Theo dữ liệu, cứ 1.000 người Hàn Quốc thì chỉ có 3,7 người kết hôn năm 2022, mức thấp chưa từng có. Các hộ gia đình độc thân ở Hàn Quốc hiện nay chiếm tỷ lệ 41% và có thể tiếp tục tăng trong vài thập kỷ tới.
Cuối năm 2023, Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với tỷ lệ sinh 0,7 con mỗi phụ nữ, cách xa mức sinh thay thế 2,1 theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng nghĩa với việc dân số nước này đang già hóa và suy giảm nhanh chóng.
Hiện nay, thanh niên Hàn Quốc đang sử dụng thuật ngữ "N-po" để chỉ quyết định không lập gia đình, không sinh con và không mua nhà do kinh tế tăng trưởng trì trệ và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường việc làm. Một số khác muốn có con riêng sẽ chọn cách trữ đông trứng để bất cứ khi nào cũng có thể thụ tinh nhân tạo khi bản thân đã sẵn sàng.
Vào ngày 12/8 vừa qua, một cửa hàng pop-up đông lạnh trứng đã được khai trương tại ga Seongsu, Seongdong-gu, Seoul. Phía trước tòa nhà 4 tầng, một biểu ngữ màu hồng ghi dòng chữ "Hãy đông lạnh ngay" phủ kín mặt tiền.
Được biết, cửa hàng này do bệnh viện sản chuyên điều trị vô sinh nổi tiếng tại Seoul mở ra nhằm khuyến khích phụ nữ đông lạnh trứng. Tính đến ngày 20/8, đã có hơn 10.000 chị em ghé thăm và tìm hiểu các thông tin liên quan. Trong khắp cửa hàng, các nhân viên nam và nữ ở độ tuổi 20 hỏi những cô gái đến thăm: "Điều gì quan trọng nhất với bạn lúc này?".
"Tôi nghĩ rằng đông lạnh trứng là một thủ thuật phức tạp, nhưng sau khi nghe tư vấn, có vẻ như nó an toàn hơn tôi tưởng", một phụ nữ đến cửa hàng pop-up cho biết.
"Tôi có thể đông lạnh trứng nếu bị lạc nội mạc tử cung không?", "Có thể đông lạnh trứng nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều không?", "Có tác dụng phụ nào không?" là những thắc mắc của nhiều khách hàng. Họ được nhân viên trấn an rằng việc đông lạnh trứng không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ thai hoặc sinh nở.
Được biết, chi phí thu thập trứng vào khoảng 3 triệu won (52 triệu đồng) và chi phí lưu trữ trứng vào khoảng 200.000 đến 300.000 won (5,3 triệu đồng) mỗi năm.
Trước đây, việc đông lạnh trứng thường chỉ dành cho những tình huống cực đoan như mắc bệnh nan y. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 đang trì hoãn việc kết hôn, sinh con muốn tìm tới biện pháp này để chủ động trong việc làm mẹ.
Số lượng trứng đông lạnh được lưu trữ tại các cơ sở y tế trên khắp Hàn Quốc đã tăng vọt từ 40.000 vào năm 2020 lên 100.000 vào năm 2023.
Khi độ tuổi trung bình của lần đầu đi làm, kết hôn và sinh con ngày càng cao, không ít phụ nữ tìm cách bảo quản trứng nhân lúc vẫn còn trẻ. Ở Hàn Quốc, độ tuổi trung bình phụ nữ sinh con đầu lòng là 33 vào năm 2023, cao nhất trong số 38 quốc gia OECD.
"Tôi đã đầu tư rất nhiều năng lượng vào việc học hành và xây dựng sự nghiệp, đến nỗi hôn nhân không phải là điều tôi nghĩ đến lúc này. Tuy nhiên khi ngoài 40 tuổi, có thể tôi sẽ muốn kết hôn hoặc sinh con, vì thế đông lạnh trứng là một lựa chọn hợp lý", Joo (30 tuổi) bày tỏ khi đến thăm cửa hàng.
Joo Chang-woo, phó giám đốc Bệnh viện sản Maria, cho biết: "Trẻ em sinh ra từ trứng đông lạnh vẫn đang lớn lên khỏe mạnh. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều phụ nữ đã sinh con đầu lòng và con thứ hai thành công bằng cách sử dụng trứng đông lạnh".
Các chuyên gia nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa khả năng sinh sản và độ tuổi của phụ nữ, cho rằng độ tuổi trung bình của phụ nữ lần đầu sinh con hiện nay là 31,5 thì việc phụ nữ ở tuổi 40 mới có con không còn là điều hiếm gặp nữa.
"Trứng già đi nhanh hơn nhiều so với tử cung, vì vậy, nên thu thập và bảo quản trứng còn tốt ở đầu độ tuổi 30, khi khả năng sinh sản của phụ nữ vẫn còn nguyên vẹn, đặc biệt là đối với những người có kế hoạch kết hôn muộn", một bác sĩ phụ khoa cho biết.
Phụ nữ sinh ra có khoảng 1 đến 2 triệu trứng, song số lượng giảm dần theo tuổi tác. Đó là lý do các chuyên gia khuyên nên đông lạnh trứng trước đối với những người cân nhắc kết hôn hoặc sinh con muộn.
Theo khảo sát do CHA thực hiện, 69,8% phụ nữ chưa kết hôn và 64% phụ nữ đã kết hôn ở Hàn Quốc sẵn sàng bảo quản trứng. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ vẫn chưa đủ điều kiện tiến hành vì mỗi ca bảo quản lạnh có giá từ 2,5 - 5 triệu Won mỗi đợt và không được bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.
Trước bài toán đau đầu về dân số già, Seoul sẽ hỗ trợ một lần số tiền lên tới 2 triệu won để xét nghiệm đông lạnh trứng cho 650 phụ nữ từ 20 đến 49 tuổi đã sống ở thành phố này hơn 6 tháng. Tỉnh Kyunggi hỗ trợ tới 2 triệu won để đông lạnh trứng cho 600 người từ 20 đến 49 tuổi trong tỉnh. Số tiền lên tới 300.000 won cũng được cung cấp cho các thủ tục lấy tinh trùng của nam giới.
Khoản trợ cấp mà chính quyền Thủ đô Seoul cung cấp giúp giảm bớt tới hơn một nửa chi phí tiến hành các xét nghiệm sơ bộ về bảo quản lạnh trứng và các thủ tục y tế khác. Các khoản phí không liên quan đến quá trình lấy mẫu trứng đều bị loại trừ.
Ngoài ra, phụ nữ có quốc tịch nước ngoài có thể đăng ký chương trình hỗ trợ nếu họ đã kết hôn và có chồng là công dân Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã đổ hàng cho tỷ Won vào nỗ lực khuyến khích người dân sinh con. Việc tạo điều kiện cho phụ nữ đông trứng cùng với một khoản trợ cấp chi phí là nỗ lực mới nhất, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tỷ suất sinh tại quốc gia này.
Chia sẻ quan điểm trước những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc trong việc giải quyết bài toán giảm tỷ suất sinh, Hyeyoung Woo - giáo sư xã hội học chuyên nghiên cứu về gia đình Hàn Quốc ở Đại học bang Portland, Mỹ - cho rằng: "Việc hỗ trợ đông lạnh trứng không thể giải quyết triệt để tỷ lệ sinh thấp hiện nay ở Hàn Quốc". Bà nhận định, muốn thúc đẩy tỷ lệ sinh hiệu quả, Hàn Quốc cần khuyến khích thanh niên kết hôn, cũng như hỗ trợ các gia đình sinh thêm con bằng chính sách phúc lợi về nhà ở, thuế, chăm sóc trẻ em và nghỉ thai sản….
Theo Chosun