Một đêm năm 1945 trong trại tập trung Tuerkheim của Đức Quốc Xã, một tù nhân Do Thái 40 tuổi bị sốt thương hàn. Để tránh trụy tim mạch và tử vong trong đêm, anh cố giữ mình tỉnh táo bằng cách tạo lại bản thảo cuốn sách dang dở từ những mảnh giấy đánh cắp được.
Hoàn cảnh trên là minh chứng rõ nét nhất cho lý thuyết mà người tù nhân đó tin tưởng: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Trên thực tế, lý do để cố sống sót trong trại tập trung của anh - nhà thần kinh học, tâm thần học người Áo Viktor Frankl - là muốn gặp lại người thân yêu sau khi ra trại, và còn cả ước mong đưa cuốn sách của mình đến với công chúng.
Cuối cùng, Viktor Frankl đã phải vứt bỏ chiếc áo khoác cùng bản thảo được khâu trong lớp vải lót. Nhưng những trải nghiệm trong trại tập trung của Viktor Frankl về sau lại giúp anh viết nên cuốn sách khác - để đời, sinh động tột cùng về ý nghĩa sống - cuốn “Đi tìm lẽ sống”.
Một đời đi tìm lẽ sống
“Đi tìm lẽ sống” từng được bình chọn là 1 trong 10 cuốn sách có ảnh hưởng nhất Hoa Kỳ, bán ra gần 20 triệu bản và được dịch sang 52 thứ tiếng. Với tác phẩm này, Viktor Frankl được biết đến nhiều nhất, với tư cách là một người trải qua thảm họa diệt chủng Holocaust và viết sách về nó.
Tuy nhiên, trại tập trung chỉ chiếm một đoạn đường đời rất ngắn của Frankl - chỉ 3 năm. Trước khi vào trại ở tuổi 37, Frankl đã dành phần lớn cuộc đời của mình với tư cách là bác sĩ tâm thần và nhà thần kinh học, chuyên điều trị cho những bệnh nhân muốn tự tử - những người không còn tha thiết gì với cuộc đời.
Sinh ra ở Vienna (nước Áo) vào năm 1905, Viktor Frankl là người con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Anh quan tâm đến tâm lý học và triết học từ rất sớm: nghiên cứu triết học và thôi miên từ tuổi 15; xuất bản bài báo đầu tiên khi 18 tuổi và giảng dạy về ý nghĩa sống từ năm 22 tuổi. Từ năm 1928, khi vẫn còn là một sinh viên y khoa của đại học Vienna, Frankl đã thành lập các trung tâm tư vấn nhằm ngăn chặn các vụ tự tử ở những người trẻ tuổi. Và trong vòng một năm, anh đã kéo giảm số vụ tự tử xuống mức 0.
Trước chiến tranh thế giới thứ 2, trong quá trình làm việc tại bệnh viện tâm thần Steinhof, Viktor Frankl đảm nhận điều trị cho những phụ nữ muốn tự tử. Thống kê cho thấy, trong khoảng thời gian 4 năm (1933 - 1937), anh đã điều trị và chăm sóc cho không dưới 3000 bệnh nhân mỗi năm.
Viktor Frankl đặc biệt quan tâm đến câu hỏi ý nghĩa sống trong điều trị tâm lý với những người muốn từ bỏ cuộc sống. “Thứ cần thiết ở đây chỉ đơn giản là đáp án cho câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, của việc tiếp tục sống dẫu cho nỗi chán đời cứ kéo dài dai dẳng”, anh từng viết.
Mối quan tâm này về sau được Frankl phát triển thành “liệu pháp ý nghĩa” - Logotherapy (hiện nay đã được công nhận rộng rãi là “trường phái thứ ba” của tâm lý trị liệu Vienna, sau trường phái đầu tiên của Sigmund Freud và trường phái thứ hai của Alfred Adler).
Viktor Frankl |
Trại tập trung và mất mát tột cùng
Sau khi Hitler chiếm Áo, với trình độ chuyên môn xuất chúng, Frankl có cơ hội trốn khỏi Vienna với thị thực nhập cảnh đến Mỹ. Frankl và vợ Tilly Grosser lúc đó có một đứa con sắp chào đời, và ý tưởng di cư là rất hấp dẫn, nhưng anh lại cảm thấy giằng xé về việc phải rời bỏ cha mẹ mình.
Trong một lần về thăm nhà cha mẹ, Frankl tình cờ nhìn thấy một mẩu đá hoa mà cha anh đã tìm được từ một thánh đường Do Thái bị phá huỷ bởi chiến tranh. Frankl nhìn vào dòng chữ được khắc trên phiến đá, ghi 1 trong 10 điều răn, mang nghĩa rằng “Hãy tôn kính cha mẹ”. Vào khoảnh khắc đó, anh quyết định ở lại với cha mẹ mình, tấm vé thị thực nhập cảnh sang Mỹ đã không có cơ hội được dùng đến.
Sau đó, Frankl đã trải qua tổng cộng 3 năm trong 4 trại tập trung: Theresienstadt, Auschwitz, Kaufering III và Tuerkheim. Anh mất cha ở Theresienstadt. Anh mất thêm anh trai và mẹ ở Auschwitz, và mất vợ ở trại tập trung Bergen-Belsen (điều anh không hề hay biết). Chỉ có em gái của Frankl là chạy trốn thành công sang Úc.
Trong trại tập trung, quan sát sự tàn bạo và suy thoái xung quanh mình, Frankl nhận ra những ý tưởng về ý nghĩa sống mà anh từng dùng để trị liệu cho thanh thiếu niên hay những người phụ nữ muốn tự tử hoá ra vẫn giữ nguyên vẹn giá trị.
Nhiều lần trong cuốn sách nổi danh của mình sau này, Frankl hay trích dẫn lời của Nietzsche: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Trong trại tập trung, theo như quan sát của Frankl, ít người chết vì thiếu thức ăn và thuốc men, mà phần lớn họ chết vì thiếu hy vọng, thiếu một lẽ sống. Và những tù nhân vẫn có hy vọng vào ý nghĩa cuộc sống là những người có nhiều khả năng tìm thấy sức mạnh để cố sống sót đến cùng…
Sự ra đời của “Đi tìm lẽ sống”
Chiến tranh kết thúc ở Vienna vào ngày 13/4/1945. 3 tuần sau đó, ngày giải phóng cũng đã đến với trại tập trung có người tù tên là Viktor Frankl. Nhưng vẫn phải đến tận tháng 8, ông mới có thể trở về Vienna, nơi mà tin tức khủng khiếp nhất đang chờ đón: Ông biết được về cái chết của vợ, mẹ và anh trai mình.
Đầy tuyệt vọng khi nhận ra những mất mát của, Frankl được bạn bè động viên và ông lao vào viết lại cuốn sách. Một người bạn của Frankl trở thành thành viên của chính phủ mới, người này sắp xếp một căn hộ và một công việc cho ông - cũng như một chiếc máy đánh chữ.
“The Doctor and The Soul” là cuốn sách đầu tiên ông viết sau chiến tranh, hoàn thành năm 1945, chính là phiên bản hoàn thiện của bản thảo mà ông cố mang theo trong trại tập trung. Sau đó, trong 9 ngày liên tiếp, ông đã viết xong cuốn “Đi tìm lẽ sống”. Cuốn sách có tựa đề ban đầu là “Một nhà tâm lý học trải nghiệm trại tập trung” được phát hành bằng tiếng Đức vào năm 1946.
Đến năm 1959, sách được dịch sang tiếng Anh với tựa đề “Man’s Search for Meaning” - “Đi tìm lẽ sống” và trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. Nhiều thập kỷ sau, nó vẫn liên tục xuất hiện trong danh sách 100 cuốn sách hàng đầu của Amazon và được Amazon đề xuất là một trong 100 cuốn sách nên đọc trong đời.
Tuy nhiên, Frankl từng không xem thành công của “Đi tìm lẽ sống” như là một thành tựu cá nhân; thay vào đó, ông xem đó như một biểu hiện cho nỗi bất hạnh sâu sắc nhất của thời hiện đại. “Nếu hàng trăm ngàn người tìm kiếm một quyển sách mà tiêu đề của nó hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, thì đây chắc hẳn là một vấn đề gai góc với họ”, Frankl từng chia sẻ.
Trong năm 1946, ông tổ chức một loạt bài giảng trước công chúng được nhiều người chú ý, trong đó ông giải thích những suy nghĩ trọng tâm của mình về ý nghĩa, về tầm quan trọng của việc đón nhận cuộc sống ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh lớn. Những bài giảng này sau đó được xuất bản dưới tên “Yes to Life in Spite of Everything” (tựa Việt: “Lẽ sống”).
Frankl, qua bao biến cố, vẫn luôn trung thành với quan niệm cuộc sống có ý nghĩa tuyệt đối, không thể bị mai một theo hoàn cảnh, dù đó là đau khổ, bệnh tật hay thậm chí là cái chết. Và do đó, niềm tin của chúng ta vào ý nghĩa cuộc đời cũng tồn tại bất biến, như Frankl đã nói, ông hy vọng chúng ta có thể “tin yêu cuộc sống, dẫu có thế nào”.
Sau chiến tranh, ngoài chức vụ giám đốc điều hành trung tâm y tế thần kinh Vienna, giáo sư thần kinh học và tâm thần học ở Vienna, Viktor Frankl còn giảng dạy trên khắp nước Mỹ và giữ chức giáo sư thỉnh giảng tại Harvard, Stanford.
Lý thuyết của ông - xem ý nghĩa sống như một yếu tố trung tâm đối với sức khỏe tâm thần - là một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực tâm lý học, cung cấp các nguyên tắc nền tảng cho lĩnh vực tâm lý học tích cực hiện đại.