Cách đây không lâu, đọc sách self-help được coi là một “việc chỉ nên làm trong bí mật”. Bạn có thể lặng lẽ lướt qua những phần self-help ở hiệu sách hoặc tham dự một hội nghị trực tiếp mà không nói với ai. Và thời gian đã làm mọi thứ thay đổi. Self-help đã đi từ chỗ không quan trọng và trở thành một điều chính thống, từ chỗ khiến người khác không mấy thiện cảm đến khiến nhiều người đọc yêu thích.
Chúng ta không thể nào xem hết, từ các khóa học đến phim tài liệu và các YouTuber. Ngành công nghiệp self-help đang thịnh hành trên tạp chí Vogue. Và trong khi các phương tiện mà chúng ta sử dụng liên tục thay đổi thì xương sống vẫn luôn là những cuốn sách self-help.
Trong sáu năm qua, số lượng sách self-help được phát hành ở Mỹ đã tăng gần gấp ba, từ 30.000 lên hơn 85.000 cuốn. Và tôi đã đọc 100 cuốn trong số đó, từ “Sức mạnh của hiện tại”, cho đến “Làm ra làm chơi ra chơi”, “Sự liều lĩnh vĩ đại”, “Đánh thức con người phi thường trong bạn”...
Bạn có thể nói rằng tôi gặp một chút vấn đề, nhưng tôi đã học được rất nhiều điều khi đọc chúng và những bài học tôi đọc được có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận về self-help.
Đây là một trong những cuốn sách self-help bán chạy nhất, được viết vào năm 1936 bởi Dale Carnegie - “Đắc nhân tâm” là một tác phẩm kinh điển. Trong cuốn sách, ông trích dẫn lời triết gia người Anh Herbert Spencer, người đã nói rằng mục đích lớn nhất của giáo dục không phải là kiến thức, mà là hành động. Và đây là một cuốn sách về hành động.
Và bài học từ gần 100 năm trước này là một trong những bài học quan trọng nhất tôi học được khi đọc hơn 100 cuốn sách self-help.
Hành động dù nhỏ đến đâu cũng là chìa khóa để đạt được tiến bộ.
Bạn có thể ngấu nghiễn tất cả các cuốn sách self-help trên thế giới, nhưng nếu bạn không thực sự áp dụng những khái niệm đang học thì có thể bạn giống như đang đọc tiểu thuyết.
Vì vậy, nếu bạn đang đọc một cuốn sách về tài chính cá nhân, thì hãy cân nhắc gợi ý trả mọi thứ bằng tiền mặt của tác giả. Nếu bạn đang đọc một cuốn sách về tập thể dục, thì hãy nghe theo lời khuyên của tác giả là phủi bụi đôi giày của bạn và đi bộ 10.000 bước mỗi ngày. Nếu mục tiêu là thực sự cải thiện cuộc sống, cho dù đó là về tài chính kinh doanh hay sức khỏe tinh thần, thì điều cần thiết là phải đảm bảo rằng bạn đang thực hiện những bước nhỏ, không chỉ là lý thuyết mà là những gì có thể thực sự hiệu quả.
Một nguyên tắc nhỏ là chọn ít nhất ba khái niệm từ mỗi cuốn sách và áp dụng chúng vào thực tế ngay lập tức.
Những cuốn sách hay nhất sẽ khiến cho việc này trở nên rất dễ dàng. Một trong những ví dụ đáng nhớ nhất đối với tôi là từ cuốn sách “The Flinch”. Trong cuốn sách, tác giả Julian Smith cho thấy chúng ta thường nao núng khi đối mặt với nỗi sợ hãi như thế nào. Anh lấy ví dụ về một võ sĩ nghiệp dư. Trong những lần đầu tiên, khi bị ai đó tung cú đấm thẳng vào mặt, một võ sĩ quyền anh sẽ nao núng theo bản năng nhưng nếu bạn muốn trở thành đẳng cấp thế giới, bạn cần phải luyện lại bản năng này.
Điều tương tự cũng xảy ra với việc theo đuổi sự sáng tạo và sống một cuộc sống ý nghĩa. Trong cuốn sách, Smith nói: “Bạn muốn có một ví dụ trực quan thực tế về cảm giác nao núng không? Hãy thử điều này khi bản ở nhà và có năm phút, đi vào phòng tắm và bật nước lạnh.” Sau đó, anh khuyến khích người đọc bỏ đi những lời bào chữa và nhảy thẳng vào dòng nước lạnh như băng.
Tôi nhớ rõ rằng tôi đã đọc phần này nhiều năm trước và nghĩ rằng không đời nào tôi lại phải tắm nước lạnh. Nhưng càng nghĩ về nó, tôi càng nhận ra tôi thực sự nên áp dụng một số bài học này vào thực tế. Có lẽ tôi nên chấp nhận sự nao núng và xem điều gì sẽ xảy ra. Và thế là tôi lao vào dòng nước lạnh ngắt ấy. Như Julian giải thích, khi chúng ta liên tục tiếp xúc những điều như vậy, dù lớn hay nhỏ, từ việc hẹn hò với người lạ dễ thương đến nói chuyện trực tiếp trước hàng trăm người, chúng ta có thể bắt đầu vượt qua nỗi sợ hãi và xây dựng cuộc sống mà chúng ta muốn.
Sự thật là hầu hết mọi người không thực sự đọc hết những cuốn sách họ bắt đầu, chứ đừng nói đến việc áp dụng các bài học vào thực tế. Như Tony Robbins viết trong chương mở đầu của cuốn sách “Đánh thức con người phi thường trong bạn”: “chưa đến 10% số người mua sách đọc qua chương đầu tiên. Tôi thách thức bạn không chỉ làm bất cứ điều gì cần thiết để đọc toàn bộ cuốn sách này, không giống như nhiều người đã bỏ cuộc, mà còn áp dụng theo cách đơn giản những gì bạn học được mỗi ngày.”
Khi tôi nhìn vào danh sách 100 cuốn sách self-help mà tôi đã đọc, gần như không thể nhớ được nhiều hơn hai hoặc ba điều rút ra từ mỗi cuốn sách nhưng tất cả chúng đều chứa đựng những hiểu biết sâu sắc làm thay đổi cuộc sống.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà tôi mắc phải lúc đầu là không ghi chép khi đọc. Mặc dù tôi đã sửa được thói quen này nhưng tôi thường quá trân trọng những cuốn sách của mình. Tôi không muốn đánh dấu các trang hoặc chú thích vào sách, nhưng nếu bạn đọc nhiều thì điều cần thiết là phải theo dõi những bài học và bài học quan trọng mà bạn tiếp thu được. Nếu không nó sẽ vào tai này rồi ra tai kia.
Tác giả Ryan Holiday rất coi trọng việc ghi chú trong khi đọc. Anh nói rằng chìa khóa chính là các “nghi thức”, hãy đọc một cuốn sách hoặc một bài báo và chăm chỉ đánh dấu những đoạn văn và phần mà bạn thấy nổi bật. Nếu bạn có một suy nghĩ, hãy viết nó ra trang giấy.
Vì vậy, việc giữ cho sách sạch đẹp không quan trọng bằng việc có một cách đơn giản để nắm bắt và sắp xếp thông tin. Đặc biệt là việc tìm một chiến lược phù hợp với bạn. Vì vậy, trong khi đọc, bạn hãy highlight những ý tưởng hay nhất, gạch chân những trích dẫn sâu sắc nhất, sử dụng đánh dấu trang để ghi nhớ những phần ấn tượng nhất hoặc mở ứng dụng ghi chú trên điện thoại. Nếu bạn đọc hàng trăm cuốn sách self-help và không ghi chép lại những gì mình học được thì bạn sẽ lãng phí rất nhiều thời gian. Bạn có thể muốn tìm lại những thông tin đó trong tương lai. Vì vậy bạn cần phải làm cho việc tìm thấy chính xác những gì mình cần trở nên dễ dàng nhất có thể.
Vì đôi khi những điều được viết trong những cuốn sách này cần phải được học đi học lại nhiều lần. Đây là một trong những lý do khiến tôi bắt đầu đọc sách giấy trở lại. Sách nói rất tiện dụng và tôi vẫn sử dụng chúng cho đến ngày nay. Nhưng không có gì có thể sánh bằng việc đọc một cuốn sách thực sự. Chắc chắn rằng cảm giác đến từ xúc giác khi đọc sách rất tuyệt, nhưng việc ghi chú cũng dễ dàng hơn để tìm được chính xác những gì bạn đang cần trong tương lai. Và việc đọc từ những cuốn sách thực sự dễ dàng hơn nhiều so với việc nghe sách nói.
Một trong những lợi ích lớn nhất mà tôi nhận thấy khi đọc self-help là các tác giả về cơ bản đã trở thành người cố vấn cho tôi. Khi bắt đầu, tôi không có người cố vấn thực sự. Cá nhân tôi không biết ai đã bắt đầu khởi nghiệp bằng việc làm phim tự do hoặc ai đã làm một bộ phim tài liệu dài tập hoặc ai đã tạo video trên YouTube để kiếm sống. Tôi không biết phải nhìn vào đâu, phải làm gì với đôi tay của mình khi đứng trước ống kính. Tôi không có ai để thảo luận về chuyện này. Vì vậy, tôi đã tìm đến sách. Khi tôi không thể bắt chuyện với Brene Brown, Seth Godin hay Gretchen Rubin, tôi có thể mở một cuốn sách để tìm hiểu mọi điều họ chia sẻ về khả năng lãnh đạo, marketing và hạnh phúc.
Có một lượng giá trị không cân xứng trong các cuốn sách self-help. Chỉ với 15 đô la, bạn có thể tiếp cận với một số người thông minh nhất thế giới, để nghe cách họ xử lý một số vấn đề tương tự như bạn đang gặp phải. Nếu hiện tại bạn không đọc sách self-help thì bạn đang bỏ lỡ rất nhiều nội dung vô giá có thể thay đổi cuộc sống của bạn và giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian. Nhưng điều gì đó hiệu quả với tác giả không có nghĩa là nó sẽ hiệu quả với bạn.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải khi đọc sách self-help là mù quáng làm theo bất kỳ lời khuyên nào được chia sẻ. Như Katie Milkman lập luận trong cuốn sách “Tâm lý học thay đổi hành vi”: khi các nhà hoạch định chính sách, tổ chức hoặc nhà khoa học áp dụng chiến lược phù hợp cho tất cả để thay đổi hành vi, kết quả là khác nhau, nhưng khi họ bắt đầu bằng cách hỏi điều gì đã cản trở sự tiến bộ và sau đó phát triển chiến lược có mục tiêu để thay đổi hành vi thì kết quả tốt hơn nhiều.
Những cuốn sách self-help hay nhất sẽ thách thức tư duy phản biện của chúng ta. Còn những cuốn sách tệ nhất sẽ yêu cầu chúng ta mù quáng làm theo kế hoạch từng bước. Với tư cách là một độc giả, bạn có trách nhiệm đặt câu hỏi về mọi thứ và tự hỏi bản thân: “Làm cách nào tôi có thể điều chỉnh điều này để phù hợp với cuộc sống của mình?”
Nếu bạn là một người nhẹ nhàng, dễ đồng cảm thì lời khuyên bán hàng tích cực bạn đọc được trong một cuốn sách tiếp thị nào đó có thể sẽ không bao giờ phù hợp với bạn, cho dù tác giả có hứa hẹn nó sẽ hiệu quả như thế nào.
Điều quan trọng là bạn có thể bắt đầu với một tinh thần cởi mở, tìm ra ba điều bạn có thể thử nghiệm và hy vọng tìm thấy một điều sẽ gắn bó lâu dài.
Tất nhiên điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng đó là một mục tiêu tốt để bạn theo đuổi.
Điều tuyệt vời nhất khi self-help trở nên phổ biến là luôn có thứ gì đó dành cho mọi người ở mọi giai đoạn trong hành trình phát triển bản thân của họ, cho dù bạn đang muốn hình thành thói quen tốt hơn, cải thiện khả năng tập trung, khỏe mạnh hơn hay chỉ đơn giản là muốn cảm thấy hạnh phúc hơn. Bạn có thể nhận được lời khuyên từ những người đã từng làm việc đó, nhưng điều quan trọng cần nhớ là cuối cùng, self-help là về bản thân bạn.
Với mỗi phần nội dung bạn xem, hãy cân nhắc bạn có thể trở thành người tham gia tích cực vào hành trình của chính mình bằng cách đặt câu hỏi, thực hiện và hành động trong cuộc sống của chính bạn. Bởi vì mặc dù rất tuyệt vời khi được truyền cảm hứng từ một số nhà tư tưởng xuất sắc đi trước, nhưng bạn cần là bậc thầy của chính mình.
Theo Matt D’Avella