Bởi vì não bộ của chúng ta đã được lập trình cho việc sinh tồn, nên khi đứng trước những sự việc hay ý tưởng mới, chúng ta thường không tự nhiên cởi mở. Bộ não của chúng ta cho rằng những gì ta đang làm đã đủ tốt, thế nên ta thường tránh né sự thay đổi. Khi chưa đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng thì chúng ta cứ giữ nguyên hiện trạng. Về cơ bản, giới hạn chuẩn của bộ não chúng ta là “nếu cái gì không hư thì đừng sửa”. Nhưng ở đây chúng ta không nói về việc thoát thân khỏi một mối hiểm nguy trước mắt, mà chúng ta đang nói về việc nâng cấp hệ thống vận hành của bản thân để chuyển từ sinh tồn sang cuộc sống thăng hoa.
Cởi mở chính là yếu tố nền tảng khi chúng ta sửa chữa và điều chỉnh cách sống của mình. Hãy đưa ra mọi vấn đề và cùng xem xét để tìm ra những chỗ mà thậm chí chỉ cần một số thay đổi nhỏ cũng có thể mang đến kết quả hết sức tích cực. Bạn càng cởi mở trước những quan niệm mới thì cơ hội thành công của bạn càng cao. Về bản chất, cởi mở có nghĩa là cầu thị.
Tác giả Mike Bayer cho rằng: “Tôi có thể cam đoan rằng cuộc sống của bạn sẽ cải thiện nếu bạn duy trì sự cởi mở đối với ý tưởng rằng không phải lúc nào bạn cũng có câu trả lời, rằng có thể bổ sung những thông tin mới vào câu trả lời mà bạn đã có, và rằng bạn có thể làm tốt hơn những gì bạn đang làm. Hãy nhớ triết gia Socrates người Hy Lạp đã nói: ‘Điều duy nhất tôi thực sự biết là tôi không biết gì cả’. Hãy luôn tâm niệm điều này. Hãy ấp ủ nó, ôm trọn nó, bởi vì một khi bạn chấp nhận được ý niệm rằng bạn thực sự chẳng biết gì cả, bạn sẽ lập tức trở thành một miếng bọt biển hút nước, luôn thấm đẫm những ý tưởng và quan điểm mới mẻ”.
Hãy tưởng tượng việc bạn dành cả đời đứng sau một bức tường. Bạn không bao giờ dám nghĩ đến việc bước ra khỏi nó, cho đến một ngày, một người bạn đến và nắm lấy tay bạn, kéo bạn qua phía bên kia bức tường. Ở đó, lần đầu tiên bạn được chứng kiến vẻ đẹp lộng lẫy của buổi bình minh.
Hãy để cuốn sách “Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn” trở thành người bạn đồng hành trên hành trình trở thành Con Người Tối Ưu của mình.