Đánh thức trí thông minh - Một trí não tôn giáo là gì?

Quìn29/12/2023 08:00
Đánh thức trí thông minh - Một trí não tôn giáo là gì?

Phần đông chúng ta đều sống trong hỗn loạn bởi hàng tá lý do mà chúng ta không cần tốn thời gian đi sâu vào chi tiết.

Để đào sâu khám phá xem một trí não tôn giáo là gì, ta phải thoát khỏi chính sự quy định của ta, thoát khỏi Kitô giáo, Phật giáo, cùng với tất cả những tuyên truyền suốt hàng ngàn năm, sao cho trí não thật sự tự do để quan sát. Điều đó vô cùng khó khăn, bởi vì ta sợ phải đơn độc, phải đứng một mình. Ta muốn được an toàn, cả bên ngoài lẫn bên trong; do đó ta phụ thuộc vào người khác, dù đó là tu sĩ, người lãnh đạo, hay vị đạo sư nói rằng: “Tôi đã trải nghiệm, nên tôi biết”. Ta phải đứng hoàn toàn một mình chứ không phải bị cô lập. Có sự khác biệt rất lớn giữa cô lập và hoàn toàn một mình, là một, không phân tách.

Cô lập là một trạng thái của trí não, trong đó quan hệ chấm dứt, khi trong cuộc sống và hoạt động thường nhật, bạn đã thật sự xây lên một bức tường bao quanh chính bạn, một cách cố ý hoặc vô thức, để không bị tổn thương. Sự cô lập đó hiển nhiên ngăn chặn mọi hình thái quan hệ.

Đơn độc ý nói một trí não không phụ thuộc ai khác về mặt tâm lý, không luyến ái, ràng buộc vào bất cứ người nào; nó không có nghĩa là không có tình yêu – tình yêu thì không phải là ràng buộc, luyến ái. Đơn độc nói đến một trí não sâu tận bên trong không có bất kỳ cảm giác sợ hãi nào và do đó không có cảm giác xung đột nào.

Khi tiến xa vào tận bên trong đó, ta mới có thể tiến hành khám phá kỷ luật nghĩa là gì. Đối với phần đông chúng ta, kỷ luật là một hình thái rèn luyện, tập luyện; hoặc để khắc phục một chướng ngại, hoặc để chống cự hay triệt tiêu, trấn áp, kiểm soát, định hình, tuân phục – tất cả những điều đó đều bao hàm trong từ kỷ luật. Nghĩa gốc của từ này là học; một trí não muốn học – chứ không phải rập khuôn, bắt chước – phải là tâm trí ham hiểu biết, quan tâm cao độ, còn một trí não đã biết tuốt thì không thể học.

Vì thế, kỷ luật nghĩa là học để xem tại sao ta kiểm soát, tại sao ta trấn áp, triệt tiêu, tại sao có sự sợ hãi, tại sao ta luôn tuân phục, so sánh, và do đó có xung đột. Chính động thái học hỏi tạo ra trật tự; không phải trật tự theo một thiết kế hay một khuôn mẫu, mà chính trong hành động tìm hiểu tình trạng hỗn loạn, vô trật tự, mới có trật tự.

Phần đông chúng ta đều sống trong hỗn loạn bởi hàng tá lý do mà chúng ta không cần tốn thời gian đi sâu vào chi tiết. Ta phải học hỏi về tình trạng hỗn loạn, học hỏi về cuộc sống vô trật tự mà ta đang hướng đến; không phải cố gắng đem lại trật tự cho tình trạng hỗn loạn hay vô trật tự, mà chỉ học hỏi về nó thôi. Chính trong động thái học hỏi đó, trật tự sẽ sinh ra.


Gửi bình luận
(0) Bình luận