Choi Ye Bin (27 tuổi) làm giám đốc sự kiện. Cô đã giữ sổ thu chi gia đình trong 4 năm. Cô bắt đầu làm như vậy để kiểm soát chi tiêu của gia đình. Chi phí nhà ở và chi phí thực phẩm, bao gồm cả ăn ngoài, chiếm phần lớn chi tiêu của cô. Gần đây, cô cảm thấy rõ ràng chi phí ăn ngoài tăng lên.
"Khi tôi không có lịch hẹn, tôi cố gắng nấu ăn ở nhà. Nếu tôi có hai cuộc hẹn trong một tuần, tôi coi đó là dấu hiệu cảnh báo và cần điều chỉnh vấn đề tài chính cho phù hợp", Ye Bin nói với The Korea Times.
Ngày càng có nhiều người trẻ ở Hàn Quốc giống Choi Ye Bin. Họ phải giảm thiểu thói quen chi tiêu và trở nên tiết kiệm hơn.
Xu hướng được giới trẻ lựa chọn làm quan điểm sống trong thập kỷ qua là "YOLO" (tạm dịch: Bạn chỉ sống một lần). Xu hướng này ưu tiên hạnh phúc tức thời hơn là đầu tư vào tương lai không chắc chắn.
Tuy nhiên, lạm phát tăng cao và tỷ lệ tăng trưởng thu nhập thấp, bữa tiệc chi tiêu hoang phí của giới trẻ đã kết thúc. Hiện tại, mọi người đón nhận cuộc sống bằng hình thức "YONO" (tạm dịch: Bạn chỉ cần một thứ) bằng cách cắt giảm chi tiêu không cần thiết.
Choi Ye Bin cho hay: "Tôi từng cảm thấy việc chi tiền cho các khoản đầu tư cá nhân hoặc hưởng thụ là cần thiết. Tuy nhiên với thời đại hiện nay, tôi không dám phung phí tiền như vậy".
Trước đây, nhiều người trẻ sẵn sàng chi tiền để tới các nhà hàng sang trọng. Họ luôn cho rằng, việc "vung tiền" là cần thiết để "chữa lành" cho bản thân sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng thu nhập thấp đã thúc đẩy giới trẻ Hàn Quốc chỉ chi tiêu vào những thứ thiết yếu.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy từ năm 2021 đến năm 2023, tỷ lệ lạm phát lần lượt là 2,5%, 5,1% và 3,6%. Trong cùng thời gian, mức tăng lương hàng năm chỉ là 2,5%, 0,9% và 1,6%.
Dữ liệu từ Ngân hàng NH NongHyup - nơi phân tích dữ liệu giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của khách hàng sử dụng thẻ từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2024 - cho thấy sự khác biệt rõ ràng.
Nửa đầu năm nay, số lượng giao dịch ăn uống bên ngoài của người trẻ trong độ tuổi 20-30 giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, mức tiêu thụ thực phẩm tại cửa hàng tiện lợi tăng 21%.
Số lượng giao dịch tại các cửa hàng bách hóa giảm 3% và lượng tiêu thụ cà phê đắt tiền tại các nơi như Starbucks, A Twosome Place cũng giảm 13%.
Theo The Korea Times, lượng mua ô tô nhập khẩu của giới trẻ tại xứ sở kim chi giảm 11%. Trong khi đó, lượng mua ô tô trong nước tăng 34%.
"Lạm phát chủ yếu ảnh hưởng đến các lĩnh vực mà người trẻ chi tiêu nhiều nhất, dẫn đến chi phí sinh hoạt tăng. Do những khó khăn đang diễn ra trên thị trường việc làm và giá cả tăng cao, người trẻ hiện có chỉ số đau khổ về kinh tế cao nhất trong tất cả nhóm tuổi", Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc viết trong nghiên cứu năm 2022.
Bên cạnh tiết kiệm chi tiêu, người trẻ còn quan tâm tới việc quản lý tài sản.
"Chúng tôi là thế hệ phải có sự nghiệp trọn đời, nơi chúng tôi phải tự chuẩn bị cho chi phí sinh hoạt khi về hưu. Tôi muốn dùng tiền để đầu tư hơn là chỉ lãng phí nó", Lee - một nhân viên văn phòng 30 tuổi - cho biết.
Tuy nhiên, xu hướng này không có nghĩa là người trẻ tiết kiệm trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ngân hàng NH NongHyup tiết lộ: "Thay vì sở hữu hàng hiệu đắt tiền, người trẻ không ngần ngại chi tiêu cho những trải nghiệm như thể thao hoặc du lịch".