Xu hướng phong cách lãnh đạo và phương pháp quản trị nhân sự mới: “Tổ chức phụng sự nhân viên – tạo giá trị cho nhân viên”. Trong quá trình loay hoay để có thể chuyển mình kịp với thời đại thì tôi tìm ra được chìa khóa vàng, là cuốn sách “Thiên tài tập thể.”
Cùng với Nhóm tác giả Linda A. Hill, Greg Brandeau, Emily Truelove, Kent Lineback và cộng sự của mình, "Thiên tài tập thể" đã được ra đời để bàn luận về chủ đề tinh thần, triết lý lãnh đạo đổi mới hay nói đúng hơn là "vai trò của lãnh đạo trong việc tạo dựng một tổ chức sáng tạo hơn."
Nội dung được sắp xếp một cách logic, thực tế dựa trên hoạt động của những tổ chức doanh nghiệp đã có nhiều thành tựu và lối hành văn phân tích triệt để, xoáy trực diện về những vấn đề mang tính cách mạng của nghệ thuật lãnh đạo. Cũng có thể coi đây là một công trình nghiên cứu về tư duy lãnh đạo.
Triết lý cuốn sách dựa trên sự khẳng định: “Một nhà lãnh đạo giỏi không đồng nghĩa với một nhà lãnh đạo biết cách dẫn dắt sự đổi mới.” Cuốn sách đặt ra một câu hỏi mà chính nhiều doanh nghiệp còn đang bế tắc: “Tại sao có quá ít tổ chức có khả năng không ngừng đổi mới?”
Đơn giản bởi vì chúng ta đang lãnh đạo như chú sói đầu đàn, tức ta cho rằng một tổ chức thì chỉ cần một thiên tài đơn phương độc mã nghĩ ra đường hướng phát triển cho tổ chức – đó là chủ tịch. Thực tế, trong thế giới biến động như vậy, cách dễ và tiết kiệm nhất để tổ chức của mình có vô vàn ý tưởng sáng tạo để có thể chuyển mình đó chính là:
“Thay vì cố gắng đặt ra một tầm nhìn và tự mình tạo ra sự đổi mới, nhà lãnh đạo đổi mới sẽ thiết lập một nơi chốn – một bối cảnh, một môi trường – mà ở đó tất cả mọi người đều sẵn sàng và đủ khả năng làm việc chăm chỉ hết mình theo đòi hỏi của việc vấn đề sáng tạo”.
“Thiên tài tập thể” được Chủ tịch Ford Foundation - Darren Walker - đánh giá như một “cú đấm thức tỉnh” về chủ đề lãnh đạo đổi mới. Một tác phẩm mà tôi tin rằng sẽ được coi như Sách giáo khoa gối đầu giường cho những người đứng đầu hiện tại và tương lai trong bối cảnh công nghệ AI.