Trong một buổi thực nghiệm, các nhà tâm lý học đã đếm số câu trả lời được sửa lại dựa trên vết tẩy trong bài kiểm tra của hơn 1.500 sinh viên ở bang Illinois (Hoa Kỳ). Chỉ một phần tư số đáp án thay đổi là từ đúng sang sai, trong khi một nửa số lựa chọn thay đổi là từ sai sang đúng. Bản thân tôi cũng chứng kiến điều này trong suốt những năm đi dạy: các bài kiểm tra cuối kỳ của sinh viên trong lớp tôi rất ít vết tẩy xóa để sửa đáp án, nhưng những sinh viên xem xét lại câu trả lời thay vì giữ nguyên lựa chọn ban đầu rốt cuộc lại đạt điểm cao hơn.
Tất nhiên, có thể câu trả lời sau chưa chắc chính xác hơn câu trả lời đầu, nó chỉ chính xác hơn bởi vì sinh viên rất ngại sửa đổi, nên một khi quyết định thay đổi câu trả lời thì thường là vì họ đã chắc chắn. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa ra một cách lý giải khác: mấu chốt cải thiện điểm số không nằm ở việc thay đổi câu trả lời mà nằm ở việc bạn cân nhắc liệu mình có nên xem lại và thay đổi suy nghĩ không.
Chúng ta không chỉ lưỡng lự trong việc xem lại bài làm của mình. Chỉ riêng ý tưởng phải suy nghĩ lại đã khiến chúng ta ngại ngần. Trong một thực nghiệm khác, hàng trăm sinh viên đại học được chọn tham gia ngẫu nhiên để tìm hiểu về ảo tưởng trực giác ban đầu. Trước tiên, một diễn giả truyền đạt cho họ giá trị của việc thay đổi suy nghĩ và đưa ra lời khuyên trong trường hợp nào thì làm như vậy là hợp lý. Nhưng trong hai bài kiểm tra mà họ làm sau đó, phần lớn các sinh viên vẫn không cân nhắc lại câu trả lời của mình.
Một phần lý do nằm ở sự lười biếng trong tư duy. Một số nhà tâm lý học chỉ ra rằng con người là những “kẻ hà tiện” tư duy: chúng ta thường chọn sự nhàn hạ của việc giữ nguyên những nhận thức cũ thay vì vật lộn với những cái mới. Tuy nhiên, còn có những lý do mạnh mẽ hơn tiềm ẩn sau sự kháng cự của chúng ta với việc suy nghĩ lại. Việc chất vấn lại bản thân khiến chúng ta cảm thấy thế giới trở nên bất định. Nó đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều điều chúng ta vẫn tin là đúng có thể đã thay đổi, rằng những gì từng đúng trước đây giờ có thể đã trở thành sai. Việc cân nhắc lại những điều mình tin tưởng sâu sắc có thể đe dọa căn tính của chúng ta, như thể ta có thể đánh mất một phần con người mình.Tái tư duy không phải luôn là một trận chiến với mọi khía cạnh của cuộc sống. Nói đến của cải, chúng ta luôn sẵn lòng cập nhật cái mới với tất cả sự hồ hởi. Chúng ta hào hứng làm mới cả tủ quần áo khi chúng không còn hợp mốt và hăng hái tân trang toàn bộ đồ nhà bếp khi thấy chúng lỗi thời. Nhưng với những vấn đề liên quan đến hiểu biết, quan điểm hay suy nghĩ, chúng ta khư khư giữ lấy lập trường của mình. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là mắc kẹt và đóng băng.
Chúng ta ưa thích sự thoải mái của niềm tin chắc chắn hơn sự khó chịu của hoài nghi, và chúng ta để mặc những niềm tin của mình trở nên già cỗi. Chúng ta chế nhạo những người hiện vẫn dùng Windows 95, trong khi chính ta vẫn trung thành với những quan điểm được định hình cùng năm hệ điều hành đó ra đời. Chúng ta chọn nghe những quan điểm mình muốn nghe, thay vì những ý tưởng bắt chúng ta phải động não.
Có thể nói đây là một hiện tượng tâm lý khá phổ biến và nó là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của một cá nhân. Nếu đây là vấn đề bạn đang gặp phải, thì cuốn sách "Dám nghĩ lại" của tác giả Adam Grant sẽ giúp bạn tìm ra phương pháp để khắc phục vấn đề trên và nhận ra tái tư duy sẽ là một kỹ năng sống vô cùng cần thiết trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.