Thanh thiếu niên, người lớn và người già đều thuật lại rằng những trải nghiệm tồi tệ nhất của họ đều đã diễn ra trong sự cô độc. Và điều gây buồn chán nhất, những kiểu tâm trạng tồi tệ nhất được thuật lại khi một người ở một mình và không có gì cần được làm.
Với những đối tượng trong nghiên cứu của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi - tác giả cuốn “Dòng chảy” - những người sống một mình và không đi lễ nhà thờ, thì sáng chủ nhật là khoảng thời gian BUỒN CHÁN NHẤT trong tuần, bởi vì khi không có sự đòi hỏi phải tập trung, họ không thể quyết định mình nên làm gì.
Phần còn lại của tuần, năng lượng tinh thần được định hướng bởi các nhịp sống bên ngoài: công việc, mua sắm, chương trình TV yêu thích…
Nhưng làm gì vào sáng chủ nhật sau khi ăn xong bữa sáng và lướt qua một lượt mấy tờ báo?
Đối với nhiều người, sự thiếu cấu trúc của khoảng thời gian này mang tính tàn phá. Thông thường, khoảng đến buổi trưa thì một quyết định được đưa ra: Tôi sẽ cắt cỏ, đi thăm họ hàng hoặc xem bóng đá... Từ đó, một cảm giác về mục đích quay trở lại và sự chú ý được tập trung vào mục tiêu tiếp theo.
Tại sao cô độc là một trải nghiệm tiêu cực đến vậy? Theo Mihaly Csikszentmihalyi, mấu chốt là do việc GIỮ TRẬT TỰ TRONG TÂM TRÍ vốn rất khó.
Chúng ta cần các mục tiêu, kích thích, phản hồi từ bên ngoài để điều hướng sự chú ý. Và khi thiếu đầu vào bên ngoài, sự chú ý bắt đầu lang thang và những suy nghĩ trở nên hỗn loạn… Khi không có gì để làm, tâm trí không thể ngăn những suy nghĩ tiêu cực từ cánh gà bước lên sân khấu.
Như khi bị bỏ lại một mình, một thiếu niên điển hình bắt đầu tự hỏi: “Bạn gái mình đang làm gì lúc này? Mình có đang nổi mụn? Mình sẽ hoàn thành bài tập toán đúng hạn chứ?”...
Và với người trưởng thành, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự. Những lo lắng về đời sống tình cảm, sức khỏe, những khoản đầu tư, gia đình và công việc… của chúng ta luôn lởn vởn ở đó và chờ đợi. Và ngay khi tâm trí đã sẵn sàng để thư giãn, đến liền! - những vấn đề tiềm ẩn đang chực chờ trong cánh gà liền nhảy ra nắm quyền kiểm soát.
Chính vì lý do này mà truyền hình đã tỏ ra là một ân huệ đối với rất nhiều người. Mặc dù xem TV không phải là một trải nghiệm tích cực - nhìn chung mọi người thuật lại rằng họ cảm thấy thụ động, yếu đuối, khá cáu kỉnh và buồn bã khi xem TV - thì ít nhất màn hình nhấp nháy kia cũng mang lại một trật tự nhất định cho ý thức.
Những cách khác có thể bao gồm sử dụng chất kích thích, dọn dẹp nhà cửa không ngừng, hay thực viện hành vi tình dục cưỡng ép, hành động mạo hiểm, hay đánh bạc…
Tất nhiên, tránh suy sụp bằng những cách này là khá hoang phí, bởi người ta phải bỏ ra rất nhiều sự chú ý mà không nhận được gì từ đó; và thậm chí một vài hành vi trong số đó còn mang tính huỷ hoại.
Giải pháp của chúng ta với những khoảng thời gian cô độc và không-có-gì-để-làm này là gì? Theo Mihaly Csikszentmihalyi, chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động không những thú vị mà còn giúp cho cái tôi phát triển.
Học cách khai thác cơ hội của sự cô độc; học cách sử dụng thời gian ở một mình, thay vì trốn thoát khỏi nó - chính là điều mỗi người cần tự trang bị cho mình.
“Điều đó có nghĩa là cuối cùng người ta cũng có thể đọc Proust, chơi cờ, trồng hoa lan, giúp đỡ hàng xóm và suy tư về Chúa - nếu đây là những điều mà người đó quyết định là đáng để theo đuổi.
Nhưng sẽ thật khó để hoàn thành bất kỳ việc nào trong số đó trừ khi trước đó người đó hình thành thói quen sử dụng sự cô độc. Tốt nhất là phát triển thói quen này từ sớm, nhưng cũng không bao giờ là quá muộn để làm vậy”, tác giả viết.
Đọc thêm “Flow - Dòng chảy” để biết cách thêm nhiều sự thưởng thức vào mọi khoảng thời gian trong cuộc sống - khi rảnh rỗi hoặc làm việc; khi cô đơn hoặc khi ở cùng người khác