Khi công nghệ càng khẳng định tầm quan trọng trong đời sống con người và nền văn minh, các công việc tiếp tục thay đổi khó lường, nhiều ranh giới ngành nghề dần bị xoá nhoà, cạnh tranh nghề nghiệp càng thêm khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, nếu một cá nhân không chuẩn bị sẵn sàng cho sự nghiệp tương lai thì rất khó “sinh tồn”. Điều này đặt thêm áp lực lên vai học sinh, sinh viên và cả các bậc phụ huynh.
Không dẫn bạn đọc vào hành trình khám phá tâm linh như “Muôn kiếp nhân sinh” hay “Hành trình về phương Đông”, trong lần trở lại này, với “Beyond Loving – Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ”, giáo sư John Vu chia sẻ cùng bạn trẻ và cha mẹ về giáo dục đại học và định hướng nghề nghiệp.
Nguyên là kỹ sư trưởng của tập đoàn Boeing tại Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học của đại học Carnegie Mellon (Mỹ), đồng thời từng giảng dạy, nghiên cứu tại các đại học tại nhiều châu lục, GS John Vu đưa ra những phân tích có tầm nhìn xa, cần thiết với bất cứ ai muốn tìm hiểu về giáo dục trong tương lai.
Đầu tiên, GS chỉ ra những quan điểm hướng nghiệp không còn phù hợp trong thời đại mới: Bằng đại học là tấm vé thông hành đảm bảo cho sự nghiệp vững chắc; Con cái nên nối nghiệp cha mẹ; Nên nhất nhất chạy theo các ngành bác sĩ, dược sĩ… “Bố mẹ nên hiểu rằng thời nay đã khác xa trước kia”, GS nhắc nhở, “Khó mà dự đoán được tương lai vì công nghệ sẽ thay đổi, doanh nghiệp sẽ thay đổi, thị trường việc làm sẽ thay đổi và tốc độ thay đổi sẽ tiếp tục tăng”.
Tuy vậy, GS John Vu khẳng định, dù trong bất cứ thời đại nào, cha mẹ cũng đóng vai trò tuyệt đối quan trọng trong định hướng nghề nghiệp của con cái. Ông chỉ dẫn cụ thể phụ huynh về cách cùng con chọn ngành, chọn trường, nuôi dưỡng nơi con cái thói quen đọc sách và tinh thần học tập trọn trời.
Về chủ đề “giáo dục đại học”, trước lo nghĩ của nhiều phụ huynh về giá trị thực của việc học đại học trong bối cảnh ngành nghề thay đổi nhanh chóng, giáo sư chia sẻ: “Ai cũng muốn là Bill Gates hay Steve Jobs. Hầu hết mọi người đều muốn có tiền, một số người muốn danh tiếng nhưng có lẽ họ không đi tới đâu. Không có mục tiêu, định hướng và một nền học vấn đúng đắn, rốt cuộc họ sẽ đi đến chỗ không có việc làm như một điều tất yếu”.
Theo ông, một nền tảng giáo dục đại học đúng đắn sẽ trang bị cho người học những sự chuẩn bị vững chắc để họ thích ứng với biến động của thời đại: Các kỹ năng nền tảng, ngoại ngữ, cách tư duy độc lập, tư duy phản biện, hiểu biết về cách mọi thứ vận hành…
Cuối cùng, bạn đọc sẽ tiếp nhận những phân tích sắc sảo về xu hướng tương lai của giáo dục và nghề nghiệp trong phần “Tầm nhìn cho giáo dục” và “Tìm hiểu một số ngành nghề”.
GS đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công nghệ: “Thế giới đang thay đổi từng ngày, công nghệ thông tin sẽ được áp dụng ở mọi nơi và trong mọi thứ. Bất kể làm gì, người ta đều phải học công nghệ thông tin”.
GS cũng bày tỏ những quan điểm cá nhân về một nền giáo dục phù hợp với thời đại. “Tôi tin rằng giáo dục bậc cao hơn cần tập trung phát triển con người toàn diện chứ không chỉ cung cấp kiến thức chuyên ngành”, ông cho hay, “Đại học không chỉ là nơi học kiến thức để kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, mà còn là nơi để học về bản thân và trưởng thành, trở thành con người có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và đất nước”.
Sức thu hút của cuốn cẩm nang này đến từ những chia sẻ thẳng thắn, uyên bác, có tầm nhìn, xuất phát từ sự thấu hiểu nền giáo dục và môi trường làm việc ở Việt Nam lẫn trên toàn cầu của tác giả. Độc giả đôi khi lại bật cười vì những chia sẻ hóm hỉnh, đầy hứng khởi.
Bên cạnh những lời giải đáp súc tích, cha mẹ và sinh viên có thể tra cứu cụ thể những website học tập hữu ích, danh sách các trường đại học tốt cũng như cách nhận biết các trường đại học “rởm”. Cuốn sách thích hợp với mọi lứa tuổi, ngành nghề, là cuốn sách mà cha mẹ và sinh viên cần đọc nhiều hơn một lần trong hành trình học hỏi và trưởng thành của người trẻ.