Phóng sinh là cho người ta sự sống
Trong việc sát sinh có ba điều cần lưu ý: tự mình không làm, không khuyến khích người làm, và cũng không vui theo việc làm của người. Vậy phóng sinh là để thể hiện giới thứ nhất của chúng ta, là không sát sinh và bảo hộ sự sống. Mà bảo hộ sự sống, chẳng hạn như trên đường đi chợ, chúng ta thấy người ta đang bán cá, bán chim, bán rùa hay bất cứ con gì, chúng ta tình cờ gặp, đúng duyên, và chúng ta mua để thả. Đó mới là hiểu ý nghĩa và làm đúng cách.
Còn nếu mình đi ra chợ và kêu: “Mai tui cần 500 con cá để thả, chị nhớ kiếm cho tui 500 con” thì một mặt mình phóng sinh, một mặt khác mình kêu người ta đi bắt – như vậy thì không đúng. Cho nên nhiều vị muốn phóng sinh bằng hình thức để mình được tiếng là “vua phóng sinh”, là rất giỏi trong việc phóng sinh. Mình có thể phóng sinh mỗi lần hàng ngàn, hàng chục ngàn con cá hay con này, con kia, nhưng thật ra mình toàn đi mua. Về hình tướng thì mình có làm, nhưng về ý nghĩa thì mình không đúng. Và cách thức mình làm cũng không đúng. Mình đâu thể nào đi mua của người ta rồi thả như vậy được. Đó là chưa kể họ bắt xong rồi họ nhốt hàng trăm con chim trong lồng.
Mà phải chi mua xong thả liền đi, không, mình xách lên chùa, rồi nhờ thầy “phù” vô đó thêm một lúc nữa. Để gọi là có chú nguyện. Đâu có cần thầy chú nguyện, mình tự “thím” nguyện cũng được. Mua một cái lồng chim hai trăm con, xách về tới chùa, gặp lúc chùa đóng cửa ngủ trưa, thế là mình ngồi chờ. Trời thì nắng, trưa trờ trưa trật, hai trăm con chim trong lồng nó nheo nhóc, nó khổ sở. “Bà có tha cho tui thì tha lẹ đi. Tui chờ bà mở cái lồng, tui khổ quá!”. Nó nói tiếng của nó nha, nó kêu chiêm chiếp vậy đó. Quý vị có nghe chuyện con gà chửi thầy tu chưa? Con gà vô chùa ăn lúa, ông thầy tu lấy cây phang nó. Nó vừa đi vừa chửi: “Trọc, trọc, trọc… mà ácccc…”. Chim trong lồng nó cũng nói y như vậy đó.
Cho nên ý nghĩa của phóng sinh là cho con vật sự sống. Và cách đúng nhất là chúng ta ra chợ, không bảo gì ai hết, cứ gặp đúng duyên thì mình làm. Mua rồi lập tức thả. Ví dụ, mình mua rồi đi tới chỗ nào không có người săn bắt, trống trải một chút, mình tự nói: “Hôm nay đủ duyên, tôi mua các vị tôi phóng sinh, cho quý vị được sống. Nguyện đời kiếp nào quý vị cũng gặp được Phật pháp để thoát kiếp”. Tự mình chú nguyện, không cần sư thầy, sư cô nào cả.
Giúp con người cũng tương đồng với việc phóng sinh
Bây giờ mình nói ý nghĩa rộng của việc phóng sinh. Phóng là cho, sinh là sự sống. Phóng sinh là cho người ta sự sống. Mình không có cơ duyên phóng sinh con rùa, con cá, con chim. Nhưng còn vô số người cần sự sống. Cho họ cơm ăn, áo mặc, đời sống tốt cũng là phóng sinh rồi, chứ đâu có nhất thiết phải phóng sinh bằng con chim, con cá.
Có người hỏi: “Thưa thầy, phóng sinh con gì thì tốt?”. Trả lời: “Con gì cũng cần sống, huống chi là con người”. Một người khác hỏi: “Có người nói phóng sinh chim rất tốt, thưa thầy tốt chỗ nào? Như vậy có đúng không? Ý nghĩa phóng sinh chim là gì?”. Ý nghĩa là chim nó bay. Thưa đại chúng, mình là một Phật tử, nếu mình làm một việc thiện mà không hiểu được việc mình làm thì mình vẫn có phước, nhưng phước đó chưa viên mãn.
Tại sao gọi là Ba-la-mật? Ba-la-mật trong tiếng Phạn là viên mãn, là rốt ráo, là trọn vẹn. Nếu làm một việc gì cho người khác mà mình bắt họ khổ sở với mình thì việc tốt đó chưa trọn. Trước khi cho người ta năm đồng, mình bắt họ ngồi nghe mình giảng đạo, giảng xong rồi mới cho. Trời ơi, nhiều khi người ta khổ, người ta ngồi chờ năm đồng đó của mình. Cho nên phóng sinh là việc tốt nhưng phải biết cách. Biết cách làm thì phước càng thêm phước. Còn không biết cách làm thì trong cái phước đó có một phần nghiệp. Là do mình không hiểu được ý nghĩa.
Thật ra đây không phải là lỗi của mình. Tại vì mình chưa hiểu ý nghĩa thôi. Còn trên phương diện phóng sinh, phóng con nào cũng được hết. Ví dụ bây giờ mình hỏi: “Thầy ơi, giúp đàn ông tốt hay giúp đàn bà tốt?”. “Đàn” nào khổ, mình giúp cũng tốt hết. “Đàn” nào cũng cần mình giúp. Cho nên phóng bất cứ loài sinh vật nào cũng tốt, nhưng phải làm cho đúng. Làm như thế nào là đúng? Là gặp duyên thì chúng ta mua, chúng ta thả. Không cần mang về chùa. Và cũng đừng nghĩ rằng mình phải tổ chức những đợt phóng sinh ồ ạt, ví dụ quy định một tháng phóng 10.000 con chim. Nghe trên báo chí, nghe trên tin tức mình thấy hay vậy đó, nhưng mà kiếm ở đâu ra 10.000 con nếu không đặt trước, phải không? Như vậy là mình xúi người ta làm cái việc đó.
Nếu mình mua những con cá mình thả mà không đúng nguồn nước để nó có thể sống, mình có chắc mình phóng sinh được không? Pháp Hòa lấy ví dụ, con cá đó sống ở nước mặn mà mình mua về thả trong nước ngọt, làm sao nó sống nổi? Hoặc con cá đó là cá cảnh, mình đem thả xuống sông. Mình vừa thả xong, mấy con cá lớn reo mừng: “Mô Phật, cảm ơn ở trển quá nha. Bữa nay ở trển cúng dường cho mình quá trời quá đất”.
Tại con cá lớn nó ăn con cá nhỏ, mà mua cá lớn sẽ không được nhiều nên mình mua cá nhỏ. Nếu mình thả cá nhỏ vô trúng khúc sông có quá trời cá lớn thì coi như bữa đó mấy con cá lớn ở đó no bụng. Cho nên trong việc phóng sinh của mình, mình phải có cái quán chiếu, có cái nhìn thì việc phóng sinh mới đúng ý nghĩa.
Pháp Hòa không bài bác chuyện phóng sinh, nhưng mình phải làm cho đúng cách – không bao giờ đặt người ta bắt. Không phải mua chim, mua cá mới gọi là phóng sinh. Mà ý nghĩa của phóng sinh là chúng ta cho các sinh vật sự sống. Ngoài con vật còn có con người. Con người xung quanh mình, họ cũng đói khổ dữ lắm. Nếu mình có thể giúp họ thì việc đó cũng có ý nghĩa tương đồng với việc phóng sinh mà thậm chí còn mang lại lợi lạc lớn nữa. Tại vì con người đó, nếu họ sống còn, có học, có hành, họ sẽ làm được nhiều việc lợi ích cho đời, cho người. Cho nên phải hiểu được ý nghĩa như vậy thì mình mới làm việc đó một cách đúng đắn.