Chắc hẳn chúng ta còn nhớ cú té "chấn động" của Trấn Thành tại Running Man mùa 1, hay màn "rớt đầu" của Phượng Hoàng Lửa mới đây tại The Masked Singer Vietnam... Bất ngờ thay, những sự cố đều mang lại hiệu ứng ngược cho phần đông khán giả, khiến họ thích thú và yêu hơn những thần tượng của mình.
Những tình huống tương tự như trên đôi khi khiến những lỗi sai nhỏ nhặt của người nổi tiếng đẹp đến mức lạ kỳ trong mắt người khác, và được lý giải bởi một hiệu ứng mang tên Pratfall, hiện tượng khi bạn đã tốt đẹp thì những vụng về nho nhỏ càng khiến người khác yêu quý bạn hơn.
Hiệu ứng Pratfall được "khai sáng" lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Elliot Aronson vào năm 1966. Chỉ vì sự tò mò của bản thân, ông đã dựng nên một thí nghiệm ghi lại phản ứng của 48 sinh viên sau khi xem đoạn băng về một nhóm diễn viên trả lời các câu hỏi.
Aronson chia một nửa nhóm diễn viên sẽ được coi là trội hơn (trả lời đúng 92% câu hỏi), nhóm còn lại chỉ trả lời được 30%.
Một số diễn viên của nhóm trội được hướng dẫn làm đổ ly cà phê trong lúc trả lời. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng khán giả yêu mến nhóm người này hơn những người chỉ đơn thuần hoàn thành tốt phần trả lời, vì theo người xem, sự vụng về của những người giỏi khiến họ dễ mến và gần gũi hơn.
Trái lại, ở nhóm diễn viên bình thường, việc đổ ly cà phê dường như không được đánh giá đáng yêu và dễ gần, mà còn bị chỉ trích.
Từ kết quả nghiên cứu mở rộng ra toàn xã hội, hiệu ứng Pratfall phát huy tác dụng mạnh mẽ nhất với những người "được cho là trội" hơn số đông mọi người.
Điển hình ở đây là khi người nổi tiếng, hay những thương hiệu gây bão, nhãn hàng phổ biến,... mắc lỗi vặt, họ càng nhận được nhiều cảm tình. Ngược lại, đối với một người bình thường, hiệu ứng có thể phản tác dụng, hoặc không gây ảnh hưởng quá nhiều.
Hiệu ứng Pratfall có thể được giải thích bằng thuyết so sánh xã hội (social comparison theory) do Leon Festinger phát hiện vào năm 1954. Ông cho rằng, khi gặp được một người ưu tú, giỏi giang, việc so sánh giữa họ với bản thân thực chất làm chúng ta cảm thấy đâu đó có chút khó chịu.
Do vậy, khi thấy những người giỏi giang này cũng mắc sai lầm nhỏ giống mình, cũng lâu lâu làm rớt đồ đạc linh tinh, nói vấp đôi ba chỗ, sẽ mang lại cho bản thân sự đồng cảm, giảm bớt sự mặc cảm và tăng lòng tự trọng, dẫn đến sự quý mến nhiều hơn từ phía chúng ta dành cho họ.
Một nhóm nghiên cứu khác tại Đại học Swansea ở Wales, qua khảo sát, cũng chỉ ra cách Pratfall được áp dụng trong quy trình tuyển dụng. Kết quả chỉ ra rằng, đối với những công ty có nhiều vòng phỏng vấn để xin việc, càng vào vòng trong, những ứng viên giỏi sẽ gây được thiện cảm lớn hơn với nhà tuyển dụng nếu họ dám thừa nhận những khuyết điểm ở vòng trước.
Sâu bên trong hiệu ứng Pratfall, còn chứa đựng thông điệp tốt đẹp rằng không phải khuyết điểm nào cũng luôn xấu xí trong mắt mọi người. Ai cũng có thể mắc sai lầm. Khi bạn chịu thừa nhận và ngừng che đậy khuyết điểm của mình, dù bạn là ai đi nữa, bạn cũng sẽ được bao dung và quý trọng gấp bội phần.