Ngày 19/8, Thùy Dương (29 tuổi, ở Hà Nội) đăng tải bộ ảnh bánh trung thu mang tên Hồi ức lên một hội nhóm đông thành viên. Chỉ sau một thời gian ngắn, bộ ảnh gây bão mạng xã hội với hơn 30.000 lượt yêu thích, hàng nghìn bình luận và chia sẻ.
Bánh trung thu 3D, lấy cảm hứng từ những tiểu cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, khiến người xem "không dám tin vào mắt mình" hoặc xuýt xoa "đẹp không nỡ ăn".
"Sinh ra ở làng quê Bắc Bộ, những mái ngói, sân gạch, bờ tường rêu phong, cây cau trước nhà... đã trở thành hồi ức không bao giờ tôi quên được", Dương nói về ý tưởng thực hiện bánh trung thu.
Thùy Dương cùng các cộng sự mất 5 ngày hoàn thiện bánh trung thu mô phỏng làng quê Bắc Bộ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thay vì sử dụng vỏ bánh nướng truyền thống, Dương dùng nước đường trắng theo công thức vỏ bánh nướng hiện đại để tùy chỉnh màu sắc sinh động. Về nhân bánh, cô sử dụng đậu xanh cho dễ tạo hình.
Tất cả chi tiết từ bếp cổ, giếng nước, bức tường rêu phong, cây xanh… đều được Dương nặn thủ công bằng tay, dù cô thừa nhận "vẫn còn nhiều hạn chế".
Cô cùng 3 cộng sự làm miệt mài trong 5 ngày mới hoàn thành chiếc bánh nặng 30kg. Công đoạn khó khăn nhất là bánh sau khi nướng dễ bị gãy và cong, đôi lúc phải gỡ hàng trăm viên ngói ra làm lại, khiến cả nhóm đôi lúc nản chí.
"Nhưng cứ hễ mở xem những bức ảnh về nhà cổ Bắc Bộ, tôi lập tức lấy lại tinh thần. Làm xong chiếc bánh, tôi mới nhận thấy những người làm mô hình tiểu cảnh rất giỏi, tôi chỉ làm một cái thôi đã muốn ngất xỉu", Dương tâm sự.
Chiếc bánh trung thu khiến nhiều người xem phải thốt lên "không tin vào mắt mình" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đây không phải lần đầu Thùy Dương gây bão mạng xã hội với những chiếc bánh trung thu độc đáo. Từ năm 2021, cô đã có ý tưởng biến bánh trung thu thành tác phẩm nghệ thuật.
Dương chia sẻ do có năng khiếu vẽ và yêu công việc làm bánh nên mỗi chiếc bánh cô làm ra ngoài việc ngon miệng thì khâu trang trí cũng được chú trọng. Cô thử vẽ tranh trên nền bánh Trung thu để thỏa mãn đam mê và cũng là để thay áo mới cho mẫu bánh truyền thống.
Mỗi chiếc bánh trung thu truyền thống có trọng lượng 150gram, được làm thủ công với các nhân quen thuộc như thập cẩm, đậu xanh, trà xanh, hạt sen hoặc kết hợp với các loại mứt tùy thích.
Điểm khác biệt là chiếc bánh có hình vẽ trên bề mặt trông như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.
Thùy Dương đưa tranh dân gian lên bánh trung thu (Ảnh: Mạnh Quân).
Khi nền khô, Dương sử dụng màu thực phẩm (màu siro và gel) và vẽ theo mẫu có sẵn, từ tranh dân gian Đông Hồ, tranh của danh họa Mai Trung Thứ đến tranh phong cảnh, cây cỏ, họa tiết.
Cô dùng cọ và màu của những công ty uy tín trên thị trường hoặc nhập khẩu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, pha nước rồi vẽ lên mặt bánh, đảm bảo an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Bánh không bị ảnh hưởng bởi hương vị và bản vẽ chỉ là một lớp mỏng trên bề mặt, khách hàng có thể lựa chọn không ăn phần vẽ nếu không muốn.
"Một chiếc bánh không chỉ ngon, hợp khẩu vị của người ăn mà còn phải đẹp, mang giá trị thẩm mỹ cao. Các tác phẩm bánh trung thu tranh dân gian đang đi đúng theo nhu cầu đó", Dương nói.
Với những bức tranh đơn giản, ít chi tiết, Dương vẽ từ 5 - 10 phút, nhưng với những bức cầu kỳ thì mất nhiều thời gian hơn, từ 40 phút đến một tiếng. Giá mỗi chiếc bánh dao động từ 250.000 - 350.000 đồng tùy mẫu khách hàng yêu cầu.
Những chiếc bánh trung thu đẹp như điêu khắc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Năm ngoái, Dương làm những chiếc bánh trung thu nướng 3D đẹp như điêu khắc. Những chiếc bánh có nhiều tạo hình hấp dẫn như: con gà, con trâu, quán cà phê nhỏ...
Bánh được nhận xét sinh động, "đẹp như một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ", cần bảo quản kín như đồ ăn, nếu không cho vào tủ lạnh có thể sử dụng hơn một tuần.
Thùy Dương tốt nghiệp khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng năm 2017. Cô bắt đầu công việc tại một ngân hàng với mức lương 11 triệu đồng/tháng.
Đến tháng 10/2019, cô nghỉ việc, dùng số vốn 20 triệu đồng để bắt đầu "con đường mới". Quyết định của Dương khiến nhiều người bất ngờ, nhưng riêng bản thân cô đã có sự chuẩn bị từ trước.
Dương vốn yêu thích làm bánh từ khi sinh viên, nên trong thời gian làm việc tại ngân hàng, cô vẫn duy trì nghề tay trái, có lượng khách hàng ổn định của riêng mình.
Thời điểm đó, Dương vừa làm vừa học thêm, không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề, sáng tạo những chiếc bánh độc lạ, bắt mắt. Từ một kẻ "tay ngang", cô dần chuyên nghiệp và định hình phong cách riêng.
"Tôi hi vọng những chiếc bánh trung thu của mình có thể lan tỏa hình ảnh văn hóa dân gian, làng quê Việt Nam đến bạn bè quốc tế", Dương nói.