Cảm xúc cũng quan trọng không kém
Những người trẻ thường chọn ngành học dựa trên nhiều yếu tố nhưng phần lớn không chú ý tới thực tế thị trường việc làm. Họ không biết lĩnh vực nào đang “hot” và có nhu cầu cao hay ngành nghề nào đang tăng trưởng với nhiều tiềm năng. Họ không nhìn vào mức lương của nghề nghiệp mà họ chọn để xem liệu nó có đủ sống không. Đôi khi những người trẻ cố gắng thuyết phục bạn bè cùng học ngành mình chọn mà không nhận ra rằng mọi sự sẽ thay đổi và phần lớn tình bạn ở trường trung học không còn như cũ ở trường đại học.
Có thể phụ huynh quá bận rộn nên không tìm hiểu kỹ về thị trường việc làm; nhiều người thường khuyên bảo con cái dựa trên kinh nghiệm ngày xưa của bản thân. Thật nguy hiểm khi cho rằng thị trường việc làm ngày nay giống hệt ngày xưa. Cũng thật mạo hiểm khi tin rằng thị trường việc làm cũng sẽ y nguyên như lúc này trong bốn năm hay sáu năm nữa, khi các em hoàn tất chương trình đại học.
Cục Thống kê Lao động của Mỹ và nhiều tổ chức giáo dục toàn cầu đã tiến hành nhiều nghiên cứu về việc làm trong tương lai và dự báo những ngành nghề sẽ có nhu cầu cao. Họ so sánh nhiều ngành nghề và mức lương trung bình, đưa ra kết luận rằng trong hơn mười năm tới, mức lương cao nhất và những vị trí công việc tốt nhất thuộc về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Trong lĩnh vực khoa học có y, dược và điều dưỡng. Trong lĩnh vực công nghệ thì có công nghệ thông tin (gồm khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm và quản lý hệ thống thông tin), công nghệ sinh học và công nghệ nano. Lĩnh vực kỹ thuật có kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật vật liệu. Toán học có định phí (phí bảo hiểm hay rủi ro), kế toán, thống kê và toán học ứng dụng.
Theo những nghiên cứu này, các lĩnh vực kinh doanh, tài chính, bán hàng và tiếp thị sẽ vẫn ổn định nhưng có thể không tăng trưởng nhanh như cách đây vài năm do khủng hoảng tài chính. Do số sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh doanh vượt cầu và số nhân viên kinh doanh có kinh nghiệm trở lại làm việc tăng cao, nên mức độ cạnh tranh sẽ trở nên dữ dội hơn giữa những người mới tốt nghiệp và người đi làm có kinh nghiệm. Do cung vượt cầu nên mức lương của các ngành nghề này sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới.
Khi biết ngành học nào có nhu cầu cao và thu nhập tốt, phụ huynh có thể cùng thảo luận với con để đưa ra quyết định đúng cho tương lai của con. Điều quan trọng là phụ huynh phải giúp các em đưa ra quyết định dựa trên nền tảng thông tin đầy đủ về việc chọn lựa ngành học. Hiểu biết đó bao gồm hiểu bản thân mình, hiểu công việc mình thích làm, vì hiểu rằng mức lương và thu nhập là quan trọng, nhưng nhu cầu về cảm xúc cũng quan trọng không kém.
Và cũng cần trải nghiệm thực tế
Với học sinh tốt nghiệp trung học, việc chọn ngành đại học có lẽ là quyết định khó khăn nhất nhưng vô cùng cần thiết bởi vì nó giúp các em định hướng để tập trung và nhờ đó có thể lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân từ sớm. Những ngành học cụ thể như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học hiện đang có nhu cầu cao trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo một khảo sát, rất ít học sinh ghi danh vào các lĩnh vực này vì phần lớn các em không biết mình muốn gì.
Tác giả của khảo sát này lưu ý: “Phần lớn học sinh không biết các em thực sự muốn làm gì sau khi tốt nghiệp. Bạn không thể đổ lỗi cho các em, vì khi bạn chỉ mới 17 hay 18 tuổi, bạn không biết gì về ‘thế giới thực’. Không ai giải thích đủ rõ ràng cho bạn để bạn có thể ra quyết định đúng, nên phần lớn học sinh chỉ có ý niệm mơ hồ về ngành học và kế hoạch nghề nghiệp”.
Thật không may, nhiều phụ huynh, dù đã đồng hành suốt bao năm bên con, cũng không hiểu biết gì nhiều về việc lập kế hoạch nghề nghiệp. Họ cho con quần áo đẹp, thức ăn ngon và không ngần ngại mua cho con iPod, iPhone, iPad nhưng khi con chuẩn bị vào đại học thì lời khuyên của họ chỉ là: “Vào đại học, học hành cho chăm chỉ, lấy tấm bằng, rồi tìm việc làm”. Với họ, tấm bằng đại học là mục tiêu vì nó giúp đem lại công việc, giống như những gì đã xảy ra vào thời của họ. Họ không biết rằng thời thế đã thay đổi và ngày nay, tấm bằng đại học không đủ để đảm bảo có việc làm tốt như ba mươi hay bốn mươi năm về trước.
Ngày nay, sinh viên đại học cần được hướng dẫn nhiều hơn để phát triển các kỹ năng và chuẩn bị cho nghề nghiệp trong thế giới thực. Sau khi tốt nghiệp, các em phải có khả năng tự lập, nghĩa là phải có khả năng tự kiếm sống dựa trên tri thức và kỹ năng của bản thân. Bố mẹ và con cái cần biết rằng có sự khác biệt giữa bằng cấp và kỹ năng vì các công ty không thuê người dựa trên bằng cấp mà dựa trên năng lực đáp ứng yêu cầu của công ty họ.
Học sinh cần phải lập kế hoạch và được hướng dẫn đầy đủ trước khi vào đại học. Nhiều học sinh chọn ngành học dựa trên sở thích hay thành tích học tập trước đây. Các em thường lẫn lộn giữa sở thích và nghề nghiệp. Sở thích thuộc về cá nhân, là cái để tận hưởng, nhưng nó có thể không phải là nghề nghiệp kiếm sống được. Vì vậy, phụ huynh cần hướng dẫn cho các em hiểu rõ điều này.
Đôi khi, các em chọn ngành theo môn học mình giỏi nhất mà không biết đích xác phải làm gì với ngành đó sau này. Đây là chỗ bố mẹ nên can thiệp; giúp con tìm hiểu thị trường việc làm, xem nghề nào có tương lai tốt. Bố mẹ nên trang bị đầy đủ thông tin về cách lập kế hoạch nghề nghiệp để có thể hướng dẫn con cái đi theo xu hướng thị trường.
Thuyết phục các bạn trẻ thật không dễ, nhưng đôi khi bố mẹ cũng phải cương quyết đi theo một con đường nào đó, cân nhắc chi phí và thời gian con cái có thể bị phí hoài ở đại học. Về căn bản, giáo dục đại học là một sự đầu tư và nó nên được lập kế hoạch cẩn thận. Điều quan trọng là cần dành thời gian để hiểu những khả năng tương lai, mục tiêu học tập của con, cũng như sở thích, năng lực và điều các con cần để có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.
Sinh viên nào cũng được cấp bằng khi tốt nghiệp, nhưng không phải tấm bằng nào cũng đảm bảo công việc giống nhau. Không có lý do gì bạn nên chọn một ngành nghề nào đó nếu biết rằng ngành nghề đó không có tương lai và khó kiếm được việc làm, bởi vì trong thế giới cạnh tranh này, điều quan trọng cần cân nhắc khi chọn ngành học là khả năng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo Beyond loving – GS John Vu