Đối diện sự sống, đối diện chính mình
Những đau khổ tột cùng về thể chất, tinh thần do những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, do bệnh tật, bị chà đạp, đối diện cái chết… là những tình huống dễ dẫn con người đến trạng thái mất phương hướng, tuyệt vọng, thậm chí tìm đến cái chết để mong được giải thoát. Nhưng nếu thực sự hiểu được chính mình, xác định được cho mình một lẽ sống, bạn sẽ có sức mạnh sinh tồn đáng kinh ngạc. Và việc đi tìm, xác định cho mình một lẽ sống để sẵn sàng đương đầu với mọi nghịch cảnh là điều cần thiết biết bao. Đọc “Lẽ sống”, bạn sẽ cảm nhận được điều đó.
Không chỉ vậy, với trải nghiệm bản thân và những nỗ lực nghiên cứu không ngơi nghỉ trong vai trò một bác sĩ tâm lý, tác giả đã phân tích và đưa ra những dẫn chứng thấu đáo về lẽ sống của con người; chỉ ra cách con người có thể tìm thấy lẽ sống cho mình ngay cả trong những hoàn cảnh đau đớn, tuyệt vọng và tưởng chừng vô nghĩa nhất.
Cuốn sách được ghi chép lại từ ba bài giảng của Viktor E.Frankl vào năm 1946, nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự một cách phi thường và đáng kinh ngạc. Nội dung trong ba bài giảng đó, cũng là nội dung cuốn sách này, cô đọng toàn bộ tư tưởng mà Viktor E.Frankl đã viết trong các bài báo và các cuốn sách trong mấy thập niên sau đó. Đó là những tư tưởng có khả năng soi rọi thấu suốt thân phận con người.
Luận về ý nghĩa và giá trị cuộc đời, Viktor E.Frankl cho rằng “Ngày nay (1946), bàn về ý nghĩa và giá trị cuộc đời dường như đã trở thành việc thiết yếu hơn lúc nào hết; vấn để chỉ là liệu điều đó có khả thi hay không và nên thực hiện như thế nào”. Theo tác giả, thực tế mấy năm qua, cái cách mà nhiều người đối xử với nhau làm người ta thấy “sự vô nghĩa của kiếp nhân sinh”. Ông dẫn: “Kant, trong luận thuyết thứ hai của mệnh lệnh nhất quyết, cũng tuyên bố rằng mọi thứ đều có giá trị, nhưng một con người thì có phẩm giá - một con người không bao giờ nên trở thành phương tiện cho mục đích nào đó”.
Thế nhưng, Viktor E.Frankl dẫn chứng: Trong hệ thống kinh tế vài chục năm gần đây, hầu hết người lao động đều bị biến thành phương tiện thuần túy, họ bị hạ cấp thành những công cụ bé mọn cho hệ sinh thái kinh tế… Thế rồi chiến tranh xảy ra - cuộc chiến khiến con người và sinh mệnh của anh ta giờ đây thậm chí đã trở thành phương tiện cho cái chết…Cuối cùng là đến những cuộc tàn sát tập thể trong viện tâm thần. Tại đây, bất cứ ai có biểu hiện rằng sự sống của họ không còn “năng suất”, thậm chí chỉ là có tác phong sa sút, điều chắc chắn sẽ bị kết án là “không đáng sống”.
Tính độc nhất và tính cá nhân của con người tạo ra giá trị cho họ. Khi chưa hiểu về giá trị của chính mình, đối diện với bế tắc, khổ đau, người ta thường rơi vào trạng thái tuyệt vọng, không lối thoát và thường nghĩ đến cái chết. Viktor E.Frankl cho rằng: “Những năm vừa qua ắt hẳn đã khiến ta vỡ mộng, thế nhưng quãng thời gian ấy cũng cho ta thấy rằng những gì thuộc về con người vẫn còn giá trị, đồng thời dạy ta biết rằng tất cả nằm ở vấn đề cá nhân con người. Cái còn tồn tại là con người cá nhân - là loài người - ngoài ra không còn gì khác. Mọi thứ sẽ rời bỏ anh ta qua năm tháng: tiền bạc, quyền lực, danh vọng; không còn điều gì vững chắc đối với anh ta nữa: không còn cuộc sống, không còn sức khỏe, không còn cả niềm hạnh phúc…”
Đọc Viktor E.Frankl giúp ta hiểu: trước mọi hoàn cảnh, nghịch cảnh, hãy đối diện sự sống, đối diện chính mình, hiểu rõ giá trị của mình, chúng ta sẽ có giải pháp đúng đắn và sẽ biết cách tồn tại có ý nghĩa nhất.
Câu hỏi về lẽ sống và ý nghĩa sinh tồn
Trong “Lẽ sống”, Viktor E.Frankl đề cập nhiều đến đau khổ, bệnh tật, mất mát, cái chết, vấn nạn tự tử. Về việc con người bị “thao túng” bởi những điều đó và cái cách nhiều người nhìn về vấn đề đó của người khác. Ông muốn chúng ta đặt lại câu hỏi về lẽ sống và truyền đi thông điệp yêu thương dể giải quyết vấn đề của con người.
Theo Viktor E.Frankl , câu hỏi về lẽ sống không còn là “tôi có thể trông đợi gì từ cuộc đời?” mà chỉ có thể là “cuộc đời trông đợi gì ở tôi?”. Thấy được trách nhiệm, ý nghĩa của mình với cuộc sống, ta sẽ sống tốt hơn, sẽ không sợ hãi sự sống nữa.
Viktor E.Frankl cho rằng: Ta không phải là người được quyền hỏi về ý nghĩa cuộc đời mà ngược lại, chính cuộc đời đặt câu hỏi nhắn trực tiếp tới chúng ta… Bản chất việc sống không có ý nghĩa gì khác hơn là bị tra vấn; toàn bộ hành động tồn tại của chúng ta không gì khác hơn là đưa cho ra câu trả lời với ý thức trách nhiệm hướng về cuộc sống… Từ quan điểm trí tuệ này, không gì có thể khiến ta sợ hãi nữa, không tương lai hay cảm thức vô ích nào hiện hữu rõ ràng nữa. Vì bây giờ hiện tại là tất cả… Bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào việc cuộc sống trông đợi gì ở chúng ta. Đối với những gì đang chờ ta ở tương lai ta không cần phải biết, vì cũng không thể biết được.
Bàn về việc tự tử, Viktor E.Frankl phân tích: Việc vứt bỏ cuộc sống của mình là một điều tuyệt đối phi lý và hoàn toàn không có chút ý nghĩa. Với ông, cách ta giải quyết khó khăn sẽ thể hiện ta là ai và cũng giúp ta sống ý nghĩa hơn. “Cuộc sống, theo nghĩa nào đó, là bổn phận, một nghĩa vụ to lớn đơn nhất. Chắc chắn là cũng có cả niềm vui trong cuộc sống, nhưng đó là thứ ta không thể theo đuổi, chúng ta không thể ước niềm vui diễn ra, đúng hơn, nó phải khởi sinh một cách tự phát… Hạnh phúc không nên, không cần và không bao giờ có thể trở thành một mục tiêu mà chỉ có thể là kết quả (của việc hoàn thành bổn phận)”. Hiểu được điều đó, ta sẽ hiểu rõ trách nhiệm sống của mình.
Ý nghĩa cuộc đời, theo Viktor E. Frankl: Cuộc sống có nghĩa là bị tra vấn, là trả lời; mỗi người phải có trách nhiệm với sự tồn tại của chính mình. Cuộc sống không còn hiện diện trước mặt ta như một thứ được trao tặng, mà là một nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta trong từng khoảnh khắc. Do đó, nhiệm vụ càng khó khăn thì cuộc sống càng thêm ý nghĩa.
Theo Viktor E. Frankl, mỗi sự sống đều có giá trị và ý nghĩa. Ngay cả người bệnh cũng có giá trị và ý nghĩa của họ. Ông đưa ra thực trạng “Đối với từng bệnh nhân, bác sĩ không xem họ là con người mà chỉ là “ca bệnh“ trước mắt… Nhìn chung, bác sĩ cũng có xu hướng điều trị ca bệnh chứ không phải điều trị cho con người, cho người bệnh… Khuynh hướng tách biệt và vật thể hóa con người của giới y sĩ đã tiến triển ở mức sâu xa như thế nào”. Viktor E. Frankl phê phán điều đó. Và cho rằng, ngay cả đau khổ cũng đóng góp cho ý nghĩa và là một phần ý nghĩa cuộc sống… Ngay cả trong bệnh tật, thậm chí là những căn bệnh vô phương cứu chữa, cũng không trao cho bất kỳ ai quyền phán xét một con người là “không đáng sống”. Vì vậy, mỗi người càng cần trân quí sự sống của mình, tìm ra lẽ sống cho mình. “Bất kỳ ai có được một lý do phải sống thì có thể chịu đựng hầu như bất kỳ hoàn cảnh nào” - Viktor E. Frankl dẫn lời Nietzche.
Theo Viktor E. Frankl, hoặc ta thay đổi số phận khi có thể, hoặc ta cam lòng chấp nhận nếu buộc phải như thế… Chính tính độc nhất về sự tồn tại của chúng ta trên thế giới, tính bất khả vãn hồi của cuộc đời ta, tính bất khả hoán cải trong mọi thứ ta đã thực hiện (hoặc thực hiện thất bại) - chính những đặc tính ấy đem đến ý nghĩa đáng kể cho sự tồn tại của con người.
Và cuối cùng, những nội dung chuyển tải trong “Lẽ sống” nói với chúng ta rằng: con người - mặc cho những thử thách cam go và cái chết, mặc cho nỗi đau khổ từ bệnh thể chất hay tinh thần, hoặc dưới tác động của số phận trong trại tập trung - vẫn có thể tin yêu cuộc sống.