Ông bà ta vẫn nói: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Trên đời này không có bất cứ cái gì ở ngoài nhân quả. Người theo Phật hay không theo Phật đều bị chi phối bởi chúng. Tuy nhiên, nhiều người chỉ áp dụng nhân quả với người khác, dùng nhân quả để nói người khác, chứ bản thân họ thì không tin vào nhân quả.
Vậy phải hiểu nhân quả như thế nào cho đúng?
Nói một cách đơn giản, nhân là những gì mà chúng ta làm, còn quả là những gì chúng ta hưởng hay nhận. Ví dụ khi chúng ta gieo hạt xuống đất, gọi là nhân. Rồi nó lên cây, ra hoa và có trái, gọi là quả. Gieo nhân tốt thì gặt quả tốt. Nếu gieo nhân đi học, bạn gặt được quả là biết chữ. Hoặc xem việc đi làm là nhân, thì kiếm được tiền là quả mà chúng ta sẽ nhận. Dù tin hay không thì nhân quả vẫn xoay vần trong cuộc sống của chúng ta.
Như Sa môn Thích Pháp Hòa đã chia sẻ trong cuốn sách “Chia sẻ từ trái tim”: “Không cần biết anh theo đạo gì, nếu sống ở đời mà làm việc xấu, anh sẽ phải trả quả xấu. Nếu làm việc thiện, anh sẽ hưởng quả tốt. Nhân quả là luật chung chứ không của riêng một đạo nào cả. Cho nên một người dù không tin Phật, không theo đạo gì nhưng sống bằng nhân thiện thì sẽ hưởng quả thiện”.
Nhìn chung, tất cả chúng ta đều bị nhân quả chi phối. Nhân, duyên, nghiệp, quả, liên kết với nhau. Nhân liên kết với duyên, thành quả, lâu ngày thành thói quen, thành nghiệp. Nếu một người hiểu được nhân quả và cố gắng tạo nhân tốt, họ sẽ được hưởng quả tốt, không cần phải luận bàn là Phật hay không Phật. Nếu một người phạm tội giết người, thì người đó phải ở tù, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Không thể nói người đó không theo đạo nên không phải chịu luật nhân quả.
“Phật không đặt ra nghiệp báo hay nhân quả. Tin Phật hay không, anh cũng sống trong nhân quả. Không tin nhân quả, anh cũng sống trong nhân quả. Nhưng nếu tin có nhân quả, anh sẽ cố gắng tạo nhân tốt để hưởng quả tốt. Còn nếu tin Phật mà không tin vào nhân quả, anh vẫn sẽ làm việc xấu. Dù lạy Phật, cúng Phật hay xây tượng Phật, anh vẫn phải trả quả như thường. Chứ không phải mình làm gì cho Phật rồi Phật cứu vớt mình. Không phải vậy.” - thầy Thích Pháp Hòa nhìn nhận.