Kỳ vọng của sếp
Như bao chú bò tót khác, Ferdinand trong câu chuyện thiếu nhi kinh điển “The Story of Ferdinand” (tạm dịch: Câu chuyện về chú bò Ferdinand) của Munro Leaf thích tự do đi lang thang và tận hưởng mùi hương của những bông hoa trên cánh đồng. Một hôm, Ferdinand bị một con ong nghệ chích cho một phát khiến nó chạy hoảng khắp cánh đồng, giậm chân và thở phì phò. Ngay lúc bị ong chích thì Ferdinand lại lọt vào tầm ngắm của những người đang tìm chọn một chú bò cho trận đấu sắp tới ở thủ đô Tây Ban Nha.
Ferdinand bị nhầm tưởng là một con bò đực hung hăng và điên cuồng nên đã được đổi tên thành “Ferdinand đáng sợ” và được đưa đến Madrid. Thế nhưng khi trận đấu bắt đầu, Ferdinand tỏ ra chẳng chút hứng thú với đấu sĩ. Thay vào đó, nó bị những bông hoa cài tóc của khán giả nữ thu hút nên cứ nằm dài giữa sân đấu để tận hưởng hương hoa.
Mọi người đều nổi điên với Ferdinand, nhưng nó lại rất vui vẻ. Cuối cùng nó cũng được đưa về với đồng cỏ và những bông hoa để sống một cuộc đời thật yên bình và viên mãn.
Nếu việc đáp ứng các kỳ vọng của sếp đồng nghĩa với việc bạn phải thay đổi và trở thành một người khác đến mức khiến chính bạn cũng phải ngạc nhiên thì liệu làm thế có đáng không? Cố gắng sống khác với bản chất của mình là một việc khiến bạn căng thẳng. Vậy nên điều quan trọng là bạn phải chiêm nghiệm về những tiến bộ bạn đã đạt được trong việc cải thiện mối quan hệ với sếp nhưng cũng không quên suy ngẫm về tác động mà việc đó gây ra cho bạn.
Bởi vì bạn sẽ liên tục đối diện với những lựa chọn về mặt đạo đức nên bạn cần được làm việc trong một môi trường giúp bạn phát huy hết khả năng của mình, nơi bạn cảm thấy an toàn và thoải mái “là chính mình”.
Ngày nay có rất nhiều tổ chức và công ty công nghệ nhắc đến cụm từ “thất bại nhanh chóng”. Trên thực tế, cụm từ này thường bị sử dụng sai mục đích, chủ yếu là vì đa số các tổ chức tuyên bố họ coi trọng thất bại thường không thật sự làm đúng như vậy. Tuy nhiên, triết lý làm nền tảng cho cụm từ này thì lại rất có giá trị.
Việc “thất bại nhanh chóng” dựa trên một niềm tin rằng khi bạn muốn thực thi một ý tưởng, sản phẩm, quy trình hay dự án mới, bạn nên tiến hành thử nghiệm rộng rãi và phát triển từng bước để xác định xem nó có khả thi hay không. Mục đích chính là cắt giảm tổn thất một cách nhanh chóng, để khi việc thử nghiệm cho thấy có điều gì đó bất ổn thì bạn có thể ngay lập tức chuyển hướng thử một phương án khác.
Nên ở hay nên đi?
David Brown, nhà quản lý kiêm cổ đông của Techstars - một quỹ toàn cầu chuyên đầu tư cho các dự án tiềm năng và các doanh nhân trẻ ở giai đoạn đầu - và cũng là một chuyên gia khởi nghiệp, giải thích: “Thất bại nhanh chóng không đề cập đến những thất bại lớn mà nó xoay quanh những vấn đề nhỏ. Đó là một phương pháp điều hành doanh nghiệp hoặc phát triển sản phẩm có liên quan đến việc tiến hành rất nhiều thử nghiệm nhỏ với ý tưởng rằng một vài thử nghiệm sẽ hiệu quả và phát triển được trong khi một số khác sẽ thất bại và bị hủy bỏ”.
Phương pháp này cũng áp dụng cho chính bạn theo cách tương tự. Một vài chiến lược và hành động của bạn sẽ diễn ra tốt đẹp, một số khác thì không được như vậy. Điều quan trọng là bạn phải liên tục chiêm nghiệm và xác định xem điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả để có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và cách tiếp cận của mình.
Hãy cân nhắc xem cách nào giúp bạn tiến bộ và cách nào thì không. Trong những chiến lược bạn đã chọn thì cái nào hoạt động tốt và cái nào có vẻ không mang lại tác động tích cực? Để tiến bộ theo đúng hướng, bạn cần chiêm nghiệm chứ không phải suy nghĩ mông lung.
Suy nghĩ mông lung là hành động không hiệu quả vì quá trình suy nghĩ đó không đi đến một kết luận cụ thể. Khi suy nghĩ kiểu này, chúng ta cứ lặp đi lặp lại một kịch bản trong đầu và cố gắng viết lại diễn biến của sự kiện, giống như một cuộn băng bị hỏng cứ tua đi tua lại mà không thể dừng được. Điều này có thể dẫn đến hàng loạt kết quả tiêu cực như trầm cảm, lo lắng, ăn uống quá độ và nghiện rượu.
Trái lại, việc chiêm nghiệm có nghĩa là học hỏi. Các nhà nghiên cứu Giada Di Stefano, Francesca Gino, Gary Pisano và Bradley Staats đã nhận thấy sự khác biệt đáng chú ý trong kết quả học tập khi một người thực hành chiêm nghiệm song song với các hoạt động học tập của họ, cụ thể là “việc suy ngẫm sau khi hoàn thành bài tập không phải là việc làm vô ích vì nó có thể nâng cao quá trình học tập một cách hết sức mạnh mẽ và nó có lợi hơn cả việc tích lũy thêm kinh nghiệm khi làm cùng một dạng bài tập đó”.
Vì vậy, nếu cuộc trò chuyện của bạn với sếp không được như ý hoặc bạn không đạt được điều mình muốn khi đàm phán, hãy chiêm nghiệm xem tại sao mọi chuyện lại diễn ra như vậy và bạn có thể làm điều gì khác đi vào lần sau.
Khi đã có được hiểu biết sâu sắc này rồi, câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là “Bạn sẽ làm điều gì khác đi vào lần sau?”. Giống như việc các cửa hàng bán lẻ thường xuyên tiến hành kiểm kê hàng hóa, bạn cũng sẽ muốn thực hiện một cuộc đánh giá chi tiết hơn để kiểm tra xem liệu bạn đã tiến bộ đủ hay chưa. Nếu chưa đủ, có lẽ vấn đề nan giải quanh việc bạn “nên ở hay nên đi” đã trở nên rõ ràng hơn.
Bạn có thể đánh giá mức độ hài lòng về nơi làm việc hiện tại dựa trên năm bậc nhu cầu: cơ bản, an toàn, kết nối xã hội, thành tựu, khẳng định bản thân. Bạn sẽ xác định xem những nhu cầu nào đang hoặc chưa được đáp ứng trong công việc. Đồng thời bạn cũng đưa ra các chiến lược để đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn, nghĩa là thu được nhiều giá trị hơn từ công việc hiện tại của bạn.
Một lần nữa, hãy nhìn vào từng bậc nhu cầu và tự hỏi xem nhu cầu nào đang được đáp ứng. Sau đó, hãy cân nhắc xem mức độ hài lòng của bạn đang ổn định, giảm đi hay tăng lên theo thời gian.
Hy vọng rằng bạn sẽ thấy mình đạt được những tiến bộ to lớn và cảm thấy mối quan hệ giữa bạn với sếp đã thay đổi theo hướng tích cực. Điều đó thật tuyệt vời! Vì nó có nghĩa là bao công lao của bạn đã được đền bù xứng đáng.