Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi cậu con trai về nhà và thông báo với cha rằng mình đã trở thành một Ki-tô hữu. Người cha nổi trận lôi đình và lập tức đuổi con mình ra khỏi nhà. Thế là người con bỏ nhà đi. Nhiều năm sau đó, cậu làm một việc mà nhiều người Do Thái đã làm, đó là trở về thăm quê hương Israel cổ xưa.
Chàng trai trẻ thật sự đã tìm đến miền Đất Thánh. Cũng như nhiều du khách khác, cậu ghé thăm những địa điểm quen thuộc được nhắc đến trong Kinh Cựu Ước. Vì là Ki-tô hữu, cậu cũng thăm viếng những nơi Chúa Giê-su từng đi qua và rao giảng, cũng như nơi từng diễn ra các sự kiện của giáo hội. Bức Tường Than Khóc là một trong những địa điểm đó.
Hơn hai ngàn năm trước, vua Solomon đã cho xây một đền thờ lớn tại Jerusalem. Ông muốn có một khoảng sân rộng bao quanh mặt phía tây của ngôi đền, nhưng vì ngôi đền được xây trên một gò đất lớn nên mặt phía tây đã không còn đủ đất trống. Do đó, vua Solomon hạ lệnh xây một bức tường chắn bên ngoài ngôi đền. Bức tường này cao đến nền của ngôi đền và được dựng lên từ những tảng đá lớn và kiên cố. Khi bức tường được xây xong, giữa bức tường và ngôi đền là một rãnh đất lớn. Người ta dần dần lấp cái rãnh đó bằng đất và đá. Sau khi hoàn tất, ngôi đền đã có khoảng sân rộng bao quanh.
Hiện nay, Bức Tường Than Khóc ở Jerusalem do người Do Thái quản lý. Nhưng gần hai ngàn năm trước, thành Jerusalem nằm dưới sự cai trị của Đế chế La Mã và người Hồi giáo. Dù vậy, gần như trong suốt khoảng thời gian đó, người Do Thái vẫn đến bức tường này và cầu nguyện cho Jerusalem sớm được giải phóng. Và đến tận thế kỷ 20, lời nguyện cầu của họ mới được đáp lại.
Truyền thống ấy vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Những người Do Thái mộ đạo đến Bức Tường Than Khóc để dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Họ viết lời nguyện của mình vào một mảnh giấy nhỏ, cuộn chặt lại rồi nhét mảnh giấy ấy vào những khe nứt trên tường.
Chàng Ki-tô hữu trẻ - người đã bị cha từ mặt - bước đến gần bức tường. Cũng như hàng trăm ngàn người Do Thái khác, cậu cầu nguyện. Trước tiên, cậu xin Chúa tha thứ cho cách cậu đối xử với cha mình khi cậu còn trẻ dại. Sau đó, cậu cầu xin Chúa cho cha con cậu gặp lại nhau và xin cho cậu được cha tha thứ. Cậu cẩn thận viết lời cầu nguyện của mình vào mảnh giấy và ký tên ở cuối. Cậu cuộn mảnh giấy lại rồi nhét nó vào một khe hở trên tường.
Nếu từng có dịp ghé thăm Bức Tường Than Khóc, chắc bạn cũng nhận ra bức tường ấy có hai mặt. Trên bức tường to lớn ấy có hàng ngàn khe nứt. Mỗi ngày có khoảng mười ngàn mảnh giấy được nhét vào các khe nứt ở mặt phía tây và phía nam của Bức Tường Than Khóc. Chàng trai trẻ với tay lên để nhét mảnh giấy của mình vào một trong những khe nứt đó. Khi làm vậy, cậu vô tình đụng phải một mảnh giấy khác khiến nó rơi xuống đất.
Cậu cúi xuống nhặt mảnh giấy và bỗng cảm thấy tò mò muốn biết lời cầu nguyện trong đó được viết bằng ngôn ngữ gì - là tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập, hay một thứ ngôn ngữ nào đó mà cậu chưa từng biết đến hay nghe qua. Cậu mở mảnh giấy ra, định bụng chỉ xem một chút rồi sẽ trả nó về vị trí cũ ngay sau đó.
Lời cầu nguyện trong mảnh giấy khiến chàng trai trẻ kinh ngạc đến sững sờ. Cậu khẽ run lên vì xúc động khi nhận ra đó là nét chữ của cha mình! Mảnh giấy viết: “Lạy Chúa, con không biết con trai của con đang ở đâu. Xin Chúa tha thứ cho con vì con đã đối xử không phải với thằng bé. Xin Ngài cho chúng con được đoàn tụ. Xin cho con đủ can đảm để nói với đứa con trai theo Ki-tô giáo của mình rằng chính con cũng đã nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế”.
Cuối cùng chàng trai cũng tìm được cha mình. Họ ôm chầm lấy nhau, bật khóc và tha thứ cho nhau.
Theo Phúc cho ai không thấy mà tin