Việc nhận ra mình đang đi sai đường – sống một cuộc sống mà chúng ta cảm thấy không đúng với bản thân mình - xảy đến với hầu hết chúng ta ở một thời điểm nào đó trong đời. Một vài năm sau khi bước vào một công việc, một mối quan hệ hay một hoàn cảnh sống, chúng ta chợt nhận ra mọi thứ dường như... đều đang chệch hướng.
Cũng như Dante, chúng ta khá lờ mờ, không biết chính xác mình sai từ đâu hay làm thế nào chúng ta lai đi sai hướng. Nhưng trong một khoảnh khắc trống trải khi chúng ta cuối cùng cũng đưa được lũ trẻ tới trường hay khi chúng ta ngước nhìn lên sau một ngày làm việc và nhân ta mọi người đã về nhà, hay sau một cuộc cãi và dữ dội với người mà chúng ta nghĩ sẽ yêu trọn đời, chúng ta đăm đăm nhìn vào khoảng không và nghĩ: “Mình đang làm gì vậy? Đây là đâu? Làm sao mình lại ở đây? Đáng lẽ mọi chuyện không thành ra thế này!".
[...] Lý do thông thường nhất khiến chúng ta rơi vào cảm giác này là do chúng ta làm những việc "được cho là phải làm". Chúng ta học từ văn hóa của mình rằng một người tốt thì phải cư xử thế nào và chúng ta cư xử thế ấy. Rồi sau đó, chúng ta kỳ vọng những phần thưởng được hứa hẹn như hạnh phúc, sức khỏe, sự giàu có, tình yêu đích thực, sự kính trọng đối với bản thân. Nhưng đây là một phương trình không thể cân bằng. Kể cả sau khi làm tất cả mọi điều bản thân có thể làm để trở nên tốt đẹp, chúng ta lại không cảm thấy tốt đẹp. Trong tâm trạng hoang mang, chúng ta đoán rằng mình sống chưa đủ tốt hoặc không đúng cách. Nhưng càng cật lực tìm kiếm con đường đi đến hạnh phúc, chúng ta lại càng cảm thấy hạnh phúc xa vời.
[...] Có lẽ bạn cũng đã đôi lần rời xa con đường đúng đắn của mình. Đầu tiên, cảm giác khổ do điều đó gây ra có thể quá nhẹ nhàng đến nỗi thậm chí bạn không nhận thấy. Nhưng không ai có thể “mộng du” khỏi con đường chính trực mãi mãi, bởi mọi thứ sẽ càng lúc càng tồi tệ hơn khi chúng ta đi sai hướng. Cuối cùng, nếu không điều chỉnh phương hướng, chúng ta sẽ bắt đầu bộc lộ những cụm triệu chứng đặc thù. Bạn có thể đã có những triệu chứng này trong quá khứ, hoặc đang có chúng trong hiện tại.
Tôi gọi bất cứ một cụm triệu chứng nào như thế là “hội chứng khu rừng tối lầm lạc". Tôi muốn nhắc lại rằng đây không phải là một điều xấu. Đây là cách mà bản năng thúc đẩy chúng ta khôi phục trạng thái chính trực, toàn vẹn của mình. Đây là cách mà sự thật xuất hiện để giải phóng chúng ta. Đây không phải là điều gì đáng để ăn mừng...
Lý do thông thường nhất mà mọi người hay đưa ra khi tìm đến tôi để được khai vấn là họ tuyệt vọng vì không có ý niệm gì về mục đích sống. Hầu như không ai thật sự muốn chết, nhưng nhiều người nói với tôi rằng họ thấy chẳng có mấy lý do để sống.[...] Trong văn hóa phương Tây hiện đại, phần lớn chúng ta tin rằng chúng ta có thể tìm thấy mục đích sống bằng việc đạt được điều gì đó. Điều gì đó chính xác là gì? Nó phụ thuộc vào cách mà những người xung quanh chúng ta định nghĩa “giá trị".
[...] Một số người lại nghĩ lẽ sống có nghĩa là có một văn phòng ở góc phố. Những người khác thì nỗ lực để trở thành ngôi sao điện ánh, hoặc cứu những khu rừng nhiệt đới, hoặc tạo ra các video thu hút hàng triệu lượt xem về những con chuột lang của họ.
Thật ra, bất cứ hoài bão nào kể trên đều có thể phù hợp với mục đích sống chân thật của bạn.Trong trường hợp đó, bạn sẽ cảm thấy một sự thôi thúc mạnh mẽ ở bên trong để đi theo con đường cụ thể đó. Bạn sẽ thấy mỗi bước đi trên con đường này đều hấp dẫn và thỏa nguyện và kết quả là bạn sẽ trở nên giỏi việc đó.
Nhưng nếu bạn theo đuổi bất cứ một chiều hướng hành động nào chỉ bởi vì người khác nghĩ rằng nó “là lẽ sống”, thì bạn hãy chuẩn bị để va phải một màn sương dày đặc. Bạn sẽ gặp phải những thất bại cản trở bạn trên đường đi. Bạn sẽ không thể hòa hợp với mọi người. Bạn sẽ không thể tập trung hết năng lượng để leo lên những nấc thang đưa bạn đến thành công – hay thậm chí, chỉ để gội đầu.
Có thể bạn đang nghĩ: “Hừm, tất nhiên là tôi cảm thấy rất tệ – tôi chẳng bao giờ đạt được điều mình muốn cả!".
Nếu vậy, tôi ước bạn có thể gặp những người mà tôi biết đã đạt tới đỉnh cao của những thành tựu được xã hội chúng ta xem là lý tưởng, để rồi nhận ra, như một nữ thân chủ từng nói với tôi: “Không hề có một nơi gọi là nơi đó. Tôi tưởng rằng có một vị trí trong thế giới này sẽ khiến tôi hạnh phúc, nhưng tôi đã đạt đến vị trí đó và chẳng tìm thấy bất cứ điều gì khiến tôi hạnh phúc. Mọi thứ đều dường như vô nghĩa".
“Thế là tôi đã đạt được huy chương vàng Olympic", một thân chủ kể với tôi. “Và khi tôi bước xuống từ bục trao giải, điều duy nhất tôi có thể nghĩ là: 'Mình làm cái quái gì bây giờ?". Cảm giác đó thật kinh khủng và đáng sợ. Nó giống như cái chết vậy – cảm giác tồi tệ nhất mà tôi từng có." Một tác giả chăm viết sách nói: "Sau khi dành cả đời để phấn đấu, cuối cùng tôi cũng có một quyển sách được bình chọn là quyển sách bán chạy nhất của tờ The New York Times. Nó làm tôi thật sự hạnh phúc trong khoảng... mười phút".
Cảm giác thiếu mục đích sống của chúng ta không biến mất khi chúng ta đạt được những thành tựu theo định nghĩa của văn hóa. Nó vẫn ở đó như một sức mạnh dai dẳng, thúc giục, như một con muỗi cứ không ngừng vo ve quanh đâu chúng ta cho đến khi nào chúng ta bắt đầu theo đuổi những mục tiêu mang lại sự thỏa mãn thật sự nói cách khác là đi theo con đường chính trực. Và nếu tiếng vo ve và cảm giác châm chích khó chịu của việc không có mục đích sống vẫn chưa đủ để lay chúng ta tỉnh dậy khỏi cơn mộng, phần tiềm thức trong tâm trí chúng ta sẽ gia tăng mức cảnh báo. Nó sẽ triệu hồi những con thú to lớn, những dã thú tinh thần mà chúng ta gọi là tâm trạng.
Như thể việc bị lạc lối là chưa đủ tệ, những con thú hoang dã ăn thịt còn tấn công Dante trong khu rừng tối lầm lạc. Đầu tiên là một con báo đốm tham tàn với cơn thèm khát không bao giờ thỏa mãn. Kế đó là một con sư tử, đáng sợ đến nỗi Dante nói: “Dường như đến cả không khí cũng run sợ trước nó". Rồi anh nhìn thấy một con sói, nó khiến anh trở nên buồn bã đến độ “mọi suy nghĩ của anh đều đẫm nước mắt và anh cảm thấy suy sụp". Thèm khát, hoảng sợ, u uẩn. Chào mừng bạn đến với một vài trạng thái cảm xúc có thể vỏ lấy bạn khi bạn đi lang thang qua khu rừng tối lầm lạc.
Khi tôi đi chệch hướng khỏi con đường chính trực của mình, những con quái-vật-tâm-trạng sẽ chồm lên gần như ngay lập tức. Chỉ một bước xa rời lẽ thật của mình, tôi đã cảm thấy bức bối, lo âu và phiền muộn. Nếu tôi không điều hướng trở lại, những cảm xúc này sẽ nhanh chóng leo thang thành sự bám víu, kinh hãi và tuyệt vọng. [...]
Bất cứ khi nào bạn đánh mất tính chính trực của mình, bạn sẽ cảm thấy một số kiểu tâm trạng tồi tệ đặc thù của riêng bạn, tùy thuộc vào tính cách của bạn. Bạn có thể giống như tôi – có chiều hướng trở nên lo âu và trầm cảm. Hoặc bạn có thể cảm thấy thù hằn một cách vô tội vạ, ngứa ngáy chân tay và chỉ muốn đá thúng đụng nia với tất cả mọi người ở văn phòng, trong gia đình hay tại nơi bạn sinh sống…
Bất kể cảm xúc tiêu cực lặp đi lặp lại hay dai dẳng của bạn là gì, bạn hãy thử nghĩ chúng là những dã thú của Dante, có nhiệm vụ làm cho cuộc đời bạn trở nên quá sức chịu đựng khi bạn lạc khỏi con đường chính trực của mình. Nếu những cảm xúc này không biến mất ngay cả khi bạn đang dùng thuốc và thường xuyên gặp nhà trị liệu tâm lý, bạn có thể khá chắc chắn rằng mình đang không ở trong trạng thái chính trực theo một cách nào đó. Bạn cần nhận thức được điều này càng sớm càng tốt, bởi việc ở lại trong khu rừng tối lảm lạc cuối cùng có thể thật sự gây nguy hiểm cho bạn vẻ mặt thể chất.
Tôi tin mình đã ốm lay lắt từ khi tôi mười tám tuổi cho đến tận những năm ba mươi tuổi bởi vì cơ thể tôi đang cố gắng giúp tôi tìm cách thoát khỏi khu rừng tối lảm lạc. Đến khi tôi thoát ra được, các triệu chứng của tôi mới thuyên giảm. Không có bất kỳ cách nào khác mang lại hiệu quả.
Rõ ràng là sức khỏe kém cũng có thể ảnh hưởng tới những người sống trong sự chính trực hoàn toàn... Những nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra tất cả những mối liên hệ giữa việc sống hòa hợp với sự thật và duy trì sức khỏe tốt. Có cả một lĩnh vực y học, được gọi là psychoneuroimmunology (tạm dịch: tâm lý thần kinh miễn dịch học), tập trung nghiên cứu về cách mà sự căng thẳng tâm lý góp phần gây ra bệnh tật.
Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa việc nói dối hay che giấu bí mật với tình trạng tăng nhịp tim, huyết áp, các nội tiết tố gây căng thẳng, cholesterol xấu cũng như đường huyết, và suy giảm phản ứng miễn dịch. Hành vi lừa dối của chúng ta càng nghiêm trọng bao nhiêu, tác hại của nó lên sức khỏe của chúng ta càng nhiều bấy nhiêu.
[...] Tôi muốn nhắc lại rằng cũng có đủ loại bệnh tật về thể chất ảnh hưởng đến cả những người đang sống trong sự chính trực hoàn toàn. Mọi người đều chết, và có đầy những cơn đau thể chất chẳng liên quan gì đến việc che giấu bí mật, nói dối hay đi lạc khỏi con đường chính trực của mình. Tuy vậy, mỗi khi phải đưa ra lựa chọn hoặc có những biểu hiện bên ngoài không thống nhất với sự chính trực của mình, chúng ta thật sự có nguy cơ gặp phải các vấn đề về thể chất, từ chứng co thắt lưng đến bệnh viêm phổi. Nếu bạn không thể lý giải vì sao mình ốm yếu, dễ bị bệnh hay gặp tai nạn, cơ thể của bạn có thể đang có nói cho bạn biết rằng bạn đang đi lạc vào khu rừng tối lầm lạc.[...]
Có một lý lẽ rất đơn giản: nếu không đi con đường đúng với bản thân mình, bạn sẽ không tìm thấy những người thật sự phù hợp với bạn. Bạn sẽ đến những nơi bạn không thích, học những kỹ năng không làm bạn thỏa mãn, tiếp nhận những giá trị và tập quán mà bạn cảm thấy không đúng. Những người bạn gặp trên đường đời hoặc là thật tâm yêu thích những điều này, hoặc là đang giả vờ một cách khó nhọc y như bạn.
Dù thế nào đi nữa, mối quan hệ giữa bạn với họ cũng sẽ là giả tạo. Bạn sẽ thể hiện ra một tính cách giả tạo để gặp gỡ những tính cách khác (có nhiều khả năng cũng giả tạo), tạo ra không gì khác ngoài những mối quan hệ giả tạo. Tôi sẽ không bao giờ quên lời tâm sự của một ngôi sao giàu có và xinh đẹp mà tôi gặp tại một bữa tiệc hoành tráng: “Sự đạo đức giả của chính tôi khiến tôi kiệt sức".
Nếu bạn cảm thấy liên tục mất kết nối và cô đơn, thì gần như chắc chắn bạn đang xa rời tính chính trực (một cách vô thức). Điều này chắc chắn đúng nếu bạn cảm thấy bị mắc kẹt với những người mà bạn không thể nào chịu nổi. Khi những con người gặp nhau trong khu rừng tối lâm lạc – tất cả đều mộng du – các mối quan hệ mà họ tạo ra thường có chiều hướng hời hợt hoặc độc hại, hoặc là cả hai.
Những mối quan hệ "bạn bè", "tình cảm", và kể cả gia đình cũng đầy rẫy những hiểu lầm, cảm giác tổn thương và sự lợi dụng lẫn nhau. Về lâu dài, các mối quan hệ này có chiêu hướng đổ vỡ thành những nền tảng không đáng tin cậy, không để lại gì ngoài cảm giác tổn thương.
Nếu bạn liên tục cảm thấy kiệt quệ hoặc bị phản bội trong mối quan hệ gia đình, tình bạn và tình yêu, những mối quan hệ đó của bạn có lẽ được tạo ra trong khu rừng tối lâm lạc. Chúng ta đơn giản là không thể vạch ra con đường đi tới hạnh phúc bằng cách kết nối với những người cũng lạc lối như chúng ta. Con đường dẫn tới tình yêu chân thật – bất cứ cái gì chân thật – là con đường chính trực. Không ai có thể nhìn thấy con đường của bạn thay cho bạn, chứ đừng nói đến việc trao nó cho bạn. Nhưng dù ở trong hoàn cảnh nào, bạn luôn có thể tự tìm thấy và đi trên con đường chính trực.
Bản thể chân thật của bạn sẽ hoàn toàn có hứng thú với công việc thật sự của cuộc đời bạn – trong khi nó có thể chẳng mảy may quan tâm đến bất cứ thứ gì khác. Nếu bạn theo đuổi một sự nghiệp kéo bạn ra xa khỏi bản thể chân thật của mình, tài năng và nhiệt huyết của bạn sẽ bỏ bạn đi như một thực tập sinh chán việc. Khi đó, mỗi nhiệm vụ được giao đối với bạn sẽ giống như một món ăn bị tẩm độc, và khiến bạn trở nên ốm yếu.
Có thể bạn sẽ mắc phải một chuỗi những sai lầm liên tiếp và sự cố không may nơi làm việc (mà thật ra là những sự cố may mắn – bản thể chân thật của bạn đang ngăn bạn đi lạc xa hơn vào khu rừng tối lâm lạc, nhưng bạn sẽ chẳng nhận ra điều này ngay lúc đó).
Tôi đã khai văn cho hàng chục người dấn thân vào ngành kỹ thuật bởi họ yêu thích việc chế tạo máy móc, hay lĩnh vực học thuật bởi họ yêu thích việc nghiên cứu, hay lĩnh vực báo chí bởi họ thích viết lách, và rồi họ được thăng chức lên cấp quản lý hoặc điều hành – công việc mà họ không thích. Khi rời bỏ sự chính trực của mình để làm những việc họ không có hứng thú, họ đã thất bại thảm hại.[...] Văn hóa của chúng ta định nghĩa “thành công” là thăng tiến qua các cấp bậc hành chính, nên họ đã không hiểu nổi vì sao mình đột ngột đi từ phong độ đỉnh cao đến chỗ sa sút và tàn lụi.
Nhưng theo quan điểm của tôi, những thất bại "không thể lý giải" này rõ ràng rất hợp lý: Edgar yêu thích văn chương, chứ không phải việc điều hành một tạp chí. Chloe thích ở trong rừng một mình, chứ không phải ngồi một chỗ trong nhà với mọi người. Cả hai đều đã tự chia tách bản thân khi mong muốn làm những điều mà nhìn ở một cấp độ khác, họ biết là họ chán ghét.
Có vô số cách để kiếm sống. Ở một cấp độ nào đó – cấp độ sâu bên trong, thuộc về thiên hướng bẩm sinh – bạn biết công việc nào mới thật sự dành cho bạn. Bạn có thể cảm nhận điều này ngay lập tức khi một công việc đòi hỏi bạn phải đặt những điều bạn thật sự khao khát sang một bên. Cảm giác của bạn về con đường sự nghiệp đúng đắn mà bạn nên theo đuổi có thể bị chôn vùi dưới tảng tảng lớp lớp những niềm tin sai lầm bị định hình bởi văn hóa của bạn. Nhưng nó vẫn ở đó, như một bông hoa có gắng vươn lên khỏi vũng bùn độc hại. Nếu bạn tiếp tục kháng cự những thôi thúc chân thật của chính mình, một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra công việc nuôi sống bạn đang biến bạn thành một cái xác không hồn.
Như bạn có thể thấy, cuộc sống trong khu rừng tối lầm lạc – nói sao nhỉ – rất tệ. Không có gì đáng ngạc nhiên rằng một khi chúng ta ở đó, chúng ta thường tìm kiếm thứ gì đó để xoa dịu nỗi đau. Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng hóa chất giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, và tôi sẽ không tiếc lời cổ vũ khi bạn dùng những dược liệu có ích dưới sự theo dõi của bác sĩ.
Nhưng nhiều người trong chúng ta, những cư dân sống trong khu rừng tối lầm lạc, thường đi quá lố – ít hay nhiều – trên con đường sử dụng chất an thần. Chúng ta liên tục thèm khát thêm một chút gì đó để thay đổi tâm trạng. Bất cứ thứ gì. Thêm một chút bia, thêm một chút nicotine, thêm một chút chất kích thích mạnh, thêm một chút tất cả những thứ trên.
Kết quả là màn sương mù hóa chất có thể khiến chúng ta đi rất, rất, rất xa khỏi con đường chính trực của mình. Tôi đã khai vấn cho những người tự làm tê liệt cảm giác của chính mình khi họ đi lạc trong khu rừng tối lầm lạc, trong số đó có một người đàn ông nuốt hơn hai trăm viên thuốc OxyContin mỗi ngày. Anh ấy nói với tôi rằng chừng đó là “suýt soát đủ".
Khi chúng ta cảm thấy lạc lối ở nhiều phương diện, khổ sở vì không có mục đích sống, tâm trạng tồi tệ và công việc không như ý, bất cứ thứ gì kích thích trung tâm khoái cảm của não bộ đều có thể trở thành thứ gây nghiện. Một số thứ gây nghiện phổ biến nhất, ngoài bộ đôi trứ danh ma túy và rượu, là bài bạc, tình dục, mối quan hệ yêu đương cuồng nhiệt, thói quen mua sắm, ăn uống vô độ, và việc dán mắt vào internet cả ngày lẫn đêm đến mức quên cả ngủ nghỉ, ăn uống hay vệ sinh cá nhân. Chính tôi cũng đã dành hàng giờ liền giải quyết những vấn đề cấp bách – những vấn đẻ chỉ như những điểm ảnh đa sắc màu trên chiếc điện thoại thông minh của tôi.
Nếu bạn cảm thấy không thể dừng một hoạt động nào đó, nếu bạn đang tiêu cả khoản tiền bạn dành dụm để trả tiền nhà cho hoạt động đó, nếu bạn đang che giấu nó với người khác và cảm thấy một nỗi ám ảnh đáng sợ đang từ từ xâm chiếm bạn, thì bước đầu tiên để bạn hướng đến sự chính trực – một bước tiến quan trọng – chính là nhận thức được rằng bạn đang nghiện.
Từ đó bạn có thể bắt đầu lấy lại sự chính trực, nếu không phải dựa vào những phương pháp trong quyển sách này thì cũng bằng một hình thức cai nghiện nào đó. Bất kể điều gì xảy ra, nếu bạn không rời khỏi khu rừng tối lầm lạc, bạn sẽ thấy những thói quen xấu của mình hầu như không thể bị phá vỡ. Cuối cùng, có lẽ chính chúng sẽ phá vỡ bạn.
Những vấn đề kể trên không phải là những triệu chứng duy nhất của tình trạng mất đi sự chính trực, nhưng theo quan sát của tôi cho tới hiện giờ, đó là những vấn đề phổ biến nhất. Những triệu chứng đó hé lộ những khía cạnh chúng ta chối bỏ thực tại, xa rời sự thống nhất với cảm giác, khao khát và sự thông tuệ bẩm sinh của mình.
(Trích Con đường chính trực (The way of integrity) của tác giả Martha Beck)
![]() |
Martha Beck – nhà xã hội học, diễn giả và nhà khai vấn uy tín – mang đến cuốn sách như một lời mời gọi chân thành, khuyến khích mỗi người trở về với chính mình. Cốt lõi của Con đường chính trực là khái niệm “sự chính trực” – trạng thái khi con người sống đúng với tiếng nói và cảm xúc bên trong. Beck khéo léo lồng ghép hành trình cá nhân với triết lý của Thần khúc (Dante Alighieri), mô phỏng hành trình vượt qua “khu rừng tối” để tìm đến sự cứu rỗi.