- Khi tôi đau răng, cơn đau đó không phải là một khái niệm. Nó là một thực tại. Khi tôi đói, đó không phải là một khái niệm. Nhưng khoảnh khắc kế tiếp, tôi nói “Không, tôi không được” hay “Tôi phải”, “Điều đó thật xấu xa”, hay “Điều đó thật tốt đẹp”. Vậy là có sự phân chia giữa thực tại, cái đang là với cái khái niệm. Vậy là có sự phân chia. Đúng chứ?
Có khoảnh khắc sống thực và khoảnh khắc sống theo ý tưởng, khái niệm, không thực. Tại sao khoảng cách này tồn tại và liệu có thể sống mà không có khoảng cách này hay không, chỉ sống với cái đang là?
- Chỉ duy nhất ở trường hợp của niềm vui thú, ta mới không có khái niệm. Nhưng nếu nó gây ra đau khổ, ta muốn chui vào một khái niệm để lẩn trốn cái đang là.
Do đó, Thượng đế của bạn, niềm tin của bạn, lý tưởng, nguyên tắc của bạn, đều là một sự trốn tránh nỗi khốn khổ thường nhật, những sợ hãi, những âu lo hằng ngày.
Tôi thấy sự vô lý của việc trốn tránh nỗi sợ đó bằng cách chui vào một khái niệm, một niềm tin vào các đấng tôn sư, Thượng đế, kiếp sau, vào một cuộc đời hoàn hảo - bạn biết những việc như vậy rồi đấy.
Tại sao tôi không thể nhìn vào nỗi sợ hãi đó? Tại sao tôi phải có khái niệm làm gì? Và phải chăng khái niệm ngăn tôi nhìn vào nỗi sợ hãi đó? Đúng chứ, thưa quý vị? Vậy khái niệm là rào cản; chúng hành động như một rào cản ngăn bạn nhìn.
- Đơn giản thôi, cuộc sống của tôi quá tăm tối. Tôi sống trong một căn nhà tồi tàn, chật hẹp, với một người vợ nhỏ bé, xấu xí, tôi sống khốn khổ, âu lo và tôi muốn được thỏa mãn, tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn thấy trong một khoảnh khắc thoáng qua niềm hạnh phúc không thể diễn tả, và thế là tôi lẩn trốn vào một điều gì đó mà tôi có thể gọi là X. Đó là toàn bộ nguyên lý rồi, phải không?
Và tôi sống ở đó, trong một thế giới thuộc về tư tưởng, một thế giới mà tôi đã tưởng tượng, đã thừa kế, hay được nghe kể. Suy nghĩ và sống trong thế giới trừu tượng đó tạo cho tôi một niềm vui sướng to lớn. Đó là một sự lẩn trốn thực tại buồn chán của cuộc sống thường nhật.
- Bây giờ tôi tự nói với mình: “Tại sao tôi phải lẩn trốn như thế?”. Tại sao tôi không thể sống mà thấu hiểu nỗi buồn chán khủng khiếp đó chứ? Tại sao tôi lại hoang phí năng lượng sống vào việc lẩn trốn?...
Tôi phải xử lý cái đang là, và để xử lý cái đang là, tôi cần năng lượng. Cho nên, tôi sẽ không lẩn trốn nữa. Lẩn trốn là hoang phí năng lượng. Do đó, tôi sẽ hoàn toàn không làm gì với những niềm tin, những thần thánh, những khái niệm. Tôi sẽ không có bất kỳ khái niệm nào nữa…
“Đánh thức trí thông minh” - Một trong những tác phẩm toàn diện nhất về tư tưởng của Krishnamurti. Cuốn sách đem lại một định nghĩa đột phá của J. Krishnamurti về trí thông minh - thứ vượt lên trên mọi tư tưởng, khái niệm, mọi kiến thức, mọi cái biết của quá khứ…