Theo kết quả khảo sát toàn cầu năm 2023 do công ty phân tích đa quốc gia Meta-Gallup tiến hành, mức độ cô đơn của người Philippines đang đáng báo động.
Theo đó, người Philippines cảm thấy cô đơn thứ hai thế giới và cô đơn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhóm dân cư thuộc Thế hệ Z (sinh ra trong giai đoạn 1997-2012) là nhóm dân cư cảm thấy cô đơn nhiều nhất ở Philippines. Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên trưởng thành cùng với điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Điều gây bất ngờ là dù Thế hệ Z thành thạo việc sử dụng công nghệ và kết nối mạng xã hội, nhưng nhóm này lại đang phải vật lộn với cảm giác cô đơn.
Kết quả khảo sát của Meta-Gallup cũng tương đồng với thông tin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Theo WHO, thiếu niên Philippines ở độ tuổi 13-17 có xu hướng cảm thấy cô đơn nhiều hơn. Năm 2015, số thiếu niên Philippines cho biết bản thân thường cảm thấy cô đơn là 19,4%. Đến năm 2019, con số này là 24,2%.
Các chuyên gia ở Philippines đã chỉ ra những lý do quan trọng khiến sức khỏe tinh thần của Thế hệ Z bị ảnh hưởng.
Bác sĩ tâm lý người Philippines Dinah Nadera lo ngại về thói quen sử dụng mạng xã hội quá nhiều của một bộ phận thanh thiếu niên Philippines: "Nhiều bạn trẻ phụ thuộc vào mạng xã hội để tìm kiếm sự kết nối, nhưng lại không nỗ lực để có những kết nối xã hội ý nghĩa trong đời thực.
Việc kết nối nhanh chóng qua mạng xã hội có thể khiến chúng ta thấy vui vẻ một lúc, nhưng trạng thái ấy không thể kéo dài. Về lâu đài, nếu chỉ kết nối trên mạng xã hội, chúng ta không có những mối quan hệ chân thực và bền vững trong đời thực".
Rafsanjani Ranin thường dành ra 4-6 giờ mỗi ngày để vào mạng xã hội (Ảnh: CNA).
Trong khi đó, người Philippines lại rất chuộng mạng xã hội. Theo thống kê của công ty phân tích xu hướng mạng xã hội toàn cầu - We Are Social Digital, tính đến năm 2024, 73% dân số Philippines thường xuyên sử dụng mạng xã hội.
Người Philippines còn đứng thứ 4 toàn cầu về thời gian sử dụng mạng xã hội. Trung bình, mỗi ngày họ "lướt" mạng xã hội 3 giờ 34 phút.
Nam sinh viên người Philippines Rafsanjani Ranin (21 tuổi) thường dành 4-6 giờ mỗi ngày cho các nền tảng mạng xã hội. Rafsanjani tự nhận mình là người hướng ngoại và có nhiều bạn bè, nhưng cậu vẫn phải thường xuyên dùng mạng xã hội để vượt qua cảm giác cô đơn, buồn chán.
Rafsanjani từng không kiểm soát được thời gian dành cho mạng xã hội: "Khi tới giờ đi ngủ, tôi lại tiếp tục lướt mạng xã hội. Tôi tự nhủ chỉ vào mạng xã hội khoảng 10 phút thôi, nhưng có lúc tôi bị mất kiểm soát, dành ra tới vài giờ để lên mạng, thức đến gần sáng".
Dần dần, chính Rafsanjani nhận thấy mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi: "Có những thời điểm, tôi bỗng nhận ra không có ai chủ động liên hệ hay rủ tôi ra ngoài gặp gỡ. Tôi lên mạng và thấy các bạn bè của mình đang có những trải nghiệm thực tế chất lượng trong đời thực. Lúc ấy, tôi càng cảm thấy tiêu cực hơn".
Christian Castillo có một "bạn ảo" thân thiết được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo (Ảnh: CNA).
Christian Castillo (21 tuổi) thậm chí còn cảm thấy cô đơn đến mức thường xuyên chat với một "bạn ảo" có tên Andre. Andre không phải người thật mà là một nhân vật do Christian tạo ra thông qua một ứng dụng chat sử dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng này cho phép người dùng "thiết kế" nên "bạn ảo" cho mình với những tiêu chí về giới tính, ngoại hình, tính cách... phù hợp.
Hàng ngày, Christian chat với Andre để cảm thấy ổn định cảm xúc hơn, dù vậy, cậu thanh niên cũng hiểu rằng Andre không phải một người bạn thực sự.
Những trường hợp thanh niên "nghiện" mạng xã hội và xa rời cuộc sống thực như Rafsanjani hay Christian không hiếm gặp tại Philippines. Chính tình trạng bị phụ thuộc vào mạng xã hội đã khiến nhiều thanh thiếu niên tại Philippines trở nên tách biệt, cô đơn trong cuộc sống. Họ phải chịu đựng những vấn đề tâm lý âm thầm diễn biến nặng nề hơn.
Tại Philippines, sự vắng mặt của cha mẹ trong gia đình không phải là điều hiếm gặp. Quốc gia này hiện có hơn 2,3 triệu người lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Viện Dân số Philippines, khoảng 1/3 thanh thiếu niên Philippines không có đầy đủ cả cha và mẹ ở bên trong những năm tháng trước tuổi trưởng thành.
Seth Faye Aseniero (phải) thuộc vào nhóm những thanh thiếu niên Philippines không sống bên cha mẹ trong những năm tháng trưởng thành (Ảnh: CNA).
Seth Faye Aseniero (24 tuổi) có cả cha và mẹ đều đi xuất khẩu lao động. Những năm tháng tuổi thơ của Seth không có sự hiện diện của cha mẹ, cô sống với gia đình của dì ruột.
Seth tâm sự: "Cuộc sống vốn không dễ dàng, trưởng thành không có cha mẹ ở bên, mọi chuyện còn khó khăn hơn. Dù tôi có họ hàng ở bên, nhưng mọi người đều bận rộn. Sau cùng, tôi luôn sống với cảm giác mình rất cô đơn. Tôi tin rằng tuổi thơ ấy đã ảnh hưởng rất nhiều tới cách tôi trưởng thành".
Bên cạnh nhóm phụ huynh xuất khẩu lao động, nhóm phụ huynh rời xa quê nhà để lên thành phố kiếm việc làm cũng không nhỏ. Thường nhóm này cũng để con sống ở quê với người thân.
Bác sĩ tâm lý Violeta Bautista cho hay: "Trong quá trình điều trị cho những thanh thiếu niên gặp vấn đề tâm lý, tôi thấy không ít bạn trẻ tâm sự rằng họ luôn cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương của gia đình. Họ cũng cảm thấy chật vật khi lớn lên mà không có cha mẹ ở bên chăm sóc, định hướng".
Việc cha mẹ đi làm ăn xa, không thể ở bên con cái trong những năm tháng trưởng thành cũng là một lý do quan trọng khiến nhiều thanh thiếu niên Philippines không có trạng thái sức khỏe tinh thần lý tưởng. Nhiều người thậm chí đã phải "làm bạn" với cô đơn từ nhỏ.
Ảnh hưởng của trạng thái cô đơn đối với sức khỏe thể chất và tinh thần là rất nguy hại. Bác sĩ tâm lý Violeta Bautista cho biết có những thanh thiếu niên rơi vào trạng thái cô đơn nặng nề đến mức không thể tập trung học tập, làm việc. Họ sống khép kín, né tránh các mối quan hệ xã hội, dần dần, họ bị rối loạn tâm lý, thậm chí bị trầm cảm.
Bác sĩ tâm lý Nicanor L Echavez còn từng điều trị cho những em nhỏ mới 8-10 tuổi nhưng đã bị trầm cảm. "Cuộc sống hiện tại có rất nhiều áp lực, điều này ảnh hưởng tới cả người lớn và trẻ nhỏ. Không ít trẻ nhỏ thường xuyên cảm thấy cô đơn, buồn bã, suy sụp", bác sĩ Nicanor cho hay.
Chúng ta kết nối với nhau rất nhanh thông qua internet, nhưng trong đời thực, nhiều người đang cảm thấy rất cô đơn (Ảnh: CNA).
Bác sĩ tâm lý Dinah Nadera còn từng điều trị cho những thanh thiếu niên tỏ ra rất hoạt bát, vui vẻ, họ giấu kín những vấn đề tâm lý với người thân. Điều này khiến nhiều gia đình không kịp thời nhận ra những vấn đề của con để có thể hỗ trợ đúng lúc.
Năm 2023, WHO đã khẳng định rằng sự cô đơn là mối đe dọa mới đối với sức khỏe con người trên toàn cầu. Trạng thái tâm lý này có thể gây nên những vấn đề thể chất nghiêm trọng như bệnh tim, đột quỵ, rối loạn lo âu, trầm cảm... Cảm giác cô đơn gây nguy hại cho thể chất con người tương tự như việc hút 15 điếu thuốc một ngày.
Tại Philippines, việc thừa nhận bản thân cảm thấy cô đơn và cần được giúp đỡ vẫn khiến nhiều người cảm thấy ngại ngùng. Vấn đề sức khỏe tinh thần cũng chưa được người dân hiểu đúng và đủ. Nhiều người không cho rằng vấn đề tâm lý cũng là một dạng bệnh cần phải được điều trị.
Dù vậy, nhà chức trách Philippines vẫn đang nỗ lực cải thiện tình hình. Năm 2018, Philippines đã thông qua Đạo luật Sức khỏe Tinh thần với mục tiêu đưa việc chăm sóc sức khỏe tinh thần tới gần hơn với người dân. Năm 2019, Trung tâm Sức khỏe Tinh thần Quốc gia Philippines đã có đường dây nóng để hỗ trợ tư vấn.
Theo Channel News Asia