Nếu chúng ta tiếp tục bóc lột những kẻ yếu đuối, lợi dụng những kẻ khờ dại và cho rằng đời là phải thế thì chúng ta không bao giờ có thể tiến bộ.
Trải qua bao năm chinh chiến, chúng ta đã học được gì? Nếu thắng, chúng ta hả hê, sung sướng và thẳng tay đàn áp kẻ thua. Nếu thua, chúng ta chỉ biết căm thù, tức tối và chờ dịp phục hận. Phải chăng chiến tranh đã cho chúng ta thấy rõ những cực đoan của tâm hồn con người. Nếu chúng ta tiếp tục bỏ qua cơ hội học hỏi để thực sự biết mình là ai và mục đích cao quý của cuộc đời là gì thì có lẽ hàng ngàn năm nữa nhân loại vẫn chỉ quanh quẩn với đường lối suy nghĩ vẩn vơ này thôi.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi và ta mong các ông sẽ sát cánh cùng ta đặt ra một con đường mới. Theo ý ta thì Ai Cập phải trở thành một quốc gia hùng mạnh, không phải vì những đạo binh bách chiến bách thắng, không phải bằng những biên cương rộng lớn, không phải bằng những tài nguyên chiếm đoạt hay số nô lệ mang về mà là một quốc gia trong đó tất cả mọi cá nhân đều hiểu biết bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Ai Cập phải là một trung tâm văn minh thu hút mọi người khắp nơi tìm đến học hỏi. Ai Cập phải là một nơi mà người nghèo có chỗ trú ẩn, kẻ đói được ăn, kẻ bệnh được chữa trị. Một nơi mà mọi người đều biết chia sẻ cơm áo trong tình tương thân tương ái.
Người Ai Cập sẽ không giàu có vật chất nhưng rất dồi dào về tinh thần vì tinh thần là điều mà không ai có thể cướp đoạt được. Muốn được như thế, mọi người dân Ai Cập cần bắt đầu với chính bản thân mình, phải trở thành ngọn đuốc sáng soi đường cho chính mình. Họ không thể thực hành một cách máy móc những quy tắc hay nghi thức sẵn có mà phải nỗ lực tìm kiếm không ngừng trong nội tâm. Nếu không có sự nhiệt thành này thì không thể có sự thay đổi được. Muốn như thế, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn đường lối giáo dục, vì hiện nay giáo dục chỉ chú trọng đến việc truyền trao kiến thức chuyên môn và giới hạn cho một số ít người.
Điều ta muốn là một nền giáo dục về minh triết, một thứ kiến thức siêu việt qua công phu suy ngẫm, để áp dụng vào đời sống. Đây không phải là điều mới lạ vì ngàn năm xưa, tổ tiên chúng ta đã chú trọng đến nền giáo dục này nhưng theo thời gian, nó đã biến thái, trở thành những lý thuyết trừu tượng, những kiến thức khô khan, không thể áp dụng. Từ trước đến nay, việc giáo dục được trao cho các giáo sĩ đảm nhiệm; nhưng theo thời gian, các giáo sĩ thiếu công phu hành trì đã lầm lẫn minh triết với kiến thức.
Thay vì khuyến khích con người tìm tòi hiểu biết chính mình thì họ đã đưa ra những đường lối vạch sẵn dựa trên những giáo điều khô khan, những kiến thức chết. Thay vì khuyến khích việc phát triển những khả năng sẵn có thì người học bị nhồi nhét những lý thuyết vô giá trị làm thui chột khả năng tiềm tàng của họ. Thay vì được giáo dục về đời sống thực sự thì người học phải lặp đi lặp lại những mẩu chuyện rời rạc nói về tinh thần bộ lạc, quốc gia hay những người đã lập công trên xương máu đồng loại. Một nền giáo dục như thế chỉ tạo tinh thần chia rẽ, hận thù và cổ xúy cho chiến tranh, hay đào tạo ra những bạo chúa khát máu mà thôi.
Này các ông, lịch sử là những sự kiện được ghi chép lại một cách trung thực, rõ ràng và chính xác về những biến cố đã xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chỉ là những gì được viết lại bởi những kẻ muốn cho hậu thế nhìn họ qua một hình ảnh hay quan niệm nào đó. Phần lớn đều không đúng với sự thật và nếu có ai nghi ngờ hay bàn tán điều gì không phù hợp với quan niệm của họ thì sẽ bị trừng phạt tức thì. Tuy nhiên, sự thật là điều không thể thay đổi hay bóp méo được vì nó được ghi nhận trung thực trong lòng người.
Một vị minh quân không cần phải cho ghi chép công trạng của mình vì điều đó hiển nhiên rõ ràng và ai cũng biết. Chỉ có những bạo chúa, những kẻ cai trị bằng bạo lực mới lo tô điểm cho mình bằng những chiến công hiển hách để biện minh cho hành động của họ mà thôi. Này các ông, phần lớn lịch sử được ghi chép lại bởi một thiểu số cầm quyền, không muốn hậu thế thực sự biết được họ đã làm gì, mà chỉ đưa ra những lý do chính đáng để bào chữa cho hành động của họ. Thứ lịch sử như thế không phải là sự thật.
Thứ lịch sử được ghi chép trên những mồ mả, lăng tẩm lại càng không phải là sự thật. Tuy nhiên, sự thật vẫn tiếp tục được lưu truyền trong dân gian qua những bài hát, bài thơ, trong những giai thoại truyền khẩu. Ta không bao giờ phủ nhận công lao khó nhọc của tiền nhân đã xây dựng Ai Cập, nhưng ta cũng không chấp nhận những lỗi lầm của tiền nhân đã gây ra cho người dân xứ này. Một người lãnh đạo phải có can đảm chấp nhận hành động của mình, vì đúng hay sai sẽ do lịch sử phán quyết.
Nếu lịch sử được ghi nhận một cách trung thực thì xã hội ngày nay đã khác. Tiếc rằng lịch sử chỉ ghi chép lại chẳng mấy khi chính xác vì đa số người lãnh đạo đều có ý lừa dối thế hệ sau bằng những giai thoại mập mờ, thêu dệt những điều này nọ để bào chữa cho hành động của họ nên thảm kịch lịch sử cứ tái diễn không ngừng. Vì các bạo chúa cho viết lại lịch sử nên thứ lịch sử đầy sai lạc đó sẽ tiếp tục được khuyến khích và sản sinh ra thêm những bạo chúa khác.
Một xã hội được xây dựng trên sự áp chế, đe dọa, thù hận sẽ phá hoại tâm tính con người, hoặc sinh ra những kẻ thụ động, thờ ơ, hoặc những kẻ hung ác, không có nhân tính. Cái thứ căn bản giáo dục sai lạc này sẽ sản sinh ra những người dân ngu dốt và tập thể ngu dốt sẽ có những kẻ lãnh đạo không hiểu biết, đưa quốc gia đến chỗ bại nhược, suy vong.
#nguyenphong #dauchantrencat
-----
Tham khảo thêm các đầu sách của First News về chủ đề tâm linh, tiền kiếp, nhân sinh quan, con người trong bộ sách Nguyên Phong.
👉 Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong