Bấy lâu nay, chúng ta vẫn rong ruổi và mong cầu những niềm vui đến từ bên ngoài. Chúng ta nghĩ, nếu có một ngôi nhà sang trọng và ấm cúng, chúng ta sẽ an nhiên ngồi thưởng trà và ngắm mây. Chúng ta nghĩ, nếu có một chiếc xe hiện đại và tiện nghi, chúng ta có thể tự do đi đến những vùng đất mới, khám phá những điều mới. Và chúng ta cho rằng, khi có đủ những thứ mình muốn, thì ta sẽ hạnh phúc và sống an nhiên hơn. Nhưng có thật như vậy không?
Có thật là khi sở hữu những thứ mà mình mong cầu, ta sẽ hạnh phúc hơn không? Hay là, khi đã đạt được điều mình muốn, ta lại sản sinh ra những ham muốn khác?
Như đại đức Thích Đồng Tâm đã viết trong cuốn sách “Tịch tịnh”: “Người ta mất một đoạn thời gian rất ngắn để yêu thích một cái gì, mất thêm một quãng thời gian dài để theo đuổi đạt được, mất thêm khoảng thời gian khá dài để nắm giữ, rồi chẳng bao lâu lại bắt đầu cảm thấy bình thường, không còn háo hức như trước. Họ lại tiếp tục loay hoay trong kiếm tìm, níu giữ, kiếm tìm... Vòng lặp đó cứ trở đi trở lại cho đến khi nào họ chịu buông tay…”
Sự thật là, nếu cứ chạy theo những mong cầu, chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối và lệ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Chúng ta lầm tưởng hạnh phúc chân thật nằm ở bên ngoài nên suốt đời chạy tìm hết chỗ này đến chỗ khác, hết đối tượng này tới đối tượng khác. Nhưng nếu bước chân đầu tiên đã sai thì tất cả bước chân theo sau đều không còn đúng. Rồi khi hiện thực không đáp ứng được mong cầu của mình, chúng ta lại đau khổ. Cứ mong cầu, đau khổ, rồi lại mong cầu. Vòng lặp khổ đau này sẽ kéo dài và tiếp diễn cho đến khi nào ta chịu dừng lại và thấy ra nguồn trí tuệ, hạnh phúc, bình an có sẵn nơi mình.
Sau nhiều tâm tu tập và giảng dạy Phật pháp, đại đức Thích Đồng Tâm nhận ra rằng người có ít mong cầu thì ít đau khổ, ít hy vọng thì ít ưu tư, người chẳng muốn thay đổi thế sự nhân gian thì đời người sẽ không gặp nhiều cam go, phiền lụy.
"Cuối cùng người cũng sẽ nhận ra một sự thật vượt lên trên tất cả, đó là ta không thể nào đạt được một cái gì hết. Không có bất cứ thứ gì có thể chứng đạt và nắm giữ trong vũ trụ này. Chúng ta đi loanh quanh trải nghiệm, tìm kiếm, khổ đau rồi nhận ra sự thật, buông bỏ rồi lại trở về với sự thấy biết sáng tỏ của mình, về với bản chất thực tại, với nguồn trí tuệ sáng chói có sẵn nơi ta. Ai thấy ra sớm thì sớm kết thúc khổ đau, ai chưa thấy thì tiếp tục trải nghiệm khổ đau để thấy! Nguồn trí tuệ ở mỗi người vốn dĩ là bản thể trong vắt, vắng lặng, tịch tịnh, không có gì có thể phá vỡ hay làm thương tổn. Vì thế, chúng ta không cần phải cố gắng “chữa lành”. Mọi nỗ lực thoát khỏi khổ đau hay cố gắng chữa lành đều là ảo tưởng và trói buộc. Chỉ cần buông bỏ mọi mong cầu và quay lại, lập tức sẽ thấy ngay. Không có gì cũng là tất cả!" - đại đức Thích Đồng Tâm đúc kết.