Trong Phật ngữ, “tịch tịnh” nghĩa là sự an lành, tĩnh tại, vắng lặng, giải thoát khỏi sự trói buộc của vô minh và phiền não. Đây cũng chính là cảnh giới Niết Bàn (Sanskrit: निर्वाण, nirvāṇa; Pali: nibbāna), cảnh giới giải thoát cao nhất của Phật giáo: xa lìa khổ đau, yên lặng thường trụ, không sinh không diệt. Lấy “tịch tịnh” làm chủ đề, tác giả viết về cái thấy, cái biết, về thực tại pháp có mặt trong sự tương giao mầu nhiệm, đẹp đẽ giữa ta và cuộc đời này.
“Tịch tịnh” cũng là cuốn sách mới nhất của tác giả, là một sự thay đổi về phong cách tự sự, ở đó, chữ “duyên” được gửi gắm cả trong cách mỗi người tiếp nhận tác phẩm với sự thấy biết khác nhau.
Ba cuốn sách “Đủ duyên ta lại tương phùng”, “Sát-na này là thiên thu”, “Tịch tịnh” là tập hợp những bài viết ngắn của Đại đức Thích Đồng Tâm trong suốt quá trình tu học, gieo pháp duyên. Mỗi cuốn sách được viết trong một giai đoạn khác nhau, mang phong cách khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là dùng giáo lý nhà Phật soi chiếu từng khía cạnh của cuộc sống thường ngày, xóa bỏ sân hận, tuyệt vọng, cô đơn và bế tắc của trần thế, hướng đến đời sống của hiểu và thương, nơi vạn vật, muôn người, muôn loài sống an hòa, sáng suốt.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đại đức Thích Đồng Tâm tốt nghiệp thạc sĩ ngành Địa lý Kinh tế Xã hội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, và công tác giảng dạy tại khoa Địa lý ba năm trước khi xuất gia tu học.
Đại đức Thích Đồng Tâm đã tốt nghiệp cử nhân Phật học chuyên ngành Anh văn Phật pháp, Học viện Phật giáo Việt Nam, tốt nghiệp thạc sĩ Phật học tại trường MCU Thái Lan, thạc sĩ Phật học tại Đại học Phật giáo quốc tế Sri Lanka – SIBA Campus. Hiện tại, Đại đức Thích Đồng Tâm đang là giảng viên cơ hữu khoa Pali và Phật học, thuộc Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka, nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật học tại Sri Lanka, Phó ban Phật giáo Quốc tế, Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Cần Thơ, Giáo thọ sư trường Cao Đẳng Phật học Thành phố Cần Thơ.