Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Cuốn sách mới nhất của First News về Sài Gòn xưa

Thảo Thảo24/11/2022 08:00
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương - Cuốn sách mới nhất của First News về Sài Gòn xưa

Những “thước phim lịch sử” sống động về hai thời kỳ: Sài Gòn trước năm 1975 và Gia Định thời còn là “rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch”.

Mình rất ngạc nhiên và nhận ra rằng dù chỉ qua 300 năm (ngắn ngủi hơn nhiều thành phố khác), nhưng lịch sử của TP.HCM vẫn thật giàu có, mênh mông. Nhiều con đường, hàng cây, ngôi nhà… mình lướt qua hàng ngày trên đường đi làm, không ngờ có quá khứ ly kỳ như thế. Như tác giả Cù Mai Công chỉ ra, giữa Sài Gòn từng có một rừng cao su rộng lớn; chợ Bến Thành mà chúng ta biết ngày nay từng có một thế kỷ long đong dời đổi, tưởng như bị huỷ diệt; hay Sài Gòn từng được quy hoạch rất chỉn chu, chỉ bị “vỡ quy hoạch”, nhà ổ chuột xuất hiện tràn lan vì biến động lịch sử hồi thập niên 1960.

Cà phê vợt, hồ con Rùa, phố người Hoa, những bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, ngôi thánh đường xưa nhất đất Gia Định… Với những bài viết thú vị về các chủ đề trên, mình tin chắc rằng cuốn sách là một lựa chọn phải có với những bạn trẻ yêu mến văn hoá, lịch sử nói chung và lịch sử TP.HCM nói riêng.

Hồn cốt bình dân của “Sài Gòn” từ ngày xưa

TP.HCM ngày nay trong mắt bạn trẻ thật gần gũi với bình nước miễn phí, cà phê bệt, dân tứ xứ quy tụ lại cùng chung sống. Đọc sách, mình nhận ra rằng hoá ra cái hồn cốt nghĩa tình, bình dân, giản dị này đã có từ thuở xưa. Thời Pháp thuộc, Sài Gòn cũng du nhập rất nhanh chóng món cà phê của người Pháp, chợ Bến Thành cũ cũng từng nô nức sầm uất cả thế kỷ với thịt quay bánh mì, cơm thố, cà phê dĩa mà… không cần lấy một bảng tên hay khu nhà lồng chợ cho đàng hoàng.

Ấy mà những thứ giản dị đó lại in hằn trong ký ức của nhiều thế hệ trước. Như tác giả kể: “Trước năm 1975, nhiều hôm Chủ Nhật mấy thằng con nít chúng tôi được gia đình đưa đi Sở Thú chơi sau khi ghé chợ Cũ ăn đã đời. Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên dĩa, mấy vị khách từ “thầy Hai” (công chức, trí thức) cho đến ông ba gác, đạp xích lô, thợ thuyền… đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và… húp. Mùi cà phê nóng bay ngập, khách ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này”.

Với thế hệ nào, ngày xưa cũng… đẹp hơn bây giờ

Cuốn sách làm mình nhớ đến một câu thoại trong phim “Midnight in Paris” của đạo diễn người Mỹ Woody Allen, đại ý: “Hiện tại luôn có chút không hài lòng”. Người ta thích sống với quá khứ, thích hoài cổ, vì quá khứ đã qua luôn có chút gì đó lãng mạn, tươi đẹp hơn cái hiện tại nhiều rắc rối mà ta đang phải sống. Trong cuốn sách này, tác giả cũng vô cùng thương nhớ quá khứ, kỷ niệm tuổi nhỏ, tuổi trẻ… của ông. Mình tự hỏi không biết thế hệ tương lai có khi nào sẽ hoài niệm về một TP.HCM kẹt xe, chật chội, khói bụi bây giờ không nhỉ?

Dù sao thì Sài Gòn xưa thật đẹp qua những “thước phim” của tác giả Cù Mai Công. Mình ước gì có nhiều hơn những cuốn sách và bộ phim về văn hoá Sài Gòn xưa và nay như cuốn “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương” này. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 02/11/2024