Rõ ràng là bạn không muốn gặp phải điều tương tự, vậy nên bạn cần phải đề phòng năm cái bẫy có thể cản trở bạn phát triển.
Cái bẫy tham vọng: Khi đã quen với thành công và luôn làm tốt mọi thứ, các nhà lãnh đạo có thể bị nghiện thành tích. Họ không biết cách thoát khỏi việc liên tục theo đuổi thành công, và khi phải đối diện với áp lực ngày càng tăng thì giải pháp duy nhất của họ là làm việc chăm chỉ hơn và tiếp tục nỗ lực. Nếu là kiểu lãnh đạo như vậy, bạn luôn lo rằng chỉ cần nghỉ ngơi một chút thì bạn sẽ chuốc lấy thất bại.
Cái bẫy kỳ vọng: Các nhà lãnh đạo liên tục sống theo kỳ vọng của những người xung quanh sẽ cảm thấy khó thừa nhận chuyện bản thân đang gặp khó khăn hay bị kiệt sức. Họ quá tập trung đáp ứng kỳ vọng của người khác đến nỗi họ không thể phát huy được khả năng vốn có. Khi áp lực trở nên quá lớn, họ che giấu tác động của nó và không bao giờ chia sẻ cảm giác của mình. Nếu có những biểu hiện này, bạn luôn lo ngại nếu thừa nhận rằng mình mệt mỏi và gặp khó khăn thì mọi người sẽ đánh giá thấp năng lực của bạn.
Cái bẫy bận rộn: Nhà triết học Socrates từng nói: “Hãy cảnh giác với sự khô khan của một cuộc sống bận rộn”. Các nhà lãnh đạo lúc nào cũng bận rộn và luôn ở trạng thái “sẵn sàng làm việc” sẽ cảm thấy khó từ chối nhận thêm việc, khó làm việc chậm lại hoặc nghỉ ngơi. Khi áp lực công việc tăng cao, họ có khuynh hướng “bùng nổ” bởi vì họ vốn đã đến rất gần ngưỡng kiệt sức. Nếu bạn rơi vào cái bẫy này, bạn sẽ thường xuyên hy sinh thời gian bên gia đình và bạn bè, thậm chí là hy sinh cả sức khỏe của bản thân để ưu tiên cho công việc. Công việc luôn ở vị trí hàng đầu đối với bạn và bạn xem sự bận rộn như một huy hiệu danh dự. Hãy tỉnh táo nhận ra đây không phải là một phương pháp bền vững và dần dần cơ thể bạn sẽ buộc bạn phải dừng làm việc.
Cái bẫy thăng chức: Nhiều nhà lãnh đạo đã làm việc rất cật lực để đạt được vị trí hiện tại, thế nhưng khi đã giữ chức vụ mơ ước thì họ lại không hề cảm thấy hài lòng như họ nghĩ. Họ cảm thấy như thể họ bị lạc trong chức vụ mới: họ muốn vai trò đó, nhưng khi có được nó rồi thì họ lại phát hiện nó không mang đến cảm giác thỏa mãn hay cảm hứng như mong đợi.
Nếu ở trong trường hợp này, bạn sẽ cảm thấy như mất đi mục đích và phương hướng. Đồng thời, bạn lo lắng rằng nếu thay đổi hướng phát triển thì bạn có thể đưa ra những quyết định sai lầm, hoặc bạn không biết làm thế nào để thay đổi vì bạn cho rằng vai trò bạn hiện đang làm chính là tất cả những gì bạn có khả năng làm.
Cái bẫy chăm sóc bản thân: Nhiều nhà lãnh đạo chỉ ưu tiên cảm giác hưng phấn khi tập trung làm việc chứ không dành đủ thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc của mình. Họ quên rằng việc đặt các nhu cầu chăm sóc bản thân lên hàng đầu là điều quan trọng nhất để duy trì khả năng lãnh đạo hiệu quả.
Nếu bạn có khuynh hướng này, bạn sẽ cảm thấy mất hết năng lượng, mệt mỏi và kiệt sức, rồi bạn tự nhủ “Ngày mai mình sẽ giải quyết mấy triệu chứng này sau”. Nhưng ngày mai chẳng bao giờ đến, cho tới một ngày nọ bạn thức dậy và thấy mình mất khả năng làm việc do cạn kiệt sức chịu đựng, mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính hoặc gặp phải một vấn đề sức khỏe khác.
Những cái bẫy này không tồn tại riêng lẻ hay biệt lập mà thật ra chúng thường có mối liên hệ với nhau. Khi bị rơi vào một hoặc nhiều cái bẫy, bạn có thể gặp phải hậu quả bao gồm bị cô lập và mất kết nối về mặt xã hội, sức khỏe kém, tác động tiêu cực đến các thành viên trong nhóm, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ gia đình và xã hội; đồng thời, sự tích tụ của những thách thức này theo thời gian có thể gây ra ảnh hưởng cực kỳ tệ hại đến thành tích và triển vọng nghề nghiệp của bạn.
"Một nhà lãnh đạo giỏi biết rõ mình không hoàn hảo và không ngại cho tập thể biết điều đó. Người ta không muốn có một người sếp hoàn hảo, họ muốn có một người sếp cư xử nhất quán. Bên cạnh đó, việc biết rằng sếp có thể mắc sai lầm khiến cho mọi người tin tưởng sếp hơn… bởi vì họ biết sếp cũng là người bình thường giống như họ - Margaret Heffernan