Vấn đề là khi quá gắn bó với những niềm tin ấy, chúng ta dễ rơi vào trạng thái phòng thủ. Mỗi khi ai đó đưa ra ý kiến trái chiều, bản năng của cái tôi sẽ lên tiếng: bác bỏ, phủ nhận, hoặc đơn giản là không muốn nghe. Dần dần, ta đóng lại cánh cửa học hỏi, ngay cả khi thế giới ngoài kia không ngừng chuyển động.
Trong cuốn sách "Dám nghĩ lại" (Think Again), tác giả Adam Grant đã đặt ra một câu hỏi rất đáng suy ngẫm: Thay vì tự hỏi “Tôi tin vào điều gì?”, tại sao không hỏi “Điều gì thật sự quan trọng với tôi?”
Bởi vì niềm tin có thể thay đổi, nhưng giá trị sống thì bền vững hơn nhiều. Khi bạn xác định bản thân qua những giá trị như sự tử tế, tinh thần cầu tiến, lòng chính trực hay sự công bằng, bạn sẽ không bị bó buộc vào kết quả đúng hoặc sai. Mà ngược lại, bạn sẽ linh hoạt, cởi mở hơn với góc nhìn mới và luôn sẵn sàng cập nhật bản thân để sống đúng với điều mình trân quý.
Như một bác sĩ xem mình là người bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì sẽ không ngừng học hỏi để làm tốt hơn. Hay một giáo viên coi mình là người đồng hành cùng học sinh thì sẽ luôn tìm cách đổi mới. Vì vậy, nếu bạn định nghĩa mình qua giá trị thay vì quan điểm, bạn sẽ có khả năng cập nhật và phát triển không ngừng, mà không sợ rằng mình sẽ mất đi bản sắc hay trở thành ai đó khác.
Hãy cho bản thân cơ hội để nghĩ lại – không phải vì bạn sai, mà vì bạn đang lớn lên mỗi ngày.
Nếu bạn từng thấy mình “mắc kẹt” trong chính những điều mình tin, hoặc đơn giản là muốn trở thành phiên bản linh hoạt, tỉnh thức hơn của chính mình – “Dám nghĩ lại” là cuốn sách bạn nên đọc một lần trong đời.