Điều này được thảo luận trong trong sự kiện Have A Sip Book Club vừa diễn ra vào cuối tuần qua. Tại sự kiện, bạn đọc không chỉ được tham gia giao lưu cùng Giáo sư Hà Vĩnh Thọ mà còn được chia sẻ, thảo luận về quan điểm xây dựng gia đình một gia đình hạnh phúc.
Hàng trăm khách mời giao lưu cùng Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - Ảnh: Vietcetera |
Khi được MC Thùy Minh hỏi về việc làm thế nào để người trẻ đối diện và vượt qua những sang chấn được tạo thành từ gia đình, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cho rằng chúng ta không để né tránh những đau khổ xảy đến trong đời, bởi vì cuộc sống luôn tồn tại hai mặt tốt và xấu. Và những trải nghiệm trong quá khứ cũng có thể là những hạt giống cho những điều tốt đẹp sau này, quan trọng là ta biết cách để xử lý nỗi đau của mình.
Điều này cũng tương tự những điều mà tác giả Vienna Pharaon đề cập trong cuốn sách “Phá vỡ khuôn mẫu” do First New - Trí Việt vừa mới phát hành. Tác giả cho biết, khi ở trong một mối quan hệ tình cảm, tình bạn, hay nuôi dạy con cái thường vô thức lặp lại những khuôn mẫu đã được hình thành từ thuở bé. Những khuôn mẫu này có thể được di truyền qua nhiều thế hệ, nhưng việc mang trong mình những nỗi đau không có nghĩa là chúng ta phải tiếp tục như thế. Nếu có thể dừng lại một chút để tìm hiểu những vết thương này đến từ đâu, chúng ta có thể thực hiện các bước để phá vỡ lập trình đã khiến bạn mắc kẹt trong hiện tại, từ đó cải thiện đáng kể các mối quan hệ và cuộc sống của bạn trong tương lai.
Còn theo giáo sư Hà Vĩnh Thọ, hành trình chữa lành cần song song với việc nuôi dưỡng những điều tốt đẹp và sự tử tế. Ông cũng đưa ra quy tắc 80/20, tức 80% dùng để nuôi dưỡng những điều tốt đẹp và 20% quay về với chính mình, chữa lành mình. Bởi vì nếu dành thời gian cho quá nhiều cái khó khăn, tổn thương thì chúng ta sẽ bị quá tải. Một người đã từng bị bạo hành trong tuổi thơ, khi lớn lên, họ có thể chọn lựa trở thành một phiên bản người bạo hành giống như cha mẹ, hoặc là họ nhìn thấy được những đau khổ đó và sẽ cố gắng để trở thành những người cha mẹ có phẩm chất yêu thương, vị tha đối với con cái của mình.
Khi ở vai trò người con, chúng ta sẽ dễ dàng oán trách cha mẹ vì không dành thời gian cho mình, không trao cho chúng ta sự yêu thương như ý nguyện, nhưng ở vai trò của cha mẹ, họ cũng gặp nhiều vấn đề trong việc cân bằng giữa cảm xúc, thời gian cá nhân với việc chăm sóc con. Về điều này, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cho rằng muốn chăm sóc con hiệu quả, cá nhân những người làm cha mẹ phải biết chăm sóc mình trước. Điều này không chỉ đúng với mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, mà còn ứng dụng vào những mối quan hệ khác, bất kể là với gia đình, người yêu, bạn đời hay bạn bè. Tình yêu, bất kể là dạng nào, đều là những món quà kỳ diệu mà chúng ta cần nâng niu, vun đắp từng ngày.
Như tác giả Gary Chapman đã chỉ ra trong cuốn sách “5 ngôn ngữ yêu thương”, khi hiểu được sự khác biệt và biết cách sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu của mình, chúng ta sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc cho tình yêu và một gia đình hạnh phúc, nơi mọi người đều cảm thấy mình được quan tâm, yêu thương và chia sẻ trong sự ấm áp, nồng nàn của tình yêu.