Trong một liều lượng vừa đủ, các hormone như cortisol hay adrenaline có thể giúp bạn tỉnh táo, phản xạ nhanh, thậm chí là sống sót trước những tình huống nguy hiểm. Nhưng khi căng thẳng kéo dài, các hormone ấy lại trở thành kẻ phá hoại từ bên trong. Chúng dần thay đổi cấu trúc não bộ, bào mòn trí nhớ, khả năng tập trung và làm suy yếu cả hệ miễn dịch.
Không chỉ vậy, những vết thương tâm lý, đặc biệt là sang chấn thời thơ ấu có thể để lại hậu quả sinh học lâu dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng có thể làm ngắn telomere - những “nắp bảo vệ” ở đầu mút nhiễm sắc thể, ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của tế bào, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện của con người.
Và nếu bạn từng tự hỏi: liệu một người có thể sống sót sau những tổn thương sâu sắc mà tuổi thơ để lại không? Hãy tìm đọc "Nơi vết thương ánh sáng rọi vào" (What My Bones Know: A Memoir of Healing from Complex Trauma) của Stephanie Foo. Cuốn sách là một hành trình chữa lành mạnh mẽ và chân thật, ghi lại trải nghiệm của chính tác giả - một phụ nữ gốc Á đang sinh sống tại Mỹ, người đã sống sót qua bạo hành, bị bỏ rơi và phải vật lộn với căn bệnh Rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp (C-PTSD).
Foo không chỉ kể lại nỗi đau. Cô kể về nỗ lực chữa lành của bản thân. Về liệu pháp tâm lý, về hành trình học cách yêu lấy chính mình, và đặc biệt là học cách tin rằng: mình xứng đáng được sống một cuộc đời bình thường. Một đời sống không bị ám ảnh bởi nỗi sợ, không gồng lên để giấu đi những tổn thương trong quá khứ.
Cuốn sách không tìm cách xóa sạch quá khứ. Nó giúp người đọc chấp nhận, ôm lấy nó như một phần trong hành trình trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi, gục ngã giữa những áp lực đời thường hay vẫn đang chật vật với những vết thương tinh thần chưa lành, Nơi vết thương, ánh sáng rọi vào có thể không phải là liều thuốc kỳ diệu, nhưng lại là một tia sáng để nhắc rằng: Bạn không hề đơn độc trên hành trình chữa lành của mình, chỉ cần bạn dám bước đi.