Chúng ta đang sống trong một xã hội vội vã và có phần đề cao những giá trị vật chất. Nhịp điệu nhanh chóng và áp lực từ cuộc sống hiện đại đã khiến nhiều người không thể bắt kịp, rồi dần lạc lõng giữa những đám đông. Họ cuống cuồng để chứng tỏ bản thân, để hơn thua với cá nhân khác. Nhiều người mất đi niềm tin vào ý nghĩa của cuộc sống, thậm chí có những lúc họ cảm thấy mệt mỏi tới mức phải đưa ra lựa chọn khó khăn nhất, đó là từ bỏ mạng sống của mình.
Cuộc sống luôn có những khía cạnh khó khăn, thử thách và đau khổ, nhưng ẩn sâu trong đó cũng đầy ắp khoảnh khắc tươi đẹp và ý nghĩa. Ý nghĩa của cuộc sống, đôi khi không nằm ở những giá trị mà bạn vẫn đang điên cuồng theo đuổi kia, mà nằm trong những điều nhỏ bé, trong sự kết nối với người khác, trong chính sự hữu hạn của đời người hay thậm chí nằm trong cả nỗi thống khổ mà bạn trải qua.
Có đôi khi hàng tá bi kịch cuộc đời giáng xuống bạn như: mất mát, tai nạn hoặc bệnh tật… tất cả chúng làm thu hẹp năng lực của bạn, khiến bạn rơi vào tình huống bất khả kháng. Khi số phận giáng một cú đánh làm tan tành những thứ bạn đã mất nhiều năm gây dựng và coi nó là quan trọng nhất như tiền bạc, quyền lực đến danh vọng,... cũng là khi nó đánh gục niềm tin vào cuộc sống của bạn, khiến bạn mất đi niềm hy vọng để tiếp tục cuộc đời mình.
Viktor E. Frankl - chuyên gia về thần kinh học và tâm thần học tại Đại học Vienna có lẽ là người rơi vào tận cùng của nỗi thống khổ và sự mất mát. Nhưng ông đã không từ bỏ cuộc sống mà còn gửi gắm ý chí sống mãnh liệt của mình qua nhiều bài diễn thuyết. Những bài diễn thuyết của ông ở Ottakring đã được chắt lọc trong cuốn sách Lẽ sống - cuốn sách chia sẻ vô vàn tri thức quý giá từ kinh nghiệm sống sót ở trại tập trung Auschwitz và một vài trại tập trung khác. Thông qua cuốn sách này, Frankl mang đến cho bạn đọc một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống - thậm chí ngay cả khi bạn phải đối mặt với tận cùng nỗi đau khổ của con người.
Lẽ sống chính là cây đuốc thắp sáng ánh lửa hy vọng, niềm tin vào ngọn bấc cuộc đời vẫn đang âm ỉ chờ ngày rực cháy trong trái tim bạn, giúp bạn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, khám phá giá trị của tình yêu thương, niềm tin để từ đó xây dựng cuộc đời có ý nghĩa, đẹp đẽ và đáng sống.
Viktor E. Frankl (1905 - 1997) là chuyên gia về thần kinh học và tâm thần học tại Đại học Vienna trong suốt hai mười lăm năm, ông là Trưởng khoa thần kinh của Bệnh viện đa khoa Vienna.
Frankl là một trong số ít người sống sót qua thời kỳ Holocaust. Ông đã trải qua nhiều trại tập trung và trại tận diệt, bao gồm Auschwitz. Trải nghiệm đau thương và mất mát trong thời kỳ này đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm và lý thuyết về ý nghĩa cuộc sống của ông.
Suốt bốn thập niên sau khi thoát khỏi trại tập trung, ông đã thực hiện vô số chuyến chu du để diễn thuyết khắp nơi trên thế giới. Nội dung của cuốn sách Lẽ sống được ghi chép lại từ ba bài giảng của Viktor Frankl vào năm 1946 tại Ottakring, đến nay vẫn còn mang tính thời sự một cách phi thường và đáng kinh ngạc.
Viktor E. Frankl được biết đến không chỉ là người sống sót sau nạn diệt chủng mà còn bởi đóng góp quan trọng vào lĩnh vực tâm thần học và với vai trò là một nhà văn tài năng. Thông qua trải nghiệm đau thương của mình, ông chia sẻ những bài học quý giá về cách con người có thể tìm thấy ý nghĩa và lựa chọn tích cực trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Lẽ sống là một tác phẩm đầy triết học và tích cực, làm thức tỉnh lòng tin và sức mạnh tinh thần của mỗi cá nhân, đồng thời giúp con người có thể nhìn nhận ý nghĩa cuộc sống trong mọi tình huống.
Có đôi khi bạn thấy rằng cuộc đời đối xử với bạn rất tồi tệ, nó cùng lúc đưa đến vô số thất vọng, khó khăn và mệt mỏi hay thậm chí là những căn bệnh khó lòng cứu chữa. Khi đối diện với đau khổ và bệnh tật chỉ có một trong số ít người có thể nhìn thấy hy vọng từ thất vọng hoặc từ đau khổ mà dần nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Phản ứng của số đông trước những bất hạnh ập đến cuộc đời mình, thường là oán trách, mất hết hy vọng và động lực để tiếp tục bước về phía trước. Thậm chí biểu hiện gay gắt nhất, chính là lựa chọn dừng lại cuộc sống của mình trước khi thượng đế kịp làm điều đó.
Là một người đã đi qua tầng sâu nhất của đau khổ, Viktor E. Frankl chỉ ra rằng đau khổ là một vấn đề thuần tuý của con người, là một phần của cuộc sống, hay thậm chí trong một số trường hợp, chính sự không đau khổ mới lại là một căn bệnh.
Trong những bài diễn thuyết của mình, Frankl luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đau khổ trong việc nhìn nhận ý nghĩa cuộc sống. Từ trong đau khổ chúng ta có thể phát triển sức mạnh tinh thần và lòng kiên nhẫn. Những thử thách và khó khăn còn là cơ hội để chúng ta rèn luyện bản thân và phát triển khả năng chống chọi. Đau khổ có thể kết nối con người với nhau, tạo ra sự đoàn kết và sự hiểu biết. Sự chia sẻ những trải nghiệm khó khăn giữa cộng đồng có thể tạo ra một sức mạnh lớn.
Liệu bạn có muốn xoá bỏ những trải nghiệm đau buồn trong quá khứ, từ cuộc sống yêu đương chẳng hạn, liệu ta có muốn ngừng dính líu vào tất cả mọi thứ đau đớn hoặc gây đau đớn không, khi biết rằng đau khổ mang nhiều ý nghĩa hơn việc chỉ muốn nhấn chìm sức sống của con người. Theo Frankl, khi hiểu được ý nghĩa của mỗi nỗi đau đến với cuộc đời mình, chắc chắn câu trả lời mà tất cả chúng ta đưa ra sẽ là “KHÔNG”. Bởi phần nào đó, ta biết rằng mình đã trưởng thành và khôn lớn như thế nào thông qua những khoảng thời gian thiếu vắng niềm vui trong cuộc sống ấy.
Trong Lẽ sống, thông qua các bài diễn thuyết của mình, Frankl đã đưa ra rất nhiều câu chuyện về nghị lực sống và vượt qua bệnh tật cũng như những cá nhân đã nhìn thấy ý nghĩa cuộc sống từ tình cảnh hiểm nghèo nhất. Bệnh tật không hẳn làm mất đi ý nghĩa hay làm hao mòn giá trị tồn tại của chúng ta; mà tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi người, chúng luôn có thể mang lại ý nghĩa.
Frankl giúp chúng ta nhìn nhận rằng đau khổ không chỉ là một khía cạnh tiêu cực của cuộc sống mà còn là một phần quan trọng giúp định hình và làm giàu ý nghĩa trong sự tồn tại của con người.
“Ý nghĩa cuộc đời không nằm trong số năm tháng chúng ta sống trên đời mà nằm trong mức độ phong phú của đời sống.”
Chúng ta đã nghe và đã thấy rất nhiều người lựa chọn từ bỏ mạng sống vì không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời nữa. Với họ, sự tồn tại của chính họ không phải một món quà mà là một gánh nặng bị dúi vào tay. Họ bám chấp vào niềm tin rằng cuộc đời phải đạt được điều gì đó to lớn, phải có thành tựu, phải giàu có, hoặc phải luôn hạnh phúc, luôn vui vẻ. Thế nhưng, cuộc sống không diễn ra theo cách mà họ mong muốn, họ không thể ước niềm vui và hạnh phúc luôn diễn ra, cũng không thể ước mình có được tất cả mọi thứ trên cuộc đời. Vậy là họ thất vọng, buồn bã và cho rằng cuộc đời mình chẳng có ý nghĩa gì.
Frankl là người đã từng bị tước đi tất cả mọi thứ, sự nghiệp, tương lai và cơ bản nhất là những mảnh vải che thân khi ông bước vào trại tập trung. Frankl khi ấy đã chết ngay từ khi còn đang sống. Ông đã có thể lựa chọn lao vào hàng dây thép gai có điện, hay để bản thân kiệt quệ rồi bị lôi vào lò hơi, nhưng ông đã cố gắng để giữ lại thứ quan trọng, cũng là thứ duy nhất ông có khi ấy - chính cái tôi của ông, và mạng sống thoi thóp nhờ vào bát súp được phát sau cả ngày dài lao động.
Những năm tháng khốn cùng trong trại tập trung đã giúp Frankl nhận ra được nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống. Theo ông “cuộc sống, theo nghĩa nào đó, là bổn phận, một nghĩa vụ to lớn đơn nhất. Chắc chắn là cũng có cả niềm vui trong cuộc sống, nhưng đó là thứ ta không thể theo đuổi, chúng ta không thể ước niềm vui diễn ra, đúng hơn, nó phải khởi sinh một cách tự phát, và trên thực tế nó cũng luôn khởi sinh một cách tự phát như một kết cục ắt phải đến: hạnh phúc không nên, không cần và không bao giờ có thể trở thành một mục tiêu mà chỉ có thể là kết quả.”
Vì vậy, thay vì đặt hạnh phúc, niềm vui, sự giàu có, quyền lực làm thước đo cho ý nghĩa cuộc sống, hãy tận hưởng từng phút giây mà mình đang có. Đắm mình vào những trải nghiệm, nuôi dưỡng sự giàu có cho tâm hồn, làm giàu vốn tri thức, tập trung hơn vào những giá trị tinh thần và những chi tiết nhỏ trong cuộc sống. Tất cả những điều ấy, mới chính là thứ khiến mỗi giây phút cuộc đời bạn trở nên có ý nghĩa hơn.
Bởi vì chúng ta không bất tử và cuộc sống này với ta là hữu hạn, thời gian của chúng ta bị hạn chế và khả năng của chúng ta bị giới hạn, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải cảm thấy đau khổ. Chính thực tế này mang đến ý nghĩa khi ta làm việc gì đó, khi ta khai thác một khả năng và biến nó thành hiện thực, khi ta đáp ứng cuộc sống, sử dụng thời gian của mình và bận rộn với nó. Cái chết theo một cách nào đó, chính là động lực thôi thúc ta phải làm như thế. Theo Frankl, cái chết hình thành nền tảng khiến hành động tồn tại trở thành một trách nhiệm.
Chúng ta không đánh giá một cuốn sách qua số trang, độ dày, số từ ngữ của nó mà qua mức độ phong phú trong nội dung bao hàm. Cuộc đời con người cũng vậy. Với một người chỉ dành 30 năm ngắn ngủi trên đời, nhưng vẫn có thể tận hưởng mọi chi tiết và yêu thương mọi trải nghiệm đến với cuộc sống của mình, thì bản thân cuộc đời người ấy đã ý nghĩa hơn của một người có thể sống đến 90 tuổi, nhưng chỉ ngồi yên đằng sau bậu cửa sổ và lo nghĩ về đủ thứ xảy ra.
“Cũng giống như nỗi thống khổ của con người, cái chết là một phần ý nghĩa cuộc đời. Cả hai đều không cướp đi ý nghĩa tồn tại của con người mà còn làm cho nó có ý nghĩa ngay từ đầu.”
Frankl đã giúp chúng ta nhận ra rằng, chính sự hữu hạn khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, không chỉ là về cái chết ta sẽ đón nhận ở tương lai xa mà sự hữu hạn trong mối quan hệ với người khác cũng khiến cuộc sống của từng cá nhân không vô nghĩa.
Ý nghĩa của cuộc sống nằm trong mọi điều xảy đến với ta, bao gồm cả cái chết. Cái chết là cần thiết cho việc tìm kiếm ý nghĩa bởi nó lý giải tính độc nhất về sự tồn tại và đi kèm theo là trách nhiệm của chúng ta.
Frankl mong muốn mỗi người lắng nghe bài diễn thuyết của mình có thể hiểu được rằng, mỗi người phải có trách nhiệm với sự tồn tại của chính mình. Cuộc sống không còn hiện diện trước mắt bạn như thứ gì đó được trao tặng, mà là một nhiệm vụ được giao phó cho chúng ta trong từng khoảnh khắc. Do đó, nhiệm vụ càng khó khăn thì cuộc sống càng thêm ý nghĩa.
“Cuộc sống không phải là một điều gì đó, cuộc sống là cơ hội cho một điều gì đó.” - Hebbel (nhà soạn kịch, nhà thơ người Đức).
Mỗi con người đều là một cá nhân không hoàn hảo theo những cách riêng của họ. Chính vì vậy, chúng ta bất toàn một cách độc đáo, vô song. Thay vì lo lắng cuộc đời mình không hạnh phúc, không giống như người khác thì ta hoàn toàn có thể làm chủ vận mệnh, hoặc dù cho bị ràng buộc trong môi trường nào, chúng ta vẫn luôn giữ được quyền lựa chọn cách ta phản ứng với những tình huống đó.
Lẽ sống không chỉ chứa đựng những bài diễn thuyết mang đậm tính triết học mà trong đó còn là vô vàn lời khuyên và chiến lược để đối mặt với thách thức và tạo ra một cuộc sống ý nghĩa.
Ta không thể lựa chọn những khó khăn và thử thách nào mà cuộc đời sẽ ném vào mình, nhưng ta có thể nhìn vào chi tiết, tìm cách để từng bước đối diện và vượt qua nó. Chỉ khi ấy bạn mới có thể nhìn nhận đúng đắn và sâu sắc về giá trị của cuộc đời.
Cuộc sống luôn đầy rẫy những thách thức và thử thách, nhưng Frankl khẳng định rằng chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong mọi tình huống. Không phải tất cả mọi thứ đều trong tay chúng ta, nhưng quyền lựa chọn về cách chúng ta đối mặt với cuộc sống là điều mà chúng ta luôn kiểm soát được.
Thông qua những chắt lọc từ các bài diễn thuyết, Lẽ sống ẩn chứa những giá trị vượt thời gian vô cùng sâu sắc về ý thức nhân sinh và giá trị cuộc sống. Frankl giúp mỗi cá nhân nhận ra tầm quan trọng của tình yêu thương, sự gắn kết và giúp đỡ của cộng đồng giữa những tình huống khó khăn và mệt mỏi nhất. Tình yêu và sự kết nối chính là nguồn động viên mạnh mẽ giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa cuộc đời.
Lẽ sống giúp mỗi cá nhân nhận ra giá trị quan trọng của mỗi gian khó xảy đến trong đời, từ đó sống có trách nhiệm và trân trọng cuộc đời của mình hơn.
Cuộc sống không chỉ là những thách thức, mà còn là những chân trời rộng lớn đang chờ đợi chúng ta khám phá. Khi mất đi khả năng nhìn nhận những điều này, chúng ta có thể bỏ lỡ những trải nghiệm quý báu và vô vàn khoảnh khắc ý nghĩa. Vì vậy, Lẽ sống của Viktor E. Frankl chính là kim chỉ nam, giúp bạn nhìn nhận cuộc sống bằng ánh sáng lạc quan và mở lòng với những điều mới mẻ. Đôi khi, ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trước mắt chúng ta, chỉ cần mở cửa tâm hồn và chào đón nó mà thôi.