Flow - Dòng chảy: Tâm lý học hiện đại về hạnh phúc

01/02/2022 08:30
Flow - Dòng chảy: Tâm lý học hiện đại về hạnh phúc

Ngày nay, con người bàn nhiều hơn đến vấn đề hạnh phúc, dường như xã hội càng phát triển, niềm vui càng khó tìm.

Ngay cả khi cuộc sống vật chất đủ đầy, xã hội phát triển thăng hoa, thì mọi người vẫn thường xuyên cảm thấy cuộc đời họ trôi qua trong sự lo lắng và chán chường. Hạnh phúc là một khái niệm rất trừu tượng, và thực tế là chúng ta chẳng biết gì nhiều về nó hơn so với thời cổ đại. Gần đây, khái niệm “Dòng chảy” nổi lên trong lĩnh vực tâm lý học và được nhiều nhà nghiên cứu từ khắp mọi nơi nghiên cứu về nó. Với mục đích phổ cập kiến thức phổ thông, Mihaly Csikszentmihalyi đã biên soạn cuốn sách “Flow - Dòng Chảy” để giúp mọi người hiểu rõ hơn về những khía cạnh tích cực trong trải nghiệm của con người - niềm vui, sự sáng tạo và tiến trình hòa mình trọn vẹn vào cuộc sống. 

Mihaly Csikszentmihalyi là tiến sĩ tâm lý học người Mỹ gốc Hungary, giáo sư thuộc khoa tâm lý học và quản trị tại Drucker School of Management trực thuộc đại học Claremont Graduate tại Claremont, California. Ông được biết đến như cha đẻ của thuyết dòng chảy. Trong suốt mấy mươi năm, ông đã gắn bó với vô số các nghiên cứu xoay quanh chủ đề dòng chảy, và những nghiên cứu của ông còn có sức lan tỏa ra khắp các nơi trên thế giới với sự quan tâm đặc biệt. 

Cuốn sách Flow - Dòng chảy đã được xếp vào mục sách bán chạy quốc tế của năm do The New York Times bình chọn. 

Phần 1: Hạnh phúc được xem xét lại

Ở phần này, Mihaly Csikszentmihalyi giải thích thế nào là hạnh phúc, nguồn gốc của sự bất mãn, những nguyên nhân sâu xa dẫn đến những trạng thái vui buồn của con người và bước đầu mở ra cái nhìn tổng thể để đạt tới trạng thái trải nghiệm tối ưu. 

Để hiểu được cuốn sách, trước hết bạn phải hiểu thế nào là “Dòng chảy” và “trải nghiệm tối ưu”. Dòng chảy là trạng thái mà trong đó con người tham gia vào một hoạt động sâu sắc đến mức dường như chẳng còn điều gì khác là quan trọng nữa. Trải nghiệm đó thú vị đến nỗi, người ta sẽ quyết tâm thực hiện nó dù cho phải trả một cái giá rất đắt, chỉ bởi lợi ích tự thân mà việc đó mang lại. 

Trải nghiệm tối ưu là những trải nghiệm khi mà thay vì bị vùi dập tơi tả bởi những lực tác động ẩn danh, chúng ta lại cảm thấy tự kiểm soát được các hành động và làm chủ được chính bản thân mình. Trong những lần hiếm hoi mà trải nghiệm này diễn ra, chúng ta cảm nhận được một trạng thái hưng phấn, một cảm giác sâu sắc của sự thích thú, và trải nghiệm đó trở thành một bước ngoặt trong ký ức, thay đổi nhận thức của chúng ta về cuộc sống nên như thế nào. Trải nghiệm tối ưu không nhất thiết phải là những kỷ niệm vui, chúng ta có thể phải đánh đổi thứ gì đó để đạt được trải nghiệm này. 

Mở đầu cuốn sách, tác giả đặt ra câu hỏi tại sao khi mà xã hội ngày càng hiện đại, con người ngày càng được hưởng nhiều lợi ích từ khoa học công nghệ, nhưng con người vẫn luôn cảm thấy không hạnh phúc.

Bất chấp thực tế là ngày nay chúng ta khỏe mạnh và sống thọ hơn, bất chấp cả thực tế là những người ít giàu có nhất trong chúng ta cũng được bao bọc trong những tiện nghi vật chất xa xỉ mà ở một vài thập kỷ trước thậm chí chẳng thể mơ tới (cả cung điện của vua Louis XIV của nước Pháp chỉ có một vài cái nhà tắm, những chiếc ghế ngồi được coi là hàng hiếm ngay cả trong những nhà giàu có nhất thời Trung cổ và không một vị hoàng đế La Mã nào có thể bật tivi để giải trí khi ông ta buồn chán) và bất chấp tất cả những kiến thức khoa học kỳ diệu mà chúng ta có thể tập hợp để sử dụng theo ý muốn, thì mọi người vẫn thường xuyên cảm thấy cuộc đời họ đã bị lãng phí và thay vì cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, thì những năm tháng cuộc đời họ lại trôi qua trong sự lo lắng và chán chường.

Phải chăng vì định mệnh của nhân loại là phải luôn cảm thấy không toại nguyện, mỗi con người phải luôn thèm muốn nhiều hơn những gì họ có thể có được? Hay phải chăng nỗi phiền muộn lan tỏa thường xuất hiện ngay cả trong những khoảnh khắc quý giá nhất trong đời chúng ta là kết quả của việc tìm kiếm hạnh phúc sai chỗ? 

Phần 2: Giải phẫu học về ý thức

Đúng như tên gọi, phần hai phân tích cách não bộ xử lý thông tin từ môi trường xung quanh, và những gì nó có thể tiếp nhận và phản ứng hình thành nên ý thức. Mỗi người sẽ có một sức chịu đựng và tư duy riêng tùy vào thời điểm sống, môi trường xung quanh và những sự kiện xảy ra trong đời. 

Một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu đến ý thức và khiến con người cảm thấy không hạnh phúc chính là sự rối loạn tâm thần. Nó gây ra những trạng thái cảm xúc mà tùy vào trải nghiệm và trạng thái, chúng được đặt cho những cái tên khác nhau: nỗi đau, sự sợ hãi, phẫn nộ, lo âu, bồn chồn, hay đố kỵ. Những cảm xúc này tạo ra những ảnh hưởng không mong muốn, khiến chúng ta không còn được tự do kiểm soát tâm trí nữa. 

Tác giả lấy rất nhiều ví dụ minh họa cho các trạng thái, một trong số đó là ví dụ về entropy tâm thần mang tính thường xuyên của Jim Harris, một học sinh lớp mười một tài năng, là tình nguyện viên trong một cuộc khảo sát của tác giả. 

Một buổi trưa thứ Tư ở nhà một mình, cậu dừng bước trước gương trong căn phòng tắm từng dùng chung với cha mẹ. Trên chiếc hộp dưới chân cậu, băng nhạc của nhóm Grateful Dead đang được bật và nó gần như đã phát không ngừng nghỉ trong suốt tuần qua. Jim đang thử một trong những bộ trang phục yêu thích của cha mình, một chiếc áo sơ mi da cừu màu xanh lá cây sẫm mà cha cậu vẫn mặc bất cứ dịp nào cả hai cùng đi cắm trại. Đưa bàn tay lên mặt vải ấm áp, Jim nhớ lại cảm giác ấm cúng khi xích gần lại cha trong cái lều đầy khói, khi mà những chú chim lặn gavia cất tiếng kêu vang qua mặt hồ. Tay phải Jim đang cầm một cây kéo may cỡ lớn. Tay áo quá dài đối với cậu và cậu tự hỏi liệu mình có dám cắt ngắn chúng không. Hẳn là cha cậu sẽ giận dữ lắm… mà liệu ông có để ý không nhỉ? Vài giờ sau, Jim nằm trên giường của mình. Trên cái bàn đầu giường là một lọ aspirin giờ đã trống không, mặc dù không lâu trước đó vẫn còn tận bảy viên trong đấy. 

Cha mẹ của Jim đã ly thân một năm trước và giờ thì họ đang ly hôn. Trong suốt những ngày phải đến trường trong tuần, Jim sống với mẹ. Vào những chiều thứ Sáu, cậu gói ghém đồ đạc để đến sống trong một căn hộ mới của cha ở ngoại ô. Một trong những vấn đề của sự dàn xếp này chính là cậu không bao giờ có thể được ở cùng bạn bè: những ngày trong tuần họ đều bận rộn và vào cuối tuần thì Jim lại bị kẹt ở vùng ngoại ô mà cậu chẳng quen ai. Nhưng điều tồi tệ nhất mà Jim cảm thấy chính là cha mẹ cậu đang đấu đá nhau kịch liệt để có được tình cảm của cậu. Họ liên tục đưa ra những lời lẽ ác ý về nhau, cố gắng khiến Jim cảm thấy có lỗi khi cậu thể hiện bất kỳ tình yêu hay sự quan tâm nào với một trong hai người trước mặt người còn lại.[...] 

May mắn là buổi chiều hôm đó chị gái của Jim để ý thấy lọ thuốc aspirin trống không và đã gọi cho mẹ và rồi Jim được đưa vào bệnh viện, bao tử của cậu được súc rửa và vài ngày sau thì cậu đã có thể đứng lên được. Nhưng hàng ngàn đứa trẻ tầm tuổi cậu thì không được may mắn như thế. 

Phần 3: Sự thưởng thức và chất lượng cuộc sống

Chương ba bàn về những cách mà chúng ta có thể áp dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Có hai chiến lược chính được tác giả đưa ra ở đây: một là, cố gắng thay đổi các điều kiện bên ngoài sao cho chúng tương thích với mục tiêu của chúng ta, hai là, thay đổi cách chúng ta trải nghiệm các điều kiện bên ngoài. Dù là theo cách nào, thì việc hiểu và thực hiện cũng là điều không hề dễ dàng. 

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta là con mồi của những suy nghĩ và lo lắng xâm nhập không mong muốn vào ý thức. Bởi vì hầu hết các công việc và cuộc sống gia đình nói chúng đều thiếu những đòi hỏi cấp thiết của trải nghiệm dòng chảy, nên sự tập trung hiếm khi quá mãnh liệt đến nỗi những mối bận tâm và lo lắng có thể được tự động loại bỏ. Do đó, trạng thái tinh thần thông thường bao gồm các hồi ngẫu nhiên và thường xuyên của sự nhiễu entropy vào việc vận hành trơn tru của năng lượng tinh thần. 

Phần 4: Những điều kiện của trạng thái dòng chảy

Vậy để đạt được trạng thái dòng chảy, chúng ta cần những điều kiện gì? Trạng thái dòng chảy có thể đến một cách ngẫu nhiên, như khi ta chơi một trò chơi, khám phá một hang động dưới biển, hay tham gia vào một bộ môn thể thao mạo hiểm. Nghiên cứu chỉ ra rằng những trò chơi mang tính cạnh tranh cao, may rủi hoặc bất cứ một dạng thức trải nghiệm khám phá nào đều mang đến một cảm giác đầy sáng tạo và hưng phấn. Đó chính là lý do tại sao chúng ta lại yêu thích những trò chơi hơn là những việc làm hàng ngày lặp đi lặp lại.

Phần 5: Cơ thể trong dòng chảy

Bạn có biết hoạt động thể chất cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đạt được trải nghiệm tối ưu? Nếu bạn biết cách biến đổi một hoạt động thể chất để tạo ra dòng chảy, nó sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý. Ở chương này, tác giả liệt kê ra một loạt các hoạt động thể chất phổ biến có thể khiến con người thưởng thức và tạo ra sức mạnh thúc đẩy. Nó có thể là bất cứ thứ gì, từ thể dục thể thao, yoga, võ thuật, các bộ môn nghệ thuật như múa và âm nhạc, đến tình dục. 

Khi tôi nhìn thấy những tác phẩm gần gũi với trái tim mình, những tác phẩm mà tôi nghĩ thật sự rất đẹp, tôi đã có phản ứng kỳ lạ nhất: cảm giác không phải lúc nào cũng là hồ hởi, mà nó còn tựa như khi bị đánh vào bụng. Cảm thấy có một chút cồn cào, nhờn nhợn. Kiểu cảm xúc này hoàn toàn choáng ngợp, ở đó tôi buộc phải tự dò dẫm tìm cách thoát ra, trấn tĩnh lại và cố gắng tiếp cận nó một cách khoa học, chứ không phải với tất cả những cái ăng-ten mở ngõ và dễ tổn thương của mình…

Phần 6: Dòng chảy của suy nghĩ

Những điều tốt đẹp trong cuộc sống không chỉ đến từ thế giới bên ngoài, thông qua các giác quan, mà còn có thể được tạo ra trong tâm trí, thông qua những trải nghiệm mà chúng ta đã được trải qua trong quá khứ. Mihaly Csikszentmihalyi muốn độc giả hiểu hơn về các phương thức hoạt động tinh thần có thể tạo ra sự thưởng thức. Tuy nhiên, trạng thái bình thường của tâm trí là hỗn loạn, nên sẽ rất khó để đạt được một điều kiện tinh thần có trật tự.

Có thể bạn không để ý, nhưng chúng ta thường để cho các dòng suy nghĩ tự trôi nổi và không thường kiểm soát nó. Sau một giấc ngủ, chúng ta thức dậy vào buổi sáng và bắt đầu vào guồng quay học tập và làm việc. Những khi chúng ta bị bỏ lại một mình, thường là vào cuối ngày, sự rối loạn của tâm trí sẽ được bộc lộ, và dòng suy nghĩ sẽ thường dừng lại và để tâm vào một điều gì đó đau đớn hoặc muộn phiền. 

Phần 7: Làm việc như dòng chảy

Phần lớn mọi người đều cho rằng làm việc là một điều gì đó khó chịu. Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao mình lại không thích làm việc và động lực dành cho công việc thấp dù cho bạn vẫn có những trải nghiệm tích cực nhất định với công việc chưa? Điều này được gọi là nghịch lý việc làm. Mihaly Csikszentmihalyi đã thực hiện một nghiên cứu và thử nghiệm trên một trăm nam và nữ làm việc toàn thời gian trong nhiều ngành nghề khác nhau. Và câu trả lời đã sáng tỏ. Sau đó, ông cũng đưa ra một vài lời khuyên về việc tận dụng thời gian rảnh rỗi để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đương nhiên, nói thì dễ hơn làm, nhưng ít nhất hãy thử và tự rút ra phương pháp cho chính bản thân mình nhé!

Phần 8: Thưởng thức sự cô độc và mối quan hệ với người khác

Hầu hết mọi người đều không thích cô đơn, vì con người là loài sống theo tổ chức xã hội. Điều này dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và theo đó là hành động tiêu cực như sử dụng chất kích thích, thậm chí là những hành vi mang tính ám ảnh như dọn dẹp nhà cửa nhiều lần hoặc hành vi tình dục cưỡng ép. Khi không có việc gì để làm, tâm trí dễ suy nghĩ tiêu cực, trăm ngàn những nỗi lo về đời sống tình cảm, gia đình, sức khỏe và công việc sẽ đua nhau xuất hiện.

Ở chương này, tác giả đưa ra một vài gợi ý để tâm trí không có thời gian rảnh rỗi cho những điều tiêu cực. Điển hình nhất mà đa số mọi người đều có thể làm là “thuần hóa sự cô đơn” và tận dụng những mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Phần 9: Đánh lừa sự hỗn loạn

Dù cho bạn có kiểm soát cuộc sống của mình tốt như thế nào đi chăng nữa, vẫn sẽ có những điều không mong muốn xảy ra. Và điều không thể tránh khỏi, là những tâm trạng tiêu cực. Vậy làm thế nào để con người có thể đạt được sự hài hòa trong tâm trí và vẫn có thể phát triển ngay cả trong những điều kiện phức tạp và tồi tệ nhất xảy đến với họ?

Tuyên bố rằng bất kể điều gì xảy ra với một người, chỉ cần anh ta kiểm soát được ý thức thì anh ta vẫn sẽ hạnh phúc, là một tuyên bố lý tưởng hóa ngây thơ. Có những giới hạn nhất định trong việc mỗi người có thể chịu đựng nỗi đau, sự đói khát hay sự mất mát đến chừng nào. Và cũng khá đúng, như tiến sĩ Franz Alexander đã khẳng định rõ ràng, rằng: “Mặc cho sinh học và y học có phớt lờ khía cạnh tâm trí, thì thực tế rằng tâm trí điều khiển được cơ thể chính là sự thật cơ bản nhất mà chính ta biết về diễn trình của cuộc sống.”

Chương chín đề cập đến những cách để con người có thể thích nghi với những căng thẳng và tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Có kha khá những thứ mà bạn có thể thử để chuyển hóa những tình huống không mong muốn thành một hoạt động dòng chảy. Và đây cũng là nhiệm vụ cuối cùng mà lý thuyết dòng chảy đưa ra cho những ai mong muốn đạt được trải nghiệm tối ưu. 

Phần 10: Tạo ra ý nghĩa

Bạn được sinh ra để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Và việc tạo ra ý nghĩa là nhiệm vụ của chính bạn. Nếu chúng ta biết cách thưởng thức những thứ trong cuộc sống, từ công việc đến gia đình, tình bạn, thì mọi thứ ta nhận được sẽ nằm trong địa hạt mà ta đã vạch ra. Nói cách khác, hạnh phúc không phải là một mục tiêu, “nó phải được sản sinh ra như một tác dụng phụ không được dự tính trước từ sự phụng hiến cá nhân của một người cho một hành trình cao cả hơn chính bản thân người đó”.

Kết

Vì Flow - Dòng chảy là cuốn sách mà Mihaly Csikszentmihalyi phổ biến khái niệm này tới độc giả phổ thông lần đầu tiên (Dòng chảy trước đó chỉ được trao đổi trong giới học thuật), nên sẽ khó tránh khỏi những đoạn mang tính học thuật cao. Tuy nhiên, ông luôn luôn giải thích lý thuyết bằng những nghiên cứu thực tế, ví dụ cụ thể theo sau, nên người đọc vẫn sẽ nhanh chóng nắm bắt được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. 

Flow - Dòng chảy là cuốn sách rất phù hợp cho những ai đang muốn tìm hiểu về tâm lý học hiện đại, về hạnh phúc, và đặc biệt là hiểu bản thân mình hơn qua lăng kính phân tích của khoa học.

Review bởi: Trần Ngân

Hình ảnh: Trúc Phương

>> Bạn có thể tìm hiểu và mua Flow - Dòng chảy tại đây 


Gửi bình luận
(0) Bình luận