Theo các giáo sư quản trị học Daniel Levin, Jorge Walter và Keith Murnighan, “một người tích luỹ trung bình được hàng ngàn mối quan hệ trong suốt cuộc đời mình”.
Vài năm trước, 3 người này đã tiến hành một khảo sát, trong đó yêu cầu người tham gia thực hiện một việc mà bản thân họ cảm thấy e ngại nhất: kết nối lại các mối quan hệ đã “ngủ đông”.
Khi một người tham gia nhận được yêu cầu này, anh ta đã giãy nãy: “Gì thế này? Nếu đã là những mối quan hệ “ngủ đông” thì phải có nguyên do nó trở nên như vậy chứ, đúng không? Thế thì sao tôi phải liên hệ lại với họ?”
Nhưng những bằng chứng thu được lại cho thấy một vấn đề hoàn toàn khác. Khi Levin và các đồng sự yêu cầu hơn 200 nhà điều hành tham gia cuộc khảo sát hãy “hâm nóng” lại các mối quan hệ đã “ngủ đông” từ tối thiểu 3 năm trở lại đây. Mỗi người tham gia phải liên hệ với hai đồng nghiệp cũ để hỏi xin lời khuyên cho một dự án mà mình đang phụ trách. Đồng thời, họ cũng tham khảo ý kiến từ hai mối quan hệ hiện tại.
Kết quả thu được vô cùng bất ngờ: Những người tham gia đều đánh giá những lời khuyên có được từ các mối quan hệ “ngủ đông” cao hơn các mối quan hệ hiện tại!
Thậm chí, chính anh chàng từng la ó khi được yêu cầu liên lạc lại với người quen cũ cũng phải thừa nhận rằng “cuộc khảo sát đã giúp tôi ‘mở mắt’... Cuối cùng tôi cũng nhận ra là mình có được biết bao giá trị tiềm tàng từ những mối quan hệ ‘ngủ đông’”.
Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, những mối quan hệ “ngủ đông” cung cấp được nhiều thông tin mới lạ hơn so với những mối quan hệ hiện tại. Đó là điều tất yếu xảy ra khi trong suốt vài năm mất liên lạc đó, những người quen cũ đã được tiếp cận với những ý tưởng và quan điểm khác với những gì ta tiếp thu. Trong khi đó, những người quen biết trong hiện tại thường chỉ chia sẻ những nền tảng suy nghĩ và góc nhìn tương đồng với chúng ta.
Thứ hai, nếu so với các mối quan hệ xã giao mới mẻ, thì việc liên lạc với những mối quan hệ cũ sẽ khiến ta tiêu tốn ít thời gian trao đổi hơn vì hai bên đã có sự hiểu biết nhau từ trước. Như Levin và các đồng sự lý giải: “Việc kết nối lại với một mối quan hệ đã ‘ngủ đông’ không giống như bắt đầu một mối quan hệ hoàn toàn mới. Khi tái liên hệ, chúng ta vẫn có cảm giác TIN TƯỞNG LẪN NHAU”.
Và thứ ba, khi cần thu thập thông tin mới, việc khai thác các mối quan hệ xã giao sẽ diễn ra chóng vánh và không mấy hiệu quả, trong khi những mối quan hệ cũ cung cấp được lượng thông tin lớn hơn và hữu ích hơn nhiều. Và theo thời gian, mỗi người sẽ ngày càng tích lũy được nhiều mối quan hệ “ngủ đông” hơn, và thậm chí giá trị của chúng cũng sẽ tăng theo.