Cuốn sách là tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của tác giả Nguyên Phong đăng trên trang blog science-technology. Đối với những tác giả trung thành của First News, cái tên Nguyên Phong đã không còn xa lạ gì khi là dịch giả đứng đằng sau các bộ sách văn hóa tâm linh nổi tiếng, như Hành trình về phương Đông, Muôn kiếp nhân sinh, Đường mây trong cõi mộng,... Khai thác thông tin sâu hơn nữa, độc giả còn biết thêm rằng, tác giả Nguyên Phong, hay còn được gọi bằng cái tên trịnh trọng Giáo sư John Vu, là một nhà khoa học hàng đầu về công nghệ thông tin, CMMI, cũng như nắm giữ chức vụ giảng dạy ở nhiều trường đại học trên thế giới. Các bài viết được tinh tuyển và đưa vào cuốn sách, có thể coi là tâm huyết của một nhà nghiên cứu và một nhà giáo đầy trăn trở về giáo dục, cũng như một tầm nhận thức mới mẻ, vượt trội từ một bậc trí thức uyên thâm.
Tập hợp các bài viết được lấy chung một tựa đề Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ, phần nào định hướng rõ đối tượng tiếp nhận chủ yếu là các bậc phụ huynh đang nuôi dạy con cái trong độ tuổi trưởng thành. Tuy vậy, những quan niệm và nhận định được tác giả đưa ra trong cuốn sách nâng tầm giá trị và đón nhận của nó vươn xa hơn nữa so với những gì được nhắc tới. Vấn đề giáo dục trở thành trọng điểm bao quát giá trị nội dung toàn bộ cuốn sách, thu hẹp hơn nữa là giáo dục ở bậc đại học. Phụ huynh, học sinh, sinh viên, những người làm trong ngành giáo dục và quan tâm đến giáo dục chính là đối tượng tham gia đối thoại với những vấn đề và quan niệm mà giáo sư John Vu đặt ra trong các bài viết. Những chủ điểm bàn luận đi từ cái cụ thể xoay quanh vấn đề chọn lựa ngành học ở bậc đại học, xu thế nghề nghiệp, tâm lý phụ huynh tác động đến sự nghiệp của con cái, những bất cập trong vấn đề du học, có nên chọn ngành công nghệ thông tin ... đến những nhận định tổng quát lớn liên quan đến giá trị của học vấn, vấn đề học tập suốt đời, phát triển con người toàn diện, một nền giáo dục toàn cầu,...
Lời khuyên cho các bậc Cha Mẹ không đơn giản là một cẩm nang nghề nghiệp và những tích hợp đơn thuần. Quá trình công tác lâu năm trong ngành giáo dục cùng cơ hội giảng dạy ở nhiều phạm vi khu vực khác nhau, đã mang lại cho giáo sư một cái nhìn đầy chân xác, bao quát, cũng như định lược về những bước đi trong giáo dục. Tác giả đi sâu phản ánh những thực tại xảy ra mang tính báo động ở bậc giáo dục đại học hiện nay, như việc tâm lý chọn ngành học theo bạn bè hoặc sự thúc ép cha mẹ, nhiều sinh viên quyết định chuyển ngành trong quá trình theo học, giới trẻ dưới thời đại công nghệ số chăm lướt facebook, twitter, instagram mà xao nhãng thói quen đọc sách, vấn đề du học sinh quốc tế gặp cản trở ở các trường Mỹ do sự khác biệt trong phương pháp dạy và học,... Nếu tỉ mẩn xem xét và phân tích, sẽ dễ dàng nhận ra các vấn đề hầu như đều xuất phát từ một thái độ chủ quan và thiếu chín chắn suy xét trong công tác giáo dục của nhiều bộ phận, đối tượng hiện nay. Những bạn trẻ ở bậc trung học phổ thông, đang tuổi lớn và nhiều mơ mộng, do vậy cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự định hướng, lắng nghe và cân nhắc trên những bước đi của sự trưởng thành. Ở phương diện này, tác giả vừa dùng lời lẽ của một chuyên gia để đưa ra lời khuyên các bậc phụ huynh, vừa đứng ở vị trí một người cha để đồng cảm và thấu hiểu hơn nỗi lòng của các bậc sinh thành trong quá trình nuôi dưỡng con cái. Giáo sư không ngần ngại chất vấn những hạn chế ở nhiều phụ huynh hiện nay, như việc ép đặt khiên cưỡng con cái đi theo ngành nghề mà mình ưa thích, tâm lý muốn con nối nghiệp, thiếu cập nhật về xu hướng ngành nghề hot nhất hiện nay.
Đan xen giữa những trang viết xuôi mạch là những mẩu thoại Hỏi – Đáp đến từ đa số các bậc phụ huynh, hình thành nên một chủ điểm bàn luận độc lập. Hầu hết những câu hỏi đưa ra cũng chính là những thắc mắc chung đối với tâm lý của các bậc cha mẹ, như cần chuẩn bị những gì để con theo đuổi ngành công nghệ và khoa học được tốt nhất, dấu hiệu để nhận biết một trường đại học có hợp pháp hay không, làm cách nào để giúp con được nhận vào trường đại học hàng đầu của Mỹ,... Những lá thư gửi đến vừa gói gọn trong đó những mong cầu và băn khoăn của những tấm lòng nặng gánh đối với sự nghiệp tương lai nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung. Những phản hồi chân thành và chỉ dẫn tận tình của giáo sư vừa là một bước đệm cơ bản để người theo dõi có những hướng đi tích cực, vừa mở ra một bức chân dung toàn cảnh đối với những bức thiết của giáo dục hiện nay, tác động mạnh mẽ đến xu hướng nhận thức của người đọc.
Đọc “Lời khuyên dành cho các bậc Cha Mẹ”, độc giả còn nghiền ngẫm ra được những quan điểm và nhận định minh triết, thấm đẫm tính nhân văn về giáo dục. Nhịp sống con người thoắt biến nhanh trong một thời đại công nghệ số hóa, những chân lý dường như chắc nịch trước đây, trong xã hội hiện đại lại vấn đọng những tồn nghi. Liệu học đại học có thật sự quan trọng không? Con người có nên duy trì nghĩa vụ học tập suốt đời hay chỉ ở một giai đoạn nhất định? Nền tảng nhân cách có nên được đề trọng trong môi trường giáo dục? Đứng ở một tầm nhìn giáo dục tiên tiến, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi đến làm sáng tỏ những tranh cãi đó bằng những lập luận thấu đáo và dẫn cứ then chốt.
“Giáo dục đại học là một sự đầu tư và nó nên được lập kế hoạch cẩn thận”. Giáo sư trong cuốn sách này đã chỉ điểm một ưu tiên nổi bật trong lựa chọn nghề nghiệp, đó là các ngành liên quan đến Khoa học, Công nghê, Kỹ thuật, Stem. Những ngành nghề được xem là xu hướng tiềm năng và giá trị, xuất phát từ việc quan sát những chuyển động xã hội dưới nút nhấn điều khiển của công nghệ số hóa hiện nay. Thành công được làm nên từ đam mê, và còn dựa trên cả thực tế, tư duy định hướng của bản thân, mà như tác giả đã nhấn mạnh là một “cái nhìn xa hơn hoàn cảnh hiện tại”.
Gấp cuốn sách lại, những băn khoăn lắng đọng. Ở độ tuổi của mình, khi đã bước qua ngưỡng giáo dục nhà trường, tôi thật ao ước có thể bắt gặp được cuốn sách sớm hơn, cho những tháng ngày tuổi trẻ chông chênh.