Vì sao mình gọi họ là vô hình? Tại vì mình không thấy. Mình không thấy nên nói họ vô hình chứ họ có. Mắt của mình có giới hạn, nó thấy nhưng mà thấy chừng mực, không thể thấu suốt. Ví dụ mình bước vô chỗ nào đó mà con nít khóc ré lên. Tại sao con nít khóc mà mình thì thấy bình thường? Vì nó cảm được. Tại sao con nít thấy được? Vì mắt con nít chưa nhiễm ô. Nhưng chừng năm, sáu tuổi là mình hơi nhiễm ô rồi, mình biết phân biệt rồi. Còn con nít, con mắt nó tinh khiết.
Hoặc ví dụ có những chỗ vào ban đêm chó sủa. Tại sao chó sủa? Tại vì có thể nó thấy. Cho nên vô hình là vô hình với mình thôi. Ví dụ bây giờ quý vị nhìn thấy cái nhà này sạch quá, không có bụi. Nhưng mà thật ra có bụi không? Chỉ cần ánh nắng rọi vào thì mình sẽ thấy bụi lăn tăn. Như vậy trong cái không này, mình nói không mà sự thật là có không?
Vậy thì Bát Nhã Tâm Kinh nói chẳng sai: “Không tức thị sắc, sắc tức thị không”. Trong không có sắc, trong sắc này có không. Vì mình gọi là hoa chứ nó vốn là hạt, nước và đất rồi mọc lên như vậy thôi. Cái này có ở đây nhưng là tạm có chứ không thật có, vì nó không thật có nên gọi nó là không, mà không này là “không thật có”, “not real” chứ không phải là “nothing”.
Hoa này có nhưng không thật có vì nó sẽ héo, sẽ hư. Con người mình có nhưng không thật có mà chỉ là đất, nước, gió, lửa hợp thành. Rồi mỗi ngày phải mượn, nói cho cùng thì thân này là thân vay mượn. Hồi nãy mình mượn mấy chén cơm, mấy chén canh? Rồi từ lúc ăn tới giờ trả miếng nào chưa? Mượn, trả mỗi ngày. Khát nước thì mượn một ly nước, rồi lát sau trả. Rồi ví dụ một ly nước đầy, uống vô hai ngụm thì nó vơi, gọi là giảm. Giảm ở đây mà nó tăng ở đâu? Tăng trong bụng. Một lát nữa nó giảm trong bụng thì nó tăng ở ngoài cống. “Bất tăng bất giảm”. Xúc một miếng đất ở chỗ này đắp qua chỗ kia – giảm chỗ này mà tăng chỗ khác. “Bất tăng bất giảm.”
Con người mình bình thường thấy có tăng có giảm. Nhưng với người có trí tuệ thì không tăng, không giảm mà cũng chẳng sạch, chẳng dơ. Đây, cái ly này, nếu chưa ai uống thì mình cho là sạch. Nhưng khi một người nào đó cầm lên uống, nó đâu có dơ gì mà mình gọi nó là ly dơ. Rồi mình đem đi rửa, rửa xong lại kêu là sạch. Nước mà mình giội ra hệ thống cống rãnh của thành phố, họ đưa về một nguồn, rồi sau khi lọc bao nhiêu lần, họ cho nước đó đi vô lại hệ thống nước cho mình uống. Bây giờ thì mình gọi nước đó là sạch. Nhưng nếu mình lấy một cái kính hiển vi mà rọi vô nữa thì nước này vẫn có vi trùng. “Bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh.”
Ví dụ cái thân của mình đây thôi. Thân này của mình là mượn – đất, nước, gió, lửa. Mỗi ngày. Hít vô là mượn, thở ra là trả. Hít vô là mượn, thở ra là trả. Cho nên có câu hỏi “Thế nào là mạng sống?”. Trả lời: “Sự vay mượn liên tục”. Bây giờ quý vị nghĩ xem có phải mình là vay mượn không. Liên tục từ sáng tới tối. Sáng mượn chén cháo rồi trả, trả xong lại đói, tới trưa mượn chén cơm, rồi lại trả... Chưa kể mượn lặt vặt!
Đó là chuyện ăn, còn hơi thở của mình là liên tục vay trả. Hít thở, hít thở… Một ngày nào đó nó không cho mình mượn-trả nữa thì mình ra đi thôi. Mình hít vô rồi nó nói “Thôi, không cho mượn nữa!”, là mình xong. Cho nên:
“Trăm năm trong cõi người ta
Ai ai cũng phải thở ra hít vào
Trăm năm trong cõi nước nào
Người ta cũng phải hít vào thở ra
Xa như ở nước Canada
Người ta cũng phải thở ra hít vào
Mút tít tè như ở nước Tàu
Người ta cũng phải hít vào thở ra
Gần gần như ở nước chúng ta
Thì ta đây cũng phải thở ra hít vào.”