192 giờ - Tôi đã giành giật lại sự sống từ thảm kịch máy bay rơi ở Việt Nam

12/03/2019 15:10
192 giờ - Tôi đã giành giật lại sự sống từ thảm kịch máy bay rơi ở Việt Nam

Annett Herfkens đang đón chờ những ngày mai tươi đẹp. Thế nhưng, tai nạn máy bay năm 1992 tại Khánh Hoà đã khiến bà mất tất cả, và phải bắt đầu lại cuộc đời ở tuổi 31.

Đắm mình trong biển Nha Trang xanh ngắt. Vi vu lượn phố bằng xe máy. Thả mình trong kỳ nghỉ lãng mạn cùng hôn phu. Đó là những gì tôi mường tượng đang chờ đợi mình khi bước lên máy bay đi từ TP.HCM đến Nha Trang. Thế nhưng, những gì diễn ra chỉ chưa đầy một tiếng sau đó quá sức tàn khốc và hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi.

Mở mắt ra sau khi máy bay rơi, đập vào mắt tôi thấy là cái xác bất động của Willem, người bạn trai trong suốt 13 năm và lúc đó đã là chồng sắp cưới. Hoá ra, nỗi sợ không phải là khi máy bay đâm vào núi và rơi xuống. Nỗi sợ khủng khiếp nhất là khi tôi phải đối diện với sự thật: Tất cả mọi người đều đã chết, chỉ còn mình tôi sống sót và bị kẹt giữa rừng.

Người duy nhất sống sót

Đó là một ngày giữa tháng 11/1992, Willem và tôi dự định sẽ có một kỳ nghỉ lãng mạn ở một resort trên bãi biển Nha Trang xinh đẹp. Willem sắp xếp mọi thứ, tôi chỉ việc làm theo. Nhưng lúc nhìn thấy chiếc máy bay sẽ đưa chúng tôi đi từ TP.HCM đến Nha Trang, thực sự tôi không muốn bước lên chút nào. Tôi mắc hội chứng sợ bị giam giữ (claustrophobic) trong khi chiếc máy bay trông quá cũ và nhỏ.

50 phút sau khi cất cánh, chiếc máy bay đột ngột hạ độ cao. Mọi người bắt đầu la hét, còn Willem quay sang nhìn tôi đầy sợ hãi. Tôi cảm nhận được động cơ tăng tốc. Rồi sau đó chúng tôi đâm vào đỉnh núi. Chiếc máy bay mất một cánh, lộn nhào vài vòng và cuối cùng rơi xuống ngọn núi bên cạnh, lật ngửa, gãy thành ba mảnh: buồng lái, thân, và cánh còn lại.

Tất cả tối đen. Tôi ngất đi.

Trạng thái khi tỉnh dậy còn đáng sợ hơn nhiều so với lúc máy bay lộn nhào và rơi xuống. Những mường tượng về một kỳ nghỉ ngọt ngào tan biến. Xung quanh tôi lúc này chỉ là rừng rậm, xác máy bay và xác người.

Tôi mắc kẹt trong chiếc ghế, và bị một “người khác”, hay đúng hơn là xác người, đè lên. Bên trái tôi là Willem, đã chết.

Tôi quá sốc, và lại ngất đi một lần nữa.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình văng ra khỏi máy bay, nằm ở ngoài rừng. Người tôi đau ê ẩm. Chỗ nào cũng thấy đau. Những cành cây cào vào chân, côn trùng bu xung quanh vết thương đang chảy máu. Trong tay tôi là một đống tro tàn. Một vài người khác cũng thoát ra mé rừng như tôi, rên rỉ. Nhưng phần lớn hành khách đều vẫn kẹt trong thân máy bay.

Bên cạnh tôi lúc đó là một người đàn ông vẫn thoi thóp. Ông ấy nói được một chút tiếng Anh. Tôi tuyệt vọng cầu xin ông đừng chết, hãy ở lại với tôi. Nhưng rồi ông ấy nhắm mắt và ngừng thở lúc khoảng 10 giờ sáng. Không một tiếng động hay bất kỳ cử động nào đến từ 30 người khác trên chiếc máy bay.

Tôi là người sống sót duy nhất.

Mình không thể chết

Bản năng sinh tồn trỗi dậy. Dù sao, tôi vẫn phải sống. Và không còn cách nào khác ngoài chấp nhận sự thật, đối diện với nó và hành động.

Tôi có niềm tin mình không thể chết, mình có thể sống sót được. Trong 8 ngày bị kẹt ở rừng, tôi làm “điều đúng đắn” để sống sót: quan sát, tin tưởng và chấp nhận.

Tôi có một kế hoạch và hành động theo từng bước một. Đầu tiên là phải có nước. Tôi trữ nước từ nước mưa, uống nước mưa để cầm hơi. Rồi sau mỗi lần hoàn thành một việc gì đó, tôi lại tự khen mình. Trong hoàn cảnh đó, lạc quan và một chút hài hước là cần thiết.

Tôi có niềm tin mình không thể chết, mình có thể sống sót được. Trong 8 ngày bị kẹt ở rừng, tôi làm “điều đúng đắn” để sống sót: quan sát, tin tưởng và chấp nhận.

Tôi dành thời gian cảm nhận vẻ đẹp của cánh rừng thay vì cứ u mê trong đống xác chết kia. Thiền tông (Zen) đã giúp tôi rất nhiều không chỉ trong việc chịu đựng nỗi đau vết thương thể xác. Nói nôm na là dùng cái tâm để điều khiển mọi sự mọi vật xung quanh, rồi đến cảm xúc và con tim.

Tôi ý thức được rất rõ những điều xảy ra với mình, không cố chống trả mà chấp nhận nó. Đó là sự thật, có chối bỏ hay lẩn tránh cũng chẳng ích gì.

Tôi cố nghĩ thật thoáng và hành động theo trực giác. Khi tâm trí bị giới hạn, những gì trong đầu bạn sẽ chỉ có chiếc máy bay gãy cánh, người chết, vụ tai nạn hay nói cách khác là nỗi sợ.

Tôi nghiệm ra khi bạn mở lòng, bạn sẽ tìm thấy tìm thấy đức tin và bình yên.

Đòn tra tấn tinh thần đối với người thân

Mỗi lần hay tin những chuyến bay gặp nạn, tâm trí tôi lập tức hướng đến nạn nhân và gia đình họ. Lo lắng cho những hành khách trên chuyến bay đó là một phần, nhưng phần lớn sự cảm thông lại dành cho gia đình nạn nhân.

Sốt ruột, bất an, đứng ngồi không yên, không biết người thân của mình đang ở đâu, tình hình như thế nào là những gì tôi có thể hình dung và thấu cảm được, từ chính những gì gia đình tôi và gia đình hôn phu đã từng phải trải qua.

Gia đình tôi khi hay tin mỗi người phản ứng một kiểu. Mẹ tôi lúc nào cũng nuôi hy vọng, trong khi bố thì tham gia vào cuộc tìm kiếm dù ông biết khả năng tôi sống sót là rất, rất nhỏ. Chồng tôi sau này, khi đó còn là đồng nghiệp, thì không muốn tin tôi đã chết; anh ấy thậm chí bay đến Việt Nam để tìm tôi.

Những gì gia đình tôi phải trải qua, có khi còn tồi tệ hơn những gì mình phải chịu đựng. Bởi tôi biết rõ điều gì đã xảy ra với minh, trong khi cha mẹ và người thân tôi thì hoàn toàn không. Đó chẳng khác gì đòn tra tấn tinh thần với họ.

Vừa đón nhận tin tức về một thảm kịch hàng không khác ở Ethiopia, nếu có cơ hội, tôi thật sự chỉ biết khuyên người nhà nạn nhân rằng hãy cảm nhận nỗi đau bằng trái tim. Đừng tự mãi dằn vặt mình bằng những câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra?”, “Nếu như”, “Nếu không thì sao?”.

Cũng đừng cố trốn chạy khỏi sự thật là người thân của mình có thể gặp chuyện chẳng lành. Thay vì tự oán trách hay dằn vặt, thử liên hệ với gia đình nạn nhân khác xem sao. Hãy chia sẻ nỗi đau và mở lòng mình.

Khi được cứu thoát trở về, tôi nhận ra mình là nạn nhân nhưng cũng là thân nhân. Tôi được cứu sống nhưng lại mất người mình yêu và mất luôn cả tương lai phía trước. Tôi có một thời gian đau buồn trước khi bắt đầu lại cuộc đời ở tuổi 31.

Ngày ấy chưa có mạng xã hội như bây giờ, tôi phải xin số điện thoại của gia đình nạn nhân và liên lạc với họ. Tôi muốn cho thân nhân của những hành khách đi cùng chuyến bay biết chuyện gì đã xảy ra.

Góa phụ người Thụy Điển bật khóc khi nói chuyện với tôi; bởi bà dằn vặt mỗi đêm không ngủ được khi tưởng tượng ra nỗi đau chồng mình phải chịu đựng. Người cha của một hành khách người Anh cũng vậy; sau này tôi và ông trở thành bạn tốt của nhau.

Không bất hạnh nào là mãi mãi

Thật sự mọi thứ không quá tồi tệ. Tôi viết sách Turbulence: A Survival Story (192 Hours: Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh) kể về sự sống sót của mình trong 8 ngày sau khi rơi máy bay.

Tôi viết những dòng này cũng để cho mọi người thấy, thực ra không có gì là quá khủng khiếp như chúng ta đã hình dung.

Không có mất mát, bất hạnh hay nghịch cảnh nào là mãi mãi. Nó mãi ám ảnh cuộc đời mỗi người hay sẽ qua đi tùy thuộc ở chính chúng ta. Hãy mở lòng mình, đừng kháng cự cũng đừng tự trách mình kiểu dạng như “Điều đấy đã không nên xảy ra”, những việc như vậy tốn rất nhiều năng lượng. Đối diện với sự thật, nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống và chia sẻ nỗi đau với người khác đó là những điều tôi có thể khuyên.

Không có mất mát, bất hạnh hay nghịch cảnh nào là mãi mãi. Nó mãi ám ảnh cuộc đời mỗi người hay sẽ qua đi tùy thuộc ở chính chúng ta. Hãy mở lòng mình, đừng kháng cự.

Tai nạn hàng không có thể thảm khốc và làm chết nhiều người cùng một lúc nhưng di chuyển bằng máy bay vẫn là phương thức an toàn nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm 2017 không có hành khách nào thiệt mạng bởi tai nạn hàng không dân dụng. Trong một nghiên cứu của Đại học Northwestern University (Mỹ), trong 1 tỷ dặm di chuyển, đường bộ có 7,2 người thiệt mạng, trong khi hàng không là 0,07.

Biến cố chưa bao giờ buông tha bất kỳ ai và tôi chắc chắn cũng không ngoại lệ. Bạn cảm thấy sợ hãi vì lo lắng rằng điều tồi tệ nhất sẽ thành sự thật. Nhưng chỉ cần có niềm tin và hy vọng, hy vọng vào những thứ hiện hữu trước mắt, mở lòng và nghĩ thoáng ra thì mọi thứ sẽ ổn. Bình yên sẽ đến.

Tuy vậy, mỗi chúng ta không cần đến một biến cố kinh hoàng như một tai nạn máy bay để mới có thể thấu hiểu và thương yêu những người thân của mình hơn. Tình thương và sự tin yêu không cần biến cố hay tai nạn nào để hiện hình – chúng luôn ở đó, ở từng khoảnh khắc trong cuộc sống này.

 

Toi da gianh giat lai su song tu tham kich may bay roi o Viet Nam hinh anh 3

Annette Herfkens

Annette Herfkens, người Hà Lan, là nạn nhân duy nhất sống sót trong thảm kịch rơi máy bay tại núi Ô Kha (Khánh Hòa) ngày 14/11/1992. 22 năm sau, Herfkens xuất bản cuốn sách có tên Turbulence: A Survival Story (192 Hours: Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh - đã được dịch sang tiếng Việt) kể về chuyện bà được giải cứu cũng như quá trình tái dựng cuộc sống, gầy dựng sự nghiệp và tìm lại tình yêu sau tai nạn kinh hoàng. Năm 2014, bà trở lại Việt Nam để thăm lại hiện trường Ô Kha và những người đã cứu sống mình. Hiện Herfkens sống ở New York (Mỹ) và làm việc trong ngành ngân hàng.

 

Gửi bình luận
(0) Bình luận