Họ sẽ mau chóng hồi phục sau những trở ngại và thất vọng. Họ thường có tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc rằng ngày mai hoặc tuần sau sẽ mang lại nhiều kết quả tốt hơn. Sau đây là ba cách để giúp một nhân viên bán hàng bết cách kiểm soát căng thẳng một cách hiệu quả, để từ đó đạt được những chỉ tiêu bán hàng:
1. Khi đối mặt với nghịch cảnh, nhân viên bán hàng lạc quan nói: “Mặt tích cực của điều này là gì? Tôi sẽ nhận được bài học nào có ích cho những cơ hội to lớn trong tương lai?”. Những nhân viên bán hàng giỏi biết rằng nghịch cảnh xây dựng nên tính cách. Trong nghịch cảnh, ta cũng sẽ học được bài học quan trọng nhất để thành công trong tương lai. Những nhân viên bán hàng này biết rằng khi hoàn cảnh trở nên khó khăn, phần lớn người trong ngành đều sẽ cố tìm những đồng cỏ xanh tươi hơn. Những nhân viên bán hàng hàng đầu không tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn; họ tạo ra chúng.
2. Những nhân viên bán hàng lạc quan biết “chọn bạn mà chơi”. Doanh nhân quá cố Jim Rohn – đồng thời là tác giả và diễn giả truyền động lực, từng nói: “Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn dành hầu hết thời gian để giao du”. Câu trích dẫn này không chỉ đơn thuần mang tính khích lệ. Các nhà tâm lý học biết rằng cảm xúc có thể lây lan, từ chuyên ngành là “sự lây lan cảm xúc” hoặc “sự lan truyền tâm trạng”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng người ta thường hành động và phản ứng tương tự như những người họ thường xuyên giao du. Hãy thử nhìn quanh mình: Bạn đang giao du với những người thường nói “không” hay những người dám nghĩ dám làm? Bạn đang giao du với những người thích bào chữa hay những người biết tạo ra thu nhập? Lời người xưa không sai: Cho tôi biết bạn kết bạn với ai và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào.
3. Những nhân viên bán hàng hàng đầu biết sử dụng óc khôi hài để giảm căng thẳng và làm dịu những tình huống căng thẳng. Khi mới vào nghề huấn luyện bán hàng, tôi phải thực hiện ít nhất hai mươi lăm cuộc gọi chào hàng mỗi ngày. Đôi khi công việc này rất buồn tẻ vì không ai nhấc máy hoặc có nhấc máy cũng từ chối thẳng thừng.
Tôi bèn học cách đưa sự dí dỏm vào và mở đầu cuộc gọi bằng câu: “Xin chào. Tôi là Colleen Stanley. Đây là một cuộc gọi chào hàng. Có thể anh chị sẽ muốn cúp máy đấy”. Đầu dây bên kia luôn đáp lại bằng một tiếng cười vang và cho phép tôi trình bày đề xuất giá trị của mình. Tôi luôn xin họ giới thiệu tôi tới người khác, kể cả sau khi họ từ chối nghe tôi chào hàng.
Trong một cuộc gọi, người nghe máy hỏi: “Sao tôi phải giới thiệu cho cô? Tôi thậm chí còn không quen cô”. Tôi đáp: “Tôi biết anh không quen tôi, nhưng nếu có quen thì chắc chắn anh sẽ yêu mến tôi”. Tôi và anh ta đã có một khoảnh khắc cùng cười vang. Anh ta vẫn không cho tôi lời giới thiệu tôi cần; tuy nhiên, sự khôi hài rất có ích trong việc giảm bầu không khí căng thẳng thường có trong các cuộc gọi chào hàng.
Tìm kiếm khách hàng mới là một phần của công việc bán hàng, và nhiệm vụ đó không nhất thiết phải quá căng thẳng. Hãy thay đổi nhận thức của mình về việc tìm kiếm khách hàng mới và bạn sẽ thay đổi được kết quả.
Ngoài ra còn có những phương pháp bán hàng giúp bạn mài giũa những kỹ năng mềm trong công việc, cách giải quyết các vấn đề một cách khéo léo, đồng thời xây dựng mối quan hệ mang lại giá trị cho đôi bên dưới sự hướng dẫn của tác giả Colleen Stanley qua cuốn sách "Trí tuệ cảm xúc trong kinh doanh".