tại cũng không có nghĩa là xả láng, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, mà là biết mình đang làm gì với hiện tại, có chánh niệm với hiện tại.


Gửi bình luận
(0) Bình luận