Được viết bởi Sarah Frier, phóng viên tờ Bloomberg News, “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” kể lại hành trình của Instagram - ứng dụng chia sẻ hình ảnh đã định hình kinh doanh, văn hoá rõ rệt nhất trong thập kỷ qua. Thông qua từng chặng đường lớn mạnh và thay đổi của Instagram, cuốn sách đem đến cho người đọc một cái nhìn thấm thía về quá trình chúng ta chuyển dịch cuộc sống từ đời thực lên mạng xã hội, cùng những tác động phức tạp đi kèm.
Kevin Systrom theo học ngành Khoa học quản lý và Kỹ thuật tại Đại học Stanford, nhưng lại đam mê nhiếp ảnh, nghệ thuật và những thứ được tạo tác thủ công. Sau khi kết thúc chương trình học tại Stanford, Systrom làm việc cho Google và rồi chuyển sang một công ty khởi nghiệp nhỏ. Tại đây, Systrom và người đồng sự Mike Krieger quyết định tập trung vào một sản phẩm tối giản nhưng hấp dẫn hơn Burbn, Scotch. Năm 2010, một nền tảng chia sẻ hình ảnh có tên là Instagram - sự kết hợp giữa “instant” (tức thì) với “telegram” (điện tín) ra đời.
Hình mẫu mạng xã hội mà Kevin Systrom ấp ủ khi ấy rất gần với những mối quan tâm tinh tế của anh. Systrom muốn Instagram là một nền tảng dành cho các quan điểm và sự sáng tạo khác nhau; là tấm gương phản chiếu đời thực, là cánh cửa mà qua đó ta nhìn thấy cuộc sống của rất nhiều người khác.
“Trên Instagram, bạn có thể tìm hiểu về cuộc sống của người chăn tuần lộc ở Na Uy hoặc người đan giỏ ở Nam Phi, hay bạn cũng có thể chia sẻ và suy ngẫm về cuộc sống của chính mình theo những cách mà bạn thấy là sâu sắc”, phóng viên, tác giả Sarah Frier viết.
Tất cả những cột mốc quan trọng nhất của Instagram được kể lại rất chi tiết và sống động trong cuốn sách “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”: Khi ứng dụng có nhà đầu tư đầu tiên; đạt 10 triệu, rồi 1 tỉ người dùng; được đón nhận như ứng dụng hàng đầu trên iPhone, “được” Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD, và chặng đường khó khăn của hai nhà sáng lập sau cột mốc đó.
Đọc sách, ta thấy rõ ràng là Kevin Systrom đã rất cố gắng để nuôi dưỡng và gìn giữ lý tưởng của anh về một mạng xã hội nhân văn và tinh tế, “một không gian thân thiện trên internet”. Chẳng hạn, đội ngũ Instagram chú trọng tổ chức những buổi InstaMeet để kết nối với những người dùng, trực tiếp lắng nghe những ý kiến của họ về ứng dụng (điều Facebook và Twitter không bao giờ làm). Những nhân viên Instagram (thay vì thuật toán) đích thân xem và đề xuất những người dùng nổi bật, như một cách để định hướng loại nội dung tích cực, độc đáo họ muốn nhìn thấy nhiều hơn trên Instagram.
Và ngay cả khi bị thúc ép từ Mark Zuckeberg, như thêm nhiều thông báo hơn, tự động đặt quảng cáo hàng loạt, hay thêm nút chia sẻ để tăng tính lan truyền cho nội dung (mà mục tiêu tối thượng là tăng trưởng và doanh thu); Kevin Systrom sẵn sàng đấu tranh để gìn giữ những phẩm chất đã khiến Instagram trở nên đặc biệt. Anh muốn đưa ra các quyết định thấu đáo khiến người dùng hạnh phúc hơn, muốn Instagram vẫn là một ứng dụng của các bài đăng chất lượng cao về sự sáng tạo, trải nghiệm, và cả sự chân thành.
Càng về phần sau của cuốn sách, khi tác giả tập trung vào giai đoạn từ khi Facebook thâu tóm Instagram, độc giả dễ nhận ra rằng nỗ lực đấu tranh của Systrom ngày càng trở nên cực nhọc và tuyệt vọng hơn. Những hình dung tốt đẹp ban đầu của nhà sáng lập dần dà trở nên phai nhạt nơi Instagram giờ đã trở nên khổng lồ.
Kevin Systrom giờ đây đứng trước sức ép chứng minh bản thân cũng như khả năng mang về lợi nhuận cho công ty mẹ. Bên cạnh đó, mạng xã hội nói chung đã trượt ra khỏi tầm kiểm soát của những người quản lý nó - cho dù họ có thiện chí quản lý tốt hết mức có thể.
Những hình ảnh trau chuốt cùng lượt thích, lượt theo dõi tạo nên thứ áp lực phải thật hoàn hảo vây quanh người dùng. Các bộ lọc và sự chỉnh sửa đã trở thành tiêu chuẩn, làm thay đổi nhận thức của con người về cái đẹp trên toàn thế giới. Rất nhiều trải nghiệm đời thực, từ du lịch, văn hoá, ngoại hình con người… đã thay đổi để “đáng đăng trên Instagram”. Nói một cách đơn giản, thay vì Instagram phản ánh thế giới như mục đích ban đầu, giờ đây thế giới lại bị Instagram định nghĩa ngược lại.
Bên cạnh đó, từ mục đích vô tư lúc đầu, Instagram dần trở thành một “cỗ máy sản xuất người nổi tiếng” với hơn 200 triệu người có sức ảnh hưởng (influencer); nơi con người và thương hiệu thu hút sự chú ý để kiếm tiền và nâng cao địa vị xã hội. Nhiều khoảnh khắc trông có vẻ ngẫu hứng, bất chợt trên Instagram ngày nay thực chất là sản phẩm sau hàng tháng lên kế hoạch của một đội ngũ truyền thông nào đó...
Và mỉa mai hơn, Instagram ngày càng giống với hình ảnh công ty mẹ hơn bao giờ hết: Học theo các chiến thuật tăng trưởng của Facebook; để ranh giới giữa cá nhân và thương hiệu mờ đi; lôi kéo người dùng vào cuộc chạy đua (được hỗ trợ bởi dữ liệu) để “tăng mức độ hợp thời”.
“Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” không chỉ là một câu chuyện về khởi nghiệp, kinh doanh, mà còn là về cách mà internet thay đổi văn hóa, danh tiếng và sự kết nối con người; một khám phá nhân chủng học về đời sống hiện đại.
Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về quyền lực của mạng xã hội, và rằng chúng ta sẵn sàng cho phép chúng xâm lấn cuộc sống của mình đến đâu. Nếu một thứ gì đó trở nên phổ biến trên Instagram, TikTok như thói quen tập thể dục, phong cách trang trí nhà cửa hay một điệu nhảy... liệu nó có trở nên giá trị hơn trong đời sống thực hay không? Và nếu như truyền thông mạng xã hội là một công cụ khuếch đại tuyệt vời, con người có thể làm gì để “khuếch đại cái tốt và giải quyết cái xấu”? (lời của Adam Mosseri - người lãnh đạo Instagram sau khi Kevin Systrom rời đi do những xung đột giá trị với Facebook).
“Chúng ta cần một cuốn sách như thế này để giải thích về cái mà chúng ta đang nhấp vào mỗi ngày. Tôi dành hàng giờ nhìn chằm chằm vào màn hình, và bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn về những người đang nhìn lại tôi”, là lời nhận xét xác đáng của tờ The New York Times về tác phẩm này.