Muốn giàu có hoặc là phải được sinh ra trong gia đình giàu có, hoặc là phải có những mối quan hệ lớn lao ư? Trên thực tế, sở hữu hai điều đó sẽ là một lợi thế, tuy nhiên, thế giới không thiếu những người làm giàu từ chính đôi bàn tay của mình.
John Davison Rockefeller được mệnh danh là "Vua dầu mỏ" thế giới, ông độc chiếm 90% thị trường dầu mỏ ở Hoa Kỳ, và cũng từng là người giàu thứ nhất ở Hoa Kỳ với khối tài sản đồ sộ. Ngay cả tới tháng 7/2009, khi trang web "Forbes" công bố danh sách "15 người giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ", ông vẫn đứng ở vị trí đầu tiên.
Nhưng cần biết một điều rằng Rockefeller vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khó, ông đến trường với bộ quần áo rách rưới, cuốn vở mà ông sử dụng cũng là do người hàng xóm cho. Ông chính là điển hình của cái gọi là "làm giàu từ hai bàn tay trắng". Công việc đầu tiên của ông cũng chỉ là một nhân viên ghi chép tài liệu kế toán với mức lương hàng tuần chỉ 5 đô la.
Rockefeller bước chân vào đời khi mới chỉ 16 tuổi, vì nhà nghèo nên ông luôn ôm trong mình giấc mơ làm giàu mỗi ngày. Có câu chuyện rằng một đêm nọ, ông thấy trên báo đăng tin rao bán cuốn sách bí quyết thành công, tràn đầy hi vọng, ngày hôm sau, ông vội vã đến hiệu sách để mua một cuốn, tuy nhiên khi mở ra lại chỉ thấy bên trong sách in hai chữ "tiết kiệm", ông tức giận, nhưng cảm thấy thất vọng nhiều hơn.
Sau khi trở về nhà, Rockefeller đã thức cả đêm, ông nghĩ đi nghĩ lại xem "bí mật" của "cuốn sách" này nằm ở đâu? Dần dần, ông nhận ra được rằng, để làm giàu, không có cách nào khác ngoài TIẾT KIỆM.
Cứ như vậy, ông bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn và cố gắng tìm cách tăng thu nhập của mình. Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, ông đã tiết kiệm được 800 đô la Mỹ. Ông cũng vay thêm 1.000 đô la Mỹ từ cha mình với lãi suất hàng năm là 10% và hợp tác thành lập một công ty ngũ cốc và các loại thịt.
Chăm chỉ và tiết kiệm trở thành tôn chỉ của Rockefeller. Ông thành lập Standard Oil vào năm 1870. Sau 12 năm phát triển, ở tuổi 43, ông cuối cùng đã trở thành một trong số ít người giàu nhất nước Mỹ, với tài sản ròng hàng tỷ USD.
Rất nhiều người muốn khởi nghiệp nhưng lại bị thiếu vốn, họ cho rằng tỷ phú tự thân chỉ là một trò lừa bịp, hoặc cho rằng không có các mối quan hệ hay quý nhân cũng sẽ chẳng thể nào nên được nghiệp lớn. Thực ra, vận may sẽ chỉ tới với một số ít người, những người bình thường như chúng ta, không học cách tiết kiệm, sẽ khó mà có tương lai.
Chăm chỉ, tiết kiệm không chỉ là cơ sở để khởi nghiệp và tích lũy của cải mà còn là bí quyết giữ của cải suốt đời. Khi Nhậm Chính Phi thành lập Huawei, ông đang mắc một khoản nợ 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 6 tỷ đồng), thứ giúp ông có được sự nghiệp ngày hôm nay không gì khác ngoài sự chăm chỉ và tiết kiệm.
Kinh thánh "Talmud" – cuốn sách gối đầu giường của người dân Do Thái nói rằng: Đừng nghĩ đến việc ngay lập tức tạo ra được biển, hãy bắt đầu với một dòng sông nhỏ.
Các gia đình Do Thái dạy con cách quản lý tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ. Sau khi sở hữu một số tiền nhất định, anh ta sẽ tiến hành quản lý tài chính, nhắm tới mục tiêu để từng đồng đô la làm việc cho mình.
Có 4 bí quyết có thể học hỏi được từ những người Do Thái:
1. Tiết kiệm 10% số tiền lương mỗi tháng.
2. Kiểm soát mong muốn tiêu tiền, trong mọi trường hợp, không được động tới khoản tiết kiệm 10%.
3. Bí quyết kiếm tiền là phải biết cách để tiền sinh ra tiền.
4. Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, lập kế hoạch cho thu nhập trong tương lai và trau dồi khả năng kiếm nhiều tiền.
Thành công không phải chuyện một sớm một chiều, sẽ luôn có những bước lùi và khó khăn, và chỉ những người kiên trì tới cùng mới xứng đáng với thành công.