Con người tìm đến nhiều nơi để học cách trở về, nhận diện, tiếp xúc, chuyển hóa thân tâm và làm chủ chính mình, hướng đến đạo đức; đó có thể là tâm linh, thiền định hay triết học. Mỗi trường phái sẽ trao cho họ một công cụ để nâng dậy tâm hồn trong sự hối hả của dòng chảy cuộc đời. Tuy nhiên, theo Jiddu Krishnamurti (1895-1986) – triết gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng người Ấn Độ, để trí não hoàn toàn tịch lặng cần có sự hòa hợp giữa thân, tâm và trí, không bất hòa, không xung đột mà ông cho rằng đó là trí thông minh.
Quan điểm của ông vượt trên mọi biên giới, ranh giới do con người tạo ra, hoàn toàn không phụ thuộc vào bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào. Cuốn sách “Đánh thức trí thông minh” ghi lại những bài giảng và bài nói chuyện của Krishnamurti trên khắp thế giới, là cuốn sách không thể thiếu dành cho tất cả những ai thực sự nghiêm túc trên con đường tìm kiếm hiểu biết tâm linh thông qua những lời dạy đầy minh triết.
Các cuộc nói chuyện của Krishnamurti trên khắp thế giới luôn ở dạng ứng khẩu, ngẫu hứng, những câu hỏi đáp, trao đổi không được soạn trước. Vì vậy, cuốn sách được biên tập lại theo băng ghi âm từ những cuộc nói chuyện của ông một cách chân thực và chính xác nhất gồm 6 phần, từ từ dẫn độc giả đến với con đường khai phá “trí thông minh”.
Krishnamurti nói khi được hỏi về giá trị của những người thầy – có thể là sách, đạo sư hay tu sĩ trên con đường khai phá tâm linh: “tự bản thân ta phải vứt bỏ hết mọi hứa hẹn, mọi kinh nghiệm, mọi khẳng định có tính cách thần bí. Tôi nghĩ ta phải bắt đầu như thể ta tuyệt đối không biết gì cả”. Ông cho rằng “việc nuốt trọn lời phát biểu của bất cứ ai để râu, với những lời hứa hẹn rằng sẽ có một kinh nghiệm tuyệt vời nếu làm theo việc nào đó tức là ta đang để tâm trí mình hoàn toàn phụ thuộc vào bất cứ một “đối tượng” nào và cầu mong rằng sẽ trở nên tốt đẹp hơn như họ”.
Không có người thầy nào có thể dẫn dắt bạn tốt hơn chính bản thân trên con đường này, bởi vậy con người càng cần thiết trở nên “có quyền uy với chính mình”. Khi bạn thả cho tâm trí được tự do, “đừng phụ thuộc, bởi vì cái tốt đẹp vốn không phụ thuộc”. Nếu bạn muốn trở nên tốt đẹp, bạn không thể phụ thuộc vào bất cứ gì, vật chất, các mối quan hệ hay truyền thống, tôn giáo, hãy dùng sức mạnh nội tâm – nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hãy làm cho nó lớn mạnh từ đó.
Cuộc cách mạng lớn nhất, ảnh hưởng nhất đến chúng ta không phải là cuộc cách mạng từ những sự kiện lịch sử vĩ đại của loài người mà chính là cách mạng nội tâm. Sự thay đổi này phải chăng xảy ra thông qua tiến trình thời gian, đạt được dần dần qua thay đổi dần dần hay chỉ xảy ra trong tích tắc, ngay lập tức? Theo Krishnamurti, cần phải có sự thay đổi trong chính ta. Ta càng nhạy cảm, càng tỉnh táo và thông minh, ta càng nhận thức được rằng phải có một cuộc thay đổi sâu sắc, vĩnh cửu, sống động.
Ông nói: “ Nội dung của thức là thức – hai cái không tách rời. Những gì được ghi khắc vào thức sẽ tạo thành thức. Và để tạo ra một cuộc thay đổi trong thức – cả trong phần hiển lộ và trong phần ẩn giấu – ta cần một đam mê lớn lao, một năng lượng mãnh liệt mà phần đông chúng ta lại hoang phí năng lượng trong xung đột.”. Điều ấy có nghĩa rằng, bạn hãy quan sát chính mình và truy vấn, khám phá với tất cả đam mê, với sự quan tâm, với sức sống và thật nhiều năng lượng, có lẽ ta sẽ đi đến một điểm mà ở đó cuộc thay đổi triệt để xảy ra, một cách rõ ràng, tuyệt dứt mọi cố gắng, mọi động cơ. Muốn làm được điều này, “hãy khảo sát không chỉ sự hiểu biết nông cạn về chính mình, mà còn có cái nội dung ẩn giấu thâm sâu trong ý thức của ta. Ta phơi bày nó bằng cách phân tích từng lớp, bóc dần từng lớp vỏ cái đã”.
Có thể nói, lý luận nhận thức của Krishnamurti mang đến sự mới mẻ trong cách tiếp cận. Mục đích mà ông đặt ra trong việc nhận thức không phải là thiên đường hay cõi niết bàn mà chính là thực tại cuộc sống. Giải thoát không phải là con đường đi ra mà phải là con đường đi vào chính bản thân mình với một tâm trí tự do. Chân lý không ở đâu xa mà nó chính là thực tại ngay bên trong con người. Ý thức bị phân mảnh làm cuộc đời con người chia tách, tâm trí con người rơi rớt không có điểm tựa.
Tâm trí càng cố bám víu vào học thuyết, giáo lý, kinh nghiệm, ... càng bế tắc, u buồn, thất vọng và khổ đau. Chỉ có mạnh mẽ đối diện cuộc đời, khám phá các tầng sâu thẳm của ý thức, thấu triệt để có thể xóa bỏ mọi ranh giới trong ý thức, con người đạt đến sự chú ý tối thượng. Chỉ có sự chú ý tối thượng mới có thể giữ được tâm trí tự do, phá bỏ được hiện trạng phân mảnh bên trong, đạt đến hạnh phúc. “Vậy, mối quan hệ của trí thông minh với chiều nhận thức mới này là gì?...Chiều nhận thức mới này chỉ có thể vận hành thông qua trí thông minh; nếu không có trí thông minh, nó không thể vận hành”.
Krishnamurti cho rằng “Đa phần chúng ta sống một cuộc đời hết sức hời hợt và hài lòng với một cuộc sống như vậy, đối mặt với tất cả các vấn đề của ta một cách hời hợt, và do đó làm cho chúng tăng thêm, bởi vì các vấn đề của ta phức tạp một cách lạ thường, rất tinh vi và đòi hỏi một sự thâm nhập và thấu hiểu sâu sắc. Phần lớn chúng ta thích xử lý vấn đề của mình ở mức độ hời hợt theo những truyền thống xưa cũ, hoặc ta cố gắng tự điều chỉnh bản thân theo một xu hướng hiện đại, thế nên ta không bao giờ giải quyết được hoàn toàn và toàn diện bất cứ vấn đề nào, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, vân vân.”. Vì vậy, điều quan trọng là ta phải thấu hiểu bản thân một cách toàn diện, trọn vẹn, bởi ta là thế giới và thế giới là ta. Bởi hầu hết những lựa chọn sai lầm, những con đường không có lối thoát đều bắt nguồn từ sự hoài nghi, xung đột từ chính nội tâm con người.
Ngọn đuốc sáng soi đường duy nhất là trí thông minh – trí thông minh để hiểu đúng sai, để phân biệt rõ ràng giữa hiện thực và ảo ảnh, hiện tại và quá khứ. Theo tác giả, “khi toàn bộ cơ thể yên tĩnh, hoàn toàn tịch lặng, thân thể sẽ có thể thu gom năng lượng và có khả năng hoạt động hiệu quả hơn. Khi thân thể không nghỉ ngơi mà bị cuốn đi từ sáng đến tối không lúc nào ngừng, nó sẽ sớm cùn mòn cạn kiệt và suy nhược; nhưng nếu thân thể được nghỉ ngơi, nó sẽ có nhiều năng lượng hơn.” hay đó chính là sự hòa hợp giữa thân và tâm. Điểm cốt yếu của một trí não tự do là không có sự xung đột, một trí não như thế hoàn toàn tịch lặng và bình an, không bạo lực và chỉ một trí não có phẩm chất như vậy mới có thể tạo ra một nền văn hóa mới.
Khi chúng ta nhìn sâu vào bản thể bên trong, đóng vai trò như một “người quan sát” để chiêm ngưỡng toàn bộ thân thể và linh hồn mình, không phải với đôi mắt của quá khứ, không phải với giấc mơ về tương lai, đơn giản chỉ là “cái đang là”, ta nhận ra mình cô độc khủng khiếp. “Nếu chịu quan sát, ta có thể thấy rằng toàn bộ hoạt động của chúng ta vốn lấy cái tôi làm trung tâm. Ta nghĩ về chính mình không dứt: về sức khỏe của ta, rằng ta phải ngồi thiền, rằng ta phải thay đổi; ta muốn một chỗ làm tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn, một mối quan hệ tốt hơn. Mối bận tâm bất tận với chính mình này cứ tiếp diễn mãi; ta dành hết tất cả cho chính ta. Điều đó là một thực tế hiển nhiên.”.
Khi nhận ra sự cô độc, ta liền cố gắng lẩn tránh bằng cách tự làm cho bản thân bận rộn với việc gia đình hay các hình thức giải trí, các mối quan hệ, công việc, mọi thứ làm cho chúng ta luôn trong guồng quay. Đó là lí do hầu hết con người vướng vào những xung đột của các lĩnh vực này mà không nhận ra rằng chúng nảy sinh từ một nội tâm trống rỗng và đầy rẫy những bất an, là bởi “không có tình yêu nhưng lại muốn được yêu thương”. Nếu bạn hiểu rằng mối quan hệ giữa hai con người cũng là mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, thì lúc đó sự cô lập, cô độc sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác. Khi sự hài hòa giữa nội tâm và bản thể, giữa cá nhân và xã hội được thành lập là khi trí thông minh trong bạn thức tỉnh.
Krishnamurti cho rằng: “ Người ta tìm đủ mọi cách để cảm thấy hài lòng – thông qua ăn uống, tình dục, địa vị, qua nhiều thứ đạo đức khác nhau” và những niềm vui thú ấy làm cho chúng ta cảm thấy được lấp đầy, để ta quên đi hình ảnh con người nhỏ bé tội nghiệp trước đấng tạo hóa. “Nếu bạn không có địa vị, bạn là kẻ vô danh tiểu tốt, không ai biết bạn là ai. Cởi bỏ chiếc áo của Giáo hoàng hay mảnh y của nhà sư, thì người ta chẳng là ai nữa. Vậy có phải ta sợ mình là người tầm thường và vì thế ta mới khát khao địa vị?”. Đó là mối quan hệ giữa niềm vui, sự thỏa mãn và nỗi sợ. Con người có nhiều nỗi sợ: sự nghèo khó, bệnh tật, cái chết…
“Nỗi sợ hãi này là gì? Tại sao bạn, tại sao bất kì ai đó, lại sợ hãi? Phải chăng nỗi sợ dựa trên việc không muốn bị tổn thương? Hoặc phải chăng vì ta muốn được an toàn tuyệt đối,và vì không thể tìm thấy sự an toàn đó – cái cảm giác tuyệt đối chắc chắn, được chở che về thể lý, cảm xúc, tâm lí – nên ta trở nên lo âu khủng khiếp về cuộc sống?” Cách để chúng ta khống chế nỗi sợ chính là đối mặt với nó từ sâu bên trong. Tư tưởng chịu trách nhiệm cho nỗi sợ hãi vì đã nghĩ về tương lai, niềm tin vào sự ổn định, do đó tạo ra một sự nối tiếp liên tục cho niềm vui và cả nỗi sợ.
Những kí ức nào vui vẻ thì ta bám lấy, còn những kí ức đau đớn, gây sợ hãi thì ta muốn vứt bỏ mà không thấy được căn nguyên của điều đó là tư tưởng. Chỉ khi bạn hiểu được sự vận hành của tư tưởng, khi hiểu được thực tại của tư tưởng, sự tịch lặng mới xuất hiện. Và nơi nào trí não tịch lặng, nơi đó không có không gian, không có thời gian, khi ấy trí thông minh ra đời. “Tư tưởng thuộc về thời gian, trí thông minh không thuộc về thời gian. Trí thông minh vốn không thể đo lường”. Một trí não không còn sợ hãi, không đòi hỏi khoái lạc, một trái tim không gây tổn thương và không bị tổn thương, ấy chính là trí thông minh.
Tư tưởng giáo lí của Krishnamurti nằm ngoài tất cả truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng của con người, mang màu sắc khoa học khi đưa phép biện chứng vào lý luận nhận thức về tâm thức. Ông đã phân tích rất thành công những mâu thuẫn nội tại của tâm thức để chỉ ra nguồn gốc, động lực vận hành của nó, đưa độc giả đến với sự tự do, giải thoát. Khi bản thân con người có sự nhận thức mà không chọn lựa, khi nhìn vào chính mình mà không có người quan sát, với tất cả sự chú tâm, khi ấy trí thông minh có thể vận hành. “Khi có trí thông minh đó, nó tự nhiên tạo ra trật tự và vẻ đẹp của trật tự”.
Cuốn sách là ánh đèn soi sáng cho những ai đang trên con đường tìm về với thức tỉnh tâm hồn, khai thông tư tưởng hay đơn giản là tìm cho mình một lối sống – một niềm tin vững chắc hơn để an yên giữa dòng đời. Với sự dẫn dắt nhiệt tình và đầy cảm hứng của Krishnamurti, độc giả sẽ nhận về những bài học sâu sắc, đôi khi là những “cú đánh” mạnh vào tâm lý, buộc chúng ta phải nhìn ra rằng nguyên nhân của sự hỗn loạn thật sự nằm trong sự hỗn loạn của chính bản thân mình và sẽ là sai lầm nếu muốn chấm dứt sự hỗn loạn từ bên ngoài con người chứ không phải là từ bên trong con người.
Thông minh tức là đi giải quyết nguyên nhân chứ không phải là chạy theo kết quả. Muốn chấm dứt sự hỗn loạn bên trong mình, con người phải mang đến sự bất tỉnh của ý thức, sự tê liệt hoàn toàn của tâm trí khổ đau, thù hận; là sự bất động của một tâm trí chia rẽ, giằng xé; là trạng thái loại bỏ mọi sự xung đột, thoát khỏi mọi quy định của tri thức hay kinh nghiệm.
“Đánh thức trí thông minh” hay chính là khơi dậy cuộc cách mạng nội tâm, hàn gắn thế giới bên trong để chữa lành thế giới bên ngoài. Cùng lắng nghe những cuộc trò chuyện sâu sắc từ Krishnamurti và bắt đầu trải nghiệm sự thay đổi nhé.