Thậm chí, ông còn tỏ ra rất khó chịu với những người đang cùng đối thoại khi thấy họ lười biếng suy nghĩ hay chỉ đang đơn thuần đưa ra những trình diễn bằng ngôn từ.
Chẳng hạn, ông nói: “Đừng ước định. Đừng bao giờ nói có hay không; mà hãy khám phá đi!”; “Thưa ngài, xin đừng chỉ biết ném ra những từ ngữ như thế”; “Hãy vứt bỏ hết mọi từ ngữ ngốc nghếch ấy đi. Bạn thực ra chẳng suy nghĩ gì cả”...
Đâu đó, ta thấy rằng ông cười bảo người đối diện “đừng đọc sách” của mình; ám chỉ rằng những lời ông nói chỉ hiệu quả nếu nó được áp dụng vào đời sống, hành động, cuộc đời của mỗi cá nhân người nghe. Suy cho cùng, đó chính là nghịch lý và chân lý trong tư tưởng Krishnamurti về trí thông minh, cũng chính là nghệ thuật sống: tư tưởng không có nghĩa lý gì cả, hãy sống với cuộc sống, với cái đang là.
Jiddu Krishnamurti vốn được coi là nhà tư tưởng chống lại mọi tư tưởng; triết gia chống lại mọi triết thuyết. Vai trò của một bậc thầy, theo ông thì “chỉ ra”, rồi người thầy đó nên bỏ đi và để lại người trò một mình. “Tôi phải động não, phải hành động, tôi không thể chỉ nói: “À, ông ấy đi rồi”. Tôi phải khám phá; tôi phải thấy cái thực và cái ảo. Tôi đã thấy điều đó. Cái thấy như thế không phụ thuộc vào bất cứ ai”, Krishnamurti nói.
Một điểm đặc biệt ở “Đánh thức trí thông minh” là những ghi chép rất trần trụi, trực tiếp, làm ta cảm nhận được những cảm xúc thật chân thật, nóng hổi, sinh động từ cuộc thảo luận. Đôi khi, ta thấy đồng cảm với những thính giả ngày ấy: bối rối, lắm lúc… rối não và thấy tư tưởng của Krishnamurti khó áp dụng.
Tuy nhiên, đâu đó trong hành trình đọc và nghe, sẽ những lời nói chạm vào ta, khiến cho ta bàng hoàng nhận ra sự tăm tối của trí não mình; và từ đó thay đổi cách ta sống và tư duy mãi mãi…
“- Người hỏi: Chúng ta sẽ đi về đâu sau các cuộc thảo luận và trò chuyện này?
- Krishnamurti: Tôi e rằng tôi không thể nói cho bạn biết. Nếu bạn hiểu những điều đã được nói lên và sống với nó, thì bạn sẽ sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Nhưng nếu bạn không sống với nó, lúc đó bạn sẽ chỉ sống đơn giản như bạn là. Có thế thôi”...
“Đánh thức trí thông minh” - Một trong những tác phẩm toàn diện nhất về tư tưởng của Krishnamurti. Cuốn sách đem lại một định nghĩa đột phá của J. Krishnamurti về trí thông minh - thứ vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi kiến thức, mọi cái biết của quá khứ…