Những con đường thân quen, những nơi chốn đã nằm lòng nay bỗng nhuộm lên màu sắc hoài niệm, xen chút lạ lẫm. Hoài niệm vì đó là những nơi mà chúng ta vẫn thường tới lui, qua lại từng ngày.
Thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn – Gia Định là miền đất hứa đã trải qua bề dày hơn 300 năm lịch sử - nơi đã trở thành một “siêu đô thị” với 9 triệu dân chứa kí ức cả một thời đầy những kỷ niệm và sự mộc mạc. “Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2” của Cù Mai Công đã khắc họa một cách chân thực nhất mảnh đất Sài thành, những dấu ấn xưa, những tâm hồn của những người đã từng yêu quý và trải nghiệm thành phố này.
Tiếp nối thành công của phần đầu tiên, tập 2 của cuốn sách là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tạp bút và biên khảo, khi kỷ niệm riêng của những cá nhân được đan xen với tư liệu lịch sử dày dặn, sắc nét. Từng bài viết về đường phố, khu chợ, hàng cây… là một mảnh ghép ký ức sinh động, thấm đẫm hơi thở cũ xưa và cảm giác hoài niệm về Sài Gòn - Gia Định một thời.
Lời văn giản dị như rủ rỉ, tự tình gây nhớ, gây thương, nhất là với những người đã đến Sài Gòn - Gia Định từ xa xưa, đã lập thất, thành danh từ mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Cuốn sách có đủ chất thế sự trong lịch sử, chất đời và tình người trong tiến trình hình thành, phát triển một vùng đất. Hệ thống bản đồ, hình ảnh tư liệu lịch sử quý giá cũng được nâng niu, cẩn trọng đưa vào sách, như thường thấy trong tác phẩm của Cù Mai Công.
Dưới góc nhìn của tác giả, “Với Sài Gòn, từ bước chân mon men của một thằng nhóc sáu, bảy tuổi lên và sống hơn nửa thế kỷ ở đây, đó là những đại lộ xưa tới giờ vẫn đẹp lộng lẫy và rộng thênh thang; là xe cộ giăng như mắc cửi quanh chợ Bến Thành và vô vàn ngôi nhà, công trình kiến trúc vừa hiện đại vừa rất Việt…từ một văn phòng kiến trúc sư bậc nhất Sài Gòn thuở ấy.” và “Với Gia Định, đó là một vùng ngoại ô của tỉnh Gia Định xưa, một trong những cửa ô ra vô Sài Gòn với những con đường xưa hàng thế kỷ, tới giờ vẫn trầm mặc như “ngày xửa ngày xưa”, bên cạnh những nẻo đường hồi thập niên 1940 còn mênh mông vườn rau, lối mòn”.
Trong phần một, tác giả nhắc nhớ những ký ức về văn hóa và con người Sài Gòn bắt đầu từ câu chuyện năm đại lộ sang trọng giữa Sài Gòn từ đâu ra? Và vì sao đại lộ thứ sáu (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) bị "giáng" từ đại lộ xuống "đường". Đó là cả một câu chuyện thú vị đang chờ bạn lần giở từng trang sách.
Bên cạnh đó, biểu tượng nổi bật nhất - trái tim của thành phố - chợ Bến Thành cũng được tác giả thủ thỉ kể những chuyện từ “ngày xửa ngày xưa” khi nơi đây vẫn còn là vùng đầm lầy Boresse có “nhiều đường đất lắp cao, cắt nhau khá đều đặn, chạy ngang dọc. Những chỗ trũng ngập nước chỉ sâu một vài mét” mà bao quanh là đủ mọi loại bến xe, nhà ga. Ít ai có thể tưởng tượng rằng “Từ một đầm lầy ô nhiễm nặng nề, người Pháp đã quy hoạch vị trí chợ Bến Thành nằm ngay khu vực giao thông lớn, một mặt nhằm tạo sự phát triển cho thành phố Sài Gòn mới hình thành với kỳ vọng về “hòn ngọc Viễn Đông”, đồng thời giải quyết bài toán giảm kẹt xe cho khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn”.
Quá trình hình thành đủ loại bến xe, nhà ga quanh chợ Bến Thành mang đến nhiều ngạc nhiên cho độc giả. Thú vị nhất là, theo Cù Mai Công, trong khi việc tu bổ những con đường nhỏ quanh chợ đều do nhà thầu Pháp làm, thì việc xây dựng đại lộ huyết mạch Galliéni (nay là đại lộ Trần Hưng Đạo) và tu sửa đại lộ Abattoirs (Nguyễn Thái Học) lại do một nữ nhà thầu Việt: Phạm Thị Vân đảm trách - lời kể ẩn chứa chút tự hào.
Bên cạnh những góc xưa cũ của Sài Gòn, ở cuốn hai này, Cù Mai Công còn đặc biệt dành một lượng lớn không gian để chia sẻ về kiến trúc hiện đại miền Nam. Theo tác giả, trung tâm của cụm Sài Gòn không phải là những kiến trúc quen thuộc thời Pháp thuộc, cũng không phải là những công thự vốn nhiều người biết mà là hàng triệu những ngôi nhà, công trình kiến trúc hiện đại của Sài Gòn, miền Nam trước 1975. Đây là một sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của người Việt vốn được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi nhưng ngày nay đã bị lãng quên.
Tác giả đã rất tâm huyết khi cất công đi từng ngôi nhà, từng căn biệt thự tiêu biểu của phong cách này để chọn ra giới thiệu với bạn đọc. Ông nhắc về ba kiến trúc sư lỗi lạc thời đó ở Văn phòng Kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc. Một trong những công trình dấu ấn đầu tiên của họ là "kỳ quan" khách sạn Caravelle (19-23 Công Trường Lam Sơn, quận 1). Ngoài lịch sử xây dựng, chỉ với vài câu khái quát tác giả đã cho thấy cái hồn cốt, tinh hoa kiến trúc của công trình này: “Toàn bộ khối công trình Caravelle nhẹ nhõm hẳn so với các công trình thời Pháp thuộc. Nó mang nét kiến trúc hiện đại, táo bạo của Sài Gòn, miền Nam lúc đó. Nhưng lại rất Việt như những ngôi nhà Việt xưa: thanh thoát, có khoảng đệm nhiệt độ trước các phòng, bớt nắng mà không cản gió”.
Ngoài ra, có thể kể đến tòa nhà ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia (BNCI) ở số 36 Tôn Thất Đạm, Quận 1. “Tòa cao ốc hiện đại này có thiết kế lam gió với các thanh bê tông mảnh, nhẹ, dựng thẳng đứng bên ngoài và dọc mặt tiền nhà trước tầng 1, 2. Đó là cấu trúc hai lớp hiện đại phổ biến thập niên 1950, 1960 ở miền Nam. Hệ thống lam gió ở sàn mái trên cùng cũng chặn hiệu quả nắng trưa Sài Gòn. Tầng trệt và cả khu vực dọc cửa chính tòa nhà cũng lui vô trong như mái đình, hàng hiên Việt xưa. Tòa nhà này cho tới nay vẫn là dáng vẻ rất hiện đại”.
Nhóm kiến trúc sư này còn kiến trúc hàng loạt biệt thự đầy biến hóa, những biệt thự kiểu Sài Gòn “độc nhất vô nhị trên thế giới”, đến nay vẫn còn tồn tại. Và hình thành nên nét kiến trúc chủ yếu của vô số nhà cửa ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975… những căn nhà, không chỉ là kỹ thuật, kiểu dáng mà còn là hồn cốt nơi ở, mà theo đúc kết của tác giả là “Sài Gòn tánh sao nhà vậy”. Căn nhà phản ánh cách sống của người Sài Gòn. Mà cách sống của người Sài Gòn là đơn giản.
Cù Mai Công viết: "Một ngôi nhà, nơi chúng ta sống và tìm về, xét cho cùng là sự bình yên. Về mỹ học lẫn thiết kế hiện đại, cái đẹp luôn là cái đơn giản, sự giản dị, đến mức hiện nay có cả một trào lưu thiết kế, kiến trúc tối giản. Những ngôi nhà Sài Gòn-Gia Định xưa ít nhiều đã làm được điều đó, chúng hiện đại mà sinh thái, mang lại cả một khung cảnh bình yên cho bao thế hệ Sài Gòn, đến giờ vẫn được nhắc đến với một trời yêu thương".
Như một người vì quá yêu thương, tác giả đã tỉ mỉ đi quan sát, "lục lọi" Sài Gòn hết nơi này đến nơi khác, hết thuở xưa đến thời nay. Không chỉ công trình lớn, chợ trung tâm, đại lộ, nhà cửa… tác giả còn chi li kể về Dưỡng đường Dung Anh (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM). Nơi này vừa là nhà ở vừa là dưỡng đường của giáo sư, bác sĩ, thạc sĩ y khoa Trần Đình Đệ, người từng đỡ đẻ cho bà Ngô Đình Nhu khi sinh Ngô Đình Lệ Quyên. Đây cũng là nơi vợ ông Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó là thủ tướng) sanh cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Con gái đầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng sanh con nơi này. Có biết bao câu chuyện nhân văn được nhắc lại khiến người đọc tiếp tục thương, và nhớ.
Khi đã đi hết một vòng Sài Gòn với những kỷ niệm thương yêu, Cù Mai Công sẽ dẫn bạn đi xa hơn về vùng ngoại ô thành phố. “Khu vực từ Lăng Cha Cả đến qua cổng xe lửa số 6 trên đường Lê Văn Sỹ hiện nay khoảng trăm rưỡi thước là một trong những vùng ngoại ô của Tỉnh Gia Định xưa, cửa ngõ vô Sài Gòn theo ngả Quận 3. Như các vùng ngoại ô khác, dân cư nơi đây đủ Bắc - Trung - Nam, dù đặc thù đi qua vùng Ông Tạ, bà con Bắc nhiều hơn. Từ nơi này, người ta có thể ra vô Sài Gòn theo nhiều hướng, nhiều đường. Và cũng ở đây, có vô số mảnh đời phiêu dạt khi tán khi tụ, nổi trôi đủ hướng…”.
Những nẻo đường ngang dọc của ngoại ô này đã chứng kiến bao nhiêu phận người, phận đời. Có nẻo sát bên Ông Tạ với ngôi nhà có chiếc máy bay trực thăng rơi hồi 30/04/1975. Có nẻo là nơi sinh sống của biết bao tên tuổi nghệ sĩ Nam - Trung - Bắc lừng lẫy một thời của Sài Gòn xưa và nay: nghệ sĩ Văn Hùng, cặp nghệ sĩ Kim Hoàng - Như Mai, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, thi sĩ Bùi Chí Vinh…
Cũng nơi đây, ít ai biết đã từng có một “vườn hoang” hơn mười hecta gắn với kí ức tuổi thơ của bao mầm non. “ Bãi đất trống này xưa là lãnh thổ tranh chấp giữa con nít Ông Tạ và con nít Lăng Cha Cả. Có lần một đám con nít xóm Đại Lợi - Ông Tạ của tôi, trong đó có tôi, đến đây chơi, tắm ao hồ. Hôm đó nước trong ao hồ khá cao, ngang ngực mấy đứa sáu, bảy tuổi. Sợ cha mẹ biết, tất cả cởi quần áo để trên bờ xuống tắm. Một đám con nít Lăng Cha Cả canh, hốt hết quần áo chạy. Có còn quần áo đâu mà dám lên bờ rượt theo. May còn mấy đứa chưa kịp xuống tắm chạy về nhà từng đứa báo tin cho cha mẹ để lấy quần áo” hay một nghĩa địa cổ nơi “Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những gương mặt thân yêu, tha hồ mà trò chuyện cho ấm lòng. Tỉnh này muốn qua tỉnh kia thăm bạn, chỉ phải bước qua một hàng rào. Gần hai mươi tỉnh sát cạnh nhau để dựng lên một miền Nam trong cõi âm”.
Có thể thấy, nếu như ở tập 1 Cù Mai Công giới thiệu với bạn đọc về Gia Định với một cuộc bể dâu kinh hoàng “Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây, một bàn cờ thế phút sa tay.” thì ở tập này, Gia Định là câu chuyện của những mảnh đời tràn ngập tình người. Tác giả còn tỉ mỉ mô tả về "Một nếp nhà Nam Kỳ trên đất Sài Gòn - Gia Định". Đó là nếp nhà của "bác Điện" - Trương Bửu Điện, người từng là tổng trưởng Bộ Thông tin Việt Nam cộng hòa; những ngày trước 1975, là tổng lãnh sự Sứ quán Việt Nam cộng hòa ở Tân Gia Ba (Singapore). Ông là con trai ông bà Trương Tấn Bửu - Tạ Huỳnh Lang. Bà Lang là con gái nhà họ Tạ Trung. Trong dòng tộc họ Tạ Trung, con cháu về đời sau này có ông Lý Chánh Trung - một nhân sĩ trí thức, chính khách dân tộc chủ nghĩa thuộc thành phần thứ ba, nguyên giám đốc Nha Trung học công lập dưới thời Việt Nam cộng hòa.
Theo tác giả, đây là "Gia tộc sinh ra rất nhiều trí thức, nhân sĩ, bác sĩ… Tất cả đều thẳng ngay, tự bỏ công sức mưu sinh, không quen nhờ vả. Đó là gia tộc giữ vẹn nếp nhà, gia phong chơn chất Nam Bộ xưa và Sài Gòn - Gia Định một thuở". Với tôi, đó còn là một nếp nhà gợi nhớ nhiều nếp nhà đã được xây dựng, giữ gìn, vun đắp qua bao thế hệ, để hình thành nên một cốt cách Sài Gòn không mai một cùng năm tháng.
Tác giả đã khéo léo kết hợp những trải nghiệm có thật của mình cùng những tư liệu sẵn có để tạo nên những trang viết rất riêng, vừa thuyết phục cũng vừa hấp dẫn. Vì lẽ đó, dù là miêu tả về những đại lộ sang trọng hay những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, dù đang kể chuyện đời của một nghệ sĩ nổi tiếng hay một nhà giáo vô danh, ta đều thấy lấp lánh trên câu chữ là những ấm áp, bình dị của đời sống.
Sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, như bao nhiêu năm trước để lại nhiều nuối tiếc trước những hình ảnh xưa không còn và có lẽ chưa dừng lại là nỗi niềm có thật trước quy luật khắc nghiệt của thời gian, tốc độ thay đổi chóng mặt - một thuộc tính của Sài Gòn, lẫn chưa nhìn nhận hết những giá trị xưa cũ. Nhưng hẳn khó ai có thể phủ nhận người Sài Gòn tới giờ vẫn còn đó nếp sống xưa để ngay chính người Sài Gòn “chưa xa đã nhớ”: phóng khoáng, chan hòa, rộng mở và sẻ chia. Phải chăng đó là những hình ảnh bản chất, hồn cốt xưa cho sự phát triển mới của một đô thị lớn nhất nước. Dẫu bao thăng trầm, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn trỗi dậy, ngời ngời tươi mới..như thuở nào, một Sài Gòn - Gia Định hơn 300 năm trước.
Vốn thích lang thang đó đây, thêm công việc làm báo đã giúp cho những trang viết của Cù Mai Công lấp lánh những chất liệu của đời sống. Mặc dù không tự nhận là nhà nghiên cứu nhưng tác giả luôn có những phát hiện mới mẻ và thú vị mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng khai thác được. Khi đọc “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương 2”, ta như được cấp một chiếc vé du hành về quá khứ. Những con đường thân quen, những nơi chốn đã nằm lòng nay bỗng nhuộm lên màu sắc hoài niệm, xen chút lạ lẫm. Hoài niệm vì đó là những nơi mà chúng ta vẫn thường tới lui, qua lại từng ngày. Lạ lẫm là vì nó được kể lại từ ký ức của một người khác - một người bắc xưa, Sài Gòn rặt, ghét metro và yêu Ông Tạ.