Địa ngục hóa ra là một cái hố hình nón rộng lớn, được chia thành những bậc tròn. Mỗi bậc hình tròn ở phía dưới đều nhỏ hơn một chút và bẩn hơn rất nhiều so với bậc ở trên nó. Dante còn nhìn thấy những linh hồn tội lỗi đang phải chịu nhiều hình phạt khủng khiếp khác nhau. Và tiếng ồn! Dante khó mà chịu đựng được một tổ hợp âm thanh của “những tiếng thở dài, những lời oán trách, rên rỉ, khắc khoải bi thương”, đập vào hai màng nhĩ phàm trần mỏng manh của anh.
Sống trong địa ngục
Tôi không tin rằng thật sự có một nơi mà ở đó những điều đáng sợ xảy đến với những người chết. Nhưng tôi tin vào địa ngục. Bởi vì tôi đã ở đó. Theo cách nhìn nhận của tôi, địa ngục là tình trạng đau khổ – cụ thể là bất cứ tình trạng đau khổ nào khiến người ta cảm thấy không thể thoát ra được. Tôi đã phân biệt rõ hai từ đau và đau khổ: cảm giác đau đến từ các sự kiện, còn sự đau khổ đến từ cách mà chúng ta ứng phó với các sự kiện ấy – chúng ta làm gì và đặc biệt là chúng ta nghĩ gì trước một sự việc xảy ra. Như triết gia Epictetus từng viết vào thế kỷ thứ hai: “Điều khiến mọi người buồn bực không phải là những gì xảy ra với họ, mà là suy nghĩ của họ về những gì đã xảy ra”.
Ví dụ, nếu bạn đấm tôi một phát vào đầu vì bạn đang định cụng tay và bị trượt, cú đấm ấy có thể làm tôi đau. Cơn đau này sẽ không gây ra tình trạng đau khổ không thể thoát ra được – trừ khi suy nghĩ của tôi tác động vào nó. Tùy vào chiều hướng phản ứng của bản thân, tôi có thể dành nhiều năm để tức tối về cú đấm ấy và nghĩ: “Bạn cố tình làm tôi đau!”, hay “Tôi nhất định phải trả thù!”. Tôi có thể ở trong trạng thái cay cú bất tận ấy suốt những ngày còn lại của đời mình.
Tôi đang phóng đại một chút để bạn hiểu ý tôi, nhưng tôi đã gặp hàng chục thân chủ sống trong địa ngục – tức sự đau khổ triền miên – chính vì những suy nghĩ gần như ngớ ngẩn như vậy.
Ví dụ, Helen, một triệu phú sáu mươi tuổi, đã dành cả quãng đời trưởng thành của mình để bận tâm về việc ông của bà, người đã mất khi bà lên năm tuổi, để lại toàn bộ tài sản của mình cho quỹ từ thiện thay vì cho cha mẹ của bà, những người vốn đã giàu có. Ý nghĩ “Người đó đã lấy đi những thứ thuộc về chúng tôi”, và sự oán giận phát sinh từ nó, đã quấy nhiễu Helen mỗi ngày.
Còn Louis, đến gặp tôi trong tâm trạng bức bối khi em trai anh ấy cưới một phụ nữ xinh đẹp hơn nhiều so với vợ của anh. “Nó đang sỉ nhục tôi”, Louis tức giận nói. “Nó làm vậy chỉ để khiến tôi trông như một kẻ thất bại.” Sự cạnh tranh trong tâm tưởng của Louis với người em trai của mình suýt chút nữa đã hủy hoại cuộc hôn nhân của anh.
Trong khi đó Rhoda, một người bạn thân của cô ấy vừa sinh em bé và không rủ cô ấy đi ăn trưa nữa. Rhoda trở nên tuyệt vọng, nhớ lại mọi khoảnh khắc bị từ chối và cô đơn mà cô từng trải qua trong đời, và suy nghĩ tới lui rằng: “Mình lại bị bỏ rơi trong thế giới lạnh lẽo”.
Nếu ngay bây giờ, bạn đang ở một nơi mà bạn cảm thấy tương đối dễ chịu, không bị tấn công về mặt thể xác, có nghĩa là phần lớn nỗi đau khổ mà bạn cảm thấy đều đến từ suy nghĩ của bạn. Và nếu bạn hiểu được rằng sự đau khổ có thể bắt nguồn từ suy nghĩ của bạn, bạn đã sẵn sàng tiếp nhận một khái niệm mới. Đó là những ý nghĩ của bạn, kể cả những ý nghĩ mà bạn tuyệt đối tin tưởng, có thể không phải lúc nào cũng là sự thật.
![]() |
Lời nói dối mà chúng ta tin tưởng
Keith, vị thân chủ đã gọi điện thoại cho tôi từ một bữa tiệc để nói rằng 200 triệu đô-la mà anh ấy vừa kiếm được vẫn không đủ. Keith sống từng phút với ý nghĩ “Có nhiều tiền hơn sẽ khiến tôi hạnh phúc hơn”. Niềm tin này của anh đã không được thực tế chứng minh là đúng. Ký ức hạnh phúc nhất của Keith là về một chuyến đi thời niên thiếu với ba-lô khoác trên vai, khi anh hầu như không có tiền bạc hay của cải gì. Trong những năm sau này, mặc dù đã trở nên giàu có, anh cũng chẳng bao giờ có thể lấy lại được trạng thái hân hoan vô tư lự ấy nữa.
Tôi đã nhận được phản hồi tương tự từ Helen khi lần đầu tiên tôi hỏi rằng liệu ý nghĩ ám ảnh của bà, “Người đó đã lấy đi những thứ lẽ ra thuộc về chúng tôi”, có đúng sự thật không. Còn Louis, tôi nghĩ anh ấy thậm chí còn không nghe thấy khi tôi nói: “Anh có chắc là em trai anh kết hôn chỉ để sỉ nhục anh không? Liệu có thể có một nguyên nhân nào khác không?”.
Đây là những trường hợp cực đoan, nhưng tất cả những người tôi khai vấn đều có một địa ngục bên trong chứa đầy những ý nghĩ dằn vặt như thế. Trên thực tế, nhiều người có những ý nghĩ giống nhau – những ý nghĩ mà văn hóa của chúng ta yêu thích. Ví dụ, câu nói “kinh điển” của Keith “Tôi không có đủ tiền”. Những câu nói khác được nhiều người yêu thích là: “Tôi không đủ tốt”, “Chẳng ai yêu tôi”, “Tôi không xứng đáng được hạnh phúc”, “Bạn không thể cứ muốn là được”, “Tôi phải làm công việc mà tôi ghét”… Và còn rất nhiều câu tương tự nữa.
Nhiều thân chủ của tôi, do đã tiếp cận với tâm lý học đại chúng, tin rằng những ý nghĩ “tích cực” khiến chúng ta hạnh phúc, và những ý nghĩ tiêu cực khiến chúng ta bất hạnh. Nhưng một mệnh đề tích cực có thể giết chết tâm hồn nếu bạn biết nó không đúng sự thật, trong khi một ý nghĩ tưởng chừng “tiêu cực” lại có thể giải phóng bạn, giúp bạn trải nghiệm niềm vui.
Chẳng hạn, một số người, mặc dù đã trải qua mối quan hệ tồi tệ, phải chịu đựng tình trạng bạo hành, sự không chung thủy và đủ kiểu đối xử tàn nhẫn, vẫn quả quyết rằng “Tôi có thể khiến mối quan hệ này trở nên tốt đẹp”. Nhưng mặc cho tất cả những “suy nghĩ tích cực” này, họ vẫn không hết phiền muộn, vẫn cảm thấy vô cùng đau khổ. Tôi đã nhìn thấy nét mặt của những người này bỗng nhiên sáng rỡ khi họ cho phép bản thân nghĩ những điều “tiêu cực” như “Cuộc hôn nhân này vốn chưa bao giờ ổn”, hoặc “Tôi nghĩ người bạn đời của tôi đang che giấu một vài bí mật với tôi”.
Vậy nên, không phải tính tích cực hay tiêu cực của một ý nghĩ khiến chúng ta vui hay buồn. Biến số gây tác động ở đây là liệu rằng ý nghĩ đó có tương thích với điều chúng ta cảm nhận sâu sắc là sự thật hay không. Bị chia tách khỏi chính mình là địa ngục. Khôi phục trạng thái chính trực là cách để chúng ta thoát khỏi nó.
Ở đây, tôi phải nhắc lại rằng việc không ở trong trạng thái chính trực không phải là một dấu hiệu cho thấy bạn là người xấu – chỉ là bạn đã tiếp nhận những giả định sai lầm, thường là trong khi cố gắng trở thành người tốt. Những người đạo đức nhất, hướng thiện nhất thường có những vùng địa ngục lớn nhất, chứa những con quỷ đáng sợ nhất.
Ví dụ, khi nhà văn người Anh C. S. Lewis – một con người hiền lành, nhút nhát – lần đầu quan sát tâm trí của chính mình, ông viết: “Ở đó, tôi tìm thấy điều khiến tôi bàng hoàng: một sở thú chứa đầy dục vọng; một bệnh viện tâm thần chứa đầy tham vọng; một nhà trẻ chứa đầy nỗi sợ hãi; một hậu cung chứa đầy những sân hận si mê. Tôi là vô số quỷ dữ ”. Lewis rơi xuống địa ngục không phải vì ông là một người tồi tệ; ông chỉ vô tình tạo ra quá nhiều sự đau khổ bị dồn nén mà thôi.