Trải nghiệm sức mạnh hiện tại - Nguồn gốc của nỗi sợ hãi

Quìn08/09/2023 08:00
Trải nghiệm sức mạnh hiện tại - Nguồn gốc của nỗi sợ hãi

Cảm giác sợ hãi tâm lý khác hẳn với sự sợ hãi đến từ bất kỳ mối nguy hiểm nào ngay tức thì và rõ ràng.

Trạng thái tâm lý này sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau như: cảm giác khó chịu, bất an, lo lắng, bồn chồn, băn khoăn, căng thẳng, chán nản, sợ sệt hay bị ám ảnh. Nỗi lo sợ tâm lý sẽ luôn là nỗi lo sợ vô cớ về một sự việc nào đó có thể xảy ra hoặc không, thay vì lo sợ về một mối nguy nào hay sự kiện nào đang xảy ra ngay lúc này.

Thực chất là bạn đang ở đây và ngay trong giây phút hiện tại, trong khi tâm trí bạn đang ở tương lai. Điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống lo âu. Và nếu bạn đồng hóa mình với tâm trí, và bạn đánh mất đi sự kết nối với sức mạnh và sự giản đơn của Hiện Tại, khoảng trống lo âu này sẽ trở thành người bạn đồng hành bền lâu của bạn. Bạn có thể đương đầu và ứng phó với bất kỳ giây phút hiện tại nào, nhưng bạn không thể làm như vậy đối với một cái gì đó chỉ là sự mường tượng giả tạo từ tâm trí – nói cách khác, bạn không thể ứng phó với những gì trong tương lai mà chưa hề diễn ra.

Thêm vào đó, khi bạn đồng hóa mình với tâm trí, chính bản ngã hay cái tôi trong bạn sẽ thống trị và kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bạn. Bản chất của bóng ma bản ngã giả tạo, mặc dù có những cơ chế phòng vệ kỹ lưỡng, rất dễ bị tổn thương và luôn có cảm giác bất an hoặc không an toàn, chính bản ngã sẽ luôn nhìn thấy có một mối nguy rình rập ngay cả khi nó có vẻ bề ngoài rất tự tin. Bây giờ, hãy nhớ rằng một cảm xúc tức thời chỉ là sự phản ứng lại của cơ thể đối với tâm trí.

Vậy cơ thể liên tục nhận được những thông điệp gì từ bản ngã, hay cái tôi giả tạo, được hình thành bởi trí năng? Câu trả lời là: Nguy hiểm quá! Tôi đang bị đe dọa. Và thông điệp liên tiếp gửi đến cơ thể sẽ tạo ra cảm xúc gì? Câu trả lời hiển nhiên đó là: Cảm giác sợ hãi.

Nỗi sợ hãi dường như sẽ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Sợ bị mất mát, sợ bị thất bại, sợ bị tổn thương v.v... nhưng cuối cùng tất cả cảm giác sợ hãi đó đều xuất phát từ cảm giác sợ hãi của chính bản ngã về cái chết, về sự lụi tàn. Đối với bản ngã, cái chết luôn cận kề ở xung quanh. Trong trạng thái đồng hóa bản thân mình với tâm trí, cảm giác sợ hãi về cái chết ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn.

Ví dụ, thậm chí một việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt và bình thường (như nhu cầu nhất thiết phải là người đúng trong một cuộc tranh luận và người khác phải sai trong cuộc tranh luận đó) lại chính là nỗi sợ hãi về cái chết của bản ngã. Nếu bạn đồng hóa mình với một vị thế tưởng tượng định vị từ trong tâm trí, và sau đó nếu bạn là người sai trong cuộc tranh luận, bạn cảm thấy như thể bản thân mình bị tiêu diệt. Do vậy, bạn hay cái bản ngã trong bạn sẽ không thể chịu đựng nổi nếu bạn là người sai trong cuộc tranh luận. Bị sai có nghĩa là chết. Nhiều cuộc chiến đã nổ ra vì điều này, vì bản ngã và vô số các mối quan hệ cũng đã mất đi.

Một khi bạn không đồng hóa mình với tâm trí, dù là bạn sai hay đúng cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến cảm nhận của bạn về bản thân mình, do đó nhu cầu sâu thẳm từ trong vô thức và cấp bách rằng bạn phải đúng, cái suy nghĩ và nhu cầu này thực chất là một dạng bạo lực, sẽ không còn tồn tại trong bạn nữa.

Lúc này bạn có thể khẳng định rõ ràng và chắc chắn về cảm giác của bạn hoặc bạn đang nghĩ gì, nhưng bạn sẽ không bao giờ trở nên hung hăng hay bảo vệ ý kiến của bạn đến cùng nữa. Cảm nhận của bạn về bản thân sẽ bắt nguồn từ một nơi sâu thẳm hơn và đúng đắn hơn, thay vì từ trong tâm trí.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024