Phải chăng là vì người đó bị tổn thương, đã có ai đó nói điều gì không phải với họ, nhưng nếu đó là lời tâng bốc thì có lẽ họ lại thỏa mãn. Vậy là bạn bị tổn thương do tự xem mình là quan trọng đúng không? Vậy do đâu ta lại có sự tự xem trọng đó?
Sự giận dữ giống với sự cô lập một cách lạ thường; cũng như nỗi khổ đau, nó chia tách người ta ra và chí ít là tại thời điểm này, nó khiến cho mọi mối tương quan chấm dứt. Sự giận dữ nhất thời sở hữu nguồn năng lượng của sự cô lập; sự cô lập chính là nỗi tuyệt vọng thế nên sự giận dữ cũng biểu hiện một nỗi tuyệt vọng kỳ lạ trong đó. Cơn giận nổi lên khi chúng ta thất vọng, ghen tỵ, bị tổn thương dẫn đến việc hành xử bạo lực và ngụy biện cho lối hành xử đó.
Chúng ta kết tội người khác, và sự quy kết đó cũng là một động thái biện hộ cho bản thân chúng ta. Nếu bỏ qua hết những kết luận như cho mình đúng hoặc tự nhận mình sai, thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta dùng mọi phương cách để tự bênh vực cho mình và việc nổi giận, cũng như căm ghét, là một trong những cách dễ dàng nhất. Sự giận dữ đơn thuần xuất hiện ngẫu nhiên và cũng nhanh chóng tan biến; song song đó còn tồn tại sự giận dữ được hình thành một cách có chủ đích, được trù tính trước nhằm gây tổn thương hay hủy hoại đối tượng mà cơn giận hướng đến; đó lại là một vấn đề khác.
Sự giận dữ đơn thuần có thể đến từ một số nguyên nhân về thể trạng vốn dễ nhận biết và điều trị, nhưng nếu cơn giận liên quan đến tâm lý thì âm thầm và khó nắm bắt hơn nhiều. Hầu hết chúng ta dễ dàng nổi giận và cũng dễ dàng tìm được lời bào chữa cho nó. Tại sao chúng ta không nên tức giận khi người khác hay chính bản thân mình hành xử sai trái cơ chứ? Thế là chúng ta có cớ nổi giận một cách hợp lý; ta chẳng bao giờ chỉ nhận định rằng mình đang giận và để mọi chuyện dừng lại tại đó, chúng ta sa vào việc giải thích về căn nguyên của cơn giận ấy.
Chúng ta cũng chẳng bao giờ thừa nhận rằng mình đang ghen tỵ hay đau khổ mà chỉ cố gắng biện hộ hoặc giải thích cho sự giận dữ. Chúng ta hỏi rằng làm sao yêu mà không ghen và tin rằng những hành động của người khác đã làm ta đau khổ. Cứ thế, chính sự lý giải cùng với những ý kiến dù thầm lặng hay thành lời đó, đã duy trì cơn giận và khiến nó trở nên lớn mạnh hơn, lan tỏa hơn. Điều đó ngăn cản ta khám phá chính mình. Vì chúng ta muốn được ca tụng hay được xu nịnh, chúng ta kỳ vọng một điều gì đó; nếu không đạt được thì chúng ta thất vọng, cay đắng tỵ nạnh. Rồi sau đó chúng ta đổ lỗi cho người khác một cách bạo liệt hay ngấm ngầm, cứ như thể họ có bổn phận chịu trách nhiệm cho mọi nỗi khổ của chúng ta vậy.
Đối với tôi, bạn có một ý nghĩa vô cùng to lớn; tôi lệ thuộc vào bạn để được hạnh phúc, tôi lệ thuộc vào bạn để thu về uy thế cùng địa vị cho mình. Nhờ bạn, tôi mới tròn vẹn; do đó bạn cực kỳ quan trọng nên tôi phải bảo bọc bạn, phải chiếm hữu lấy bạn. Nhờ bạn, tôi thoát ra khỏi chính mình nên một khi bị ném trở lại tình trạng ban đầu, tôi liền cảm thấy sợ hãi và trở nên giận dữ với nhiều hình thức khác nhau: thất vọng, oán giận, đau khổ, ghen tỵ, v.v...
Cơn giận bị dồn nén cũng như nỗi oán hận, cần đến sự tha thứ như một phương thuốc giải độc; thế nhưng ta cần lưu tâm hơn cả đến cơn giận bị dồn nén, bởi sự tha thứ sẽ là thừa thãi nếu không có quá trình tích lũy cơn giận, sự tha thứ chỉ cần thiết đối với nỗi oán hận, còn để thoát khỏi sự trói buộc của những lời đường mật, cũng như tình trạng tổn thương mà không phải cố hết sức phớt lờ chúng thì ta cần đến lòng khoan dung, nhân từ. Cơn giận không thể được xua tan bởi ý chí vì ý chỉ là một phần của bạo lực.
Nó là kết quả của ham muốn, của khao khát trở thành một điều lớn lao và bản chất của ham muốn chính là sự gây hấn, thống trị. Dùng ý chí để triệt tiêu cơn giận chẳng khác gì chuyển cơn giận sang một cấp độ khác và trao cho nó một cái tên khác nhưng về bản chất thì đó vẫn là một dạng bạo lực. Vậy, nỗ lực thoát khỏi bạo lực không có nghĩa là chúng ta vun trồng cho cái tâm phi bạo lực, mà là chúng ta cần hiểu rõ hơn về sự ham muốn.
Nếu bạn tức giận đến cùng cực chứ không chỉ thoáng bực mình, chuyện gì đã xảy ra? Tại sao một người lại nổi giận? Phải chăng là vì người đó bị tổn thương, đã có ai đó nói điều gì không phải với họ, nhưng nếu đó là lời tâng bốc thì có lẽ họ lại thỏa mãn. Vậy là bạn bị tổn thương do tự xem mình là quan trọng đúng không? Vậy do đâu ta lại có sự tự xem trọng đó?
Mỗi người đều sở hữu một ý niệm hoặc một hình tượng về chính mình, về cái mà ta là, về cái mà một người nên hoặc không nên là. Tại sao một người lại tạo ra hình ảnh về chính mình? Chính vì họ chưa từng nghiền ngẫm xem mình thật sự là ai. Ý niệm của chúng ta về bản thân là một cách đào thoát khỏi thực tế. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần trở nên thế này hay thế kia, chẳng hạn như trở thành một mẫu hình lý tưởng hay một vị anh hùng. Điều khơi dậy cơn giận ở đây chính là sự công kích cái lý tưởng, cùng cái hình tượng mà ta có về chính mình.
Một khi bạn quan sát được mình thật sự là ai thì không ai có thể gây tổn thương cho bạn. Nếu một người biết mình là kẻ lừa dối và bị bảo như vậy, điều này không gây tổn thương trong khi đó là sự thật. Nhưng khi bạn vờ rằng bạn không phải là một kẻ dối trá và bị bảo như thế thì bạn sẽ trở nên giận dữ và hung bạo. Chúng ta hóa ra luôn ở trong một thế giới tưởng tượng đầy hoang đường mà chẳng bao giờ sống với hiện thực. Để quan sát cuộc sống như nó là, để có thể nhìn thấy nó và trở nên thân quen với nó thì ta phải loại bỏ đi mọi sự phán xét, đánh giá, thành kiến và nỗi sợ hãi.
Có một điều chắc chắn là bạn sẽ trở thành chính những gì mà bạn chống đối lại. Nếu tôi đang giận dữ và bạn đến gặp tôi với sự giận dữ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta càng giận dữ hơn và bạn trở nên giống như tôi. Nếu tôi là quỷ dữ, và bạn chiến đấu với tôi theo cách của quỷ, thì bạn cũng trở thành quỷ dữ dù bạn cảm thấy mình đang làm điều tốt. Nếu tôi là một kẻ hung bạo và bạn sử dụng những phương pháp hung bạo để chế ngự tôi thì bạn cũng hung bạo hệt như tôi. Chúng ta đã cư xử như thế này hàng ngàn năm qua.
Chắc chắn phải có một cách tiếp cận khác với việc đối đầu sự căm ghét bằng sự căm ghét. Nếu tôi dùng những cách thức bạo lực để chống lại cơn giận trong mình thì tôi đã sai trong cố gắng đạt được mục đích đúng đắn; thế nên kết quả tốt không bao giờ đến với tôi. Cơn giận không thể được hóa giải nếu thiếu đi lòng khoan dung và sự thấu hiểu, nó không thể biến mất khi ta sử dụng các phương tiện bạo lực. Cơn giận có thể là kết quả của nhiều nguyên nhân, chúng ta cần hiểu về chúng để thoát ra khỏi sự giận dữ.
Chúng ta đã tạo ra nào là quân thù, nào là kẻ cướp, rồi chính chúng ta trở thành kẻ đối địch thì không có cách nào chấm dứt được tình trạng thù địch này cả. Chúng ta phải hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng đó, đồng thời chấm dứt việc dung dưỡng nó bằng ý nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi việc liên tục nhận thức về chính mình kết hợp với sự thông minh, linh hoạt; bởi chúng ta ra sao thì xã hội trở nên như vậy.
Kẻ thù ta hay bạn bè ta đều là kết quả đến từ ý nghĩ và hành động xuất phát từ phía ta. Chúng ta chịu trách nhiệm cho việc tạo ra tình trạng thù địch và vì thế, việc nhận biết các ý nghĩ và hành động của riêng mình quan trọng hơn nhiều so với sự phân định kẻ thù và bạn bè; suy nghĩ đúng đắn sẽ chấm dứt sự chia rẽ này. Tình yêu thương luôn vượt trội hơn cả bè bạn lẫn kẻ thù.
Chúng ta đang chứng kiến một thế giới đầy hận thù đã được tạo nên và duy trì bởi cha ông chúng ta, và bởi cha ông của cha ông chúng ta, và cả bởi chính chúng ta nữa. Vậy, sự ngu dốt đã được kéo dài từ trong quá khứ bất tận chứ chẳng hề tự dưng xuất hiện. Nó là kết quả của sự thiếu hiểu biết ở loài người, trong toàn bộ tiến trình lịch sử, đúng không nào?
Chúng ta là những cá nhân đã phối hợp cùng với tổ tiên của mình, những người mà trước đó cũng đã phối hợp với cha ông của họ; tất cả chúng ta cùng thúc đẩy cái tiến trình của lòng căm ghét, nỗi sợ hãi, thói tham lam, và hơn thế nữa. Giờ đây, chúng ta tiếp tục là những cá nhân nối gót thế giới hận thù này cho đến tận khi nào chúng ta vẫn còn thấy ổn thỏa với nó.
Thế giới là phiên bản mở rộng của chính bạn. Nếu cá nhân bạn mong muốn xua tan đi hận thù, thì chính bạn phải ra tay chấm dứt điều ấy. Để làm được điều đó, bạn phải tách mình khỏi những thô lậu của lòng hận thù cũng như những dạng thức tinh vi của nó, chừng nào bạn còn mắc kẹt trong nó thì bạn vẫn là một phần của thế giới đầy rẫy sự ngu dốt và sợ hãi. Thế giới là một phiên bản mở rộng, là sự lặp lại và nhân rộng chính bạn.
Thế giới không tồn tại tách rời khỏi cá nhân. Nó có thể tồn tại như một ý tưởng, một trạng thái, một tổ chức xã hội, nhưng để hiện thực hóa ý tưởng ấy, để khiến tổ chức xã hội hay tôn giáo đó hoạt động thì phải có các cá nhân. Sự ngu dốt, tham lam, và sợ sệt của cá nhân sẽ duy trì sự ngu dốt, lòng tham và nỗi sợ hãi trong tập thể. Nếu một cá nhân thay đổi, liệu sự đổi khác đó có thể tác động đến thế giới của sự căm thù, của sự tham lam, v.v... này hay không?
Bạn có thể tiếp tục vướng kẹt trong sự ngu dốt, lòng căm ghét, thói tham lam; hoặc bạn có thể bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn và đầy nhận thức, khi đó bạn không chỉ được tách rời khỏi những nguyên nhân xấu xa của nỗi đau đớn và buồn khổ mà ẩn trong sự thấu hiểu đó bạn còn khám phá ra được cái toàn thể, cái vẹn tròn.