Là một nhà tâm lý học được đào tạo tại Harvard, Tiến sĩ Cortney S. Warren thừa nhận những người có EQ cao thường dễ thành công hơn trong sự nghiệp. EQ là khả năng nhận thức, quản lý, kiểm soát hoặc truyền đạt cảm xúc một cách hiệu quả. Những người có EQ cao thường có thể tương tác tốt hơn không chỉ với bạn bè và gia đình, mà cả với những người lạ xung quanh. Điều này khiến họ dễ dàng có được cảm tình của người khác, từ đó công việc và cuộc sống cũng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều đó. Thậm chí có những người còn không quan tâm đến trí tuệ cảm xúc của mình, gây mất thiện cảm với người đối diện. Đó là những người có EQ thấp. Nếu bạn vẫn đang thích nói chuyện bằng 3 giọng điệu dưới đây thì bạn chính là người có EQ thấp mà không hề hay biết:
1. Giọng điệu hoài nghi
Những người có trí tuệ cảm xúc thấp thường sử dụng giọng điệu hoài nghi để giao tiếp với người khác. Chẳng hạn như “Sao chuyện này có thể xảy ra được?”, “Có thật sự như vậy không đấy?”,...
Giọng điệu hoài nghi thể hiện sự không tin tưởng đối phương và cũng hàm chứa ý nghĩa tiêu cực. Thường xuyên sử dụng giọng điệu này sẽ tạo ra sự khó chịu, mất thiện cảm giữa hai bên. Cũng vì thế mà có thể làm gia tăng khoảng cách giữa người với người, kể cả những người đã từng thân thiết. Do đó, nếu bạn không muốn vòng quan hệ của mình ngày càng hạn hẹp thì phải sớm từ bỏ giọng điệu này khi nói chuyện với mọi người.
2. Giọng điệu hỏi ngược
Giọng điệu hỏi ngược thường được những người có EQ thấp sử dụng với dụng ý chất vấn, thể hiện thái độ trịnh thượng, không đồng tình hoặc coi thường, hạ thấp người đối diện. Ví dụ: “ Không phải tôi đã nói với cậu rồi sao?",“Việc đơn giản như vậy bạn cũng không làm được sao?”,...
Những người thường sử dụng những câu hỏi tu từ này không phải để nhận về câu trả lời. Thay vào đó, họ dùng những câu hỏi ngược này thể hiện sự phủ nhận mạnh mẽ với thái độ nghi hoặc, hàm chứa sự bất mãn và khinh thường đối với đối phương. Các chuyên gia về tâm lý tin rằng những người chỉ coi mình là trung tâm vũ trụ và không quan tâm đến cảm xúc của người khác là những người thuộc nhóm có trí tuệ cảm xúc thấp điển hình. Do đó, đây không phải là thói quen tốt khi nói chuyện, nếu ai đang mắc thì nên thay đổi sớm.
3. Giọng điệu thờ ơ
Nhiều người khi rơi vào tình huống cãi nhau hoặc xảy ra xích mích thường có xu hướng dùng những câu nói có giọng điệu thờ ơ vì lười giải thích. Ví dụ: “Anh nghĩ sao cũng được”.
Giọng điệu này sẽ khiến đối phương cảm thấy người nói không quan tâm đến cảm xúc của mình, sẽ càng khiến cho sự tức giận bùng nổ hơn. Giao tiếp, trò chuyện là cách trao đổi hai chiều. Nếu bạn dùng giọng điệu thờ ơ khi trò chuyện, điều này ám chỉ việc bạn không muốn tiếp tục giao tiếp với đối phương, khiến họ cảm thấy mình thiếu tôn trọng, thiếu sự đồng cảm với họ. Do đó, mọi người nên tránh sử dụng giọng điệu này khi nói chuyện với người khác.
4. Giọng điệu ra lệnh
Giọng điệu ra lệnh cho người khác bao giờ cũng khiến đối phương cảm thấy khó chịu, cho dù người nói là ai. Ví dụ như: "Này, đưa tài liệu cho tôi”, “Làm hộ tôi việc kia đi”,...
Chẳng ai trong chúng ta thích bị sai khiến bởi giọng điệu đó. Bởi nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy bản thân không được tôn trọng, tạo cảm giác bị áp bức tâm lý, khó chịu. Cách nói này cũng là một trong những biểu hiện điển hình của một người có EQ thấp. Cho dù giữa người với người có quan hệ thân thiết đến mức nào, bạn cũng không nên dùng giọng điệu ra lệnh cho họ vì chính giọng điệu đó sẽ là con dao cắt đứt mối quan hệ giữ bạn với những người xung quanh.
Có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, có nghĩa là khi nói năng, giao tiếp với nhau thì chúng ta nên thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lời lẽ trước khi thốt ra cần suy nghĩ kĩ, tránh lỡ lời làm xúc phạm hay xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Một số người khi nói chuyện thường dùng lời lẽ rất “thẳng” và nói bất chấp mặc cho đối phương có chấp nhận hay không. Họ cho rằng đây là biểu hiện của sự dứt khoát, thẳng thắn nên không cảm thấy tội lỗi. Tuy nhiên thực tế không phải vậy, đây là biểu hiện điển hình của trí tuệ cảm xúc thấp, thể hiện sự kém văn minh. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng cách nói uyển chuyển để chúng ta có thể diễn đạt những gì mình muốn nói và khiến đối phương chấp nhận với cảm giác dễ chịu, thoải mái. Từ đó cũng đạt được hiệu quả giao tiếp, thể hiện nét lịch sự, văn hóa trong giao tiếp ứng xử.
(Theo Toutiao)