>> Đánh thức trí thông minh – Có phải bạn gây hấn vì sợ hãi?
Sống trong sợ hãi để tồn tại
Phải chăng bạn bạn sẽ không sợ hãi nếu bạn được bảo đảm rằng cuộc sống, sự tồn tại thường nhật, khuôn mẫu mà bạn đã quen sẽ không bị đảo lộn. Và trên nền tảng đó, ta xây dựng xã hội. Hết sức rõ ràng, bạn đang nói rằng không thể sống trong một xã hội mà không có sợ hãi. Phải vậy không? Không à?
Một trong những nỗi sợ hãi của ta là sống trong một xã hội mà người ta phải hung hăng, gây hấn. Tạm thời ta hãy chấp nhận rằng sống trong một xã hội như vậy, bạn cũng phải hung hăng, gây hấn, và do đó phải sống trong sợ hãi để tồn tại. Hãy tạm gác cuộc sống đó lại đi. Ta có sợ hãi ở một cấp độ nào khác của cuộc sống không? Chẳng hạn sợ không có đủ thực phẩm cho ngày mai, do đó tôi tích trữ cho một tháng hoặc cho hai ngày và tôi phải canh giữ nó để không bị ai đánh cắp. Và tôi sợ rằng chính quyền sẽ đến làm việc này việc nọ, vì thế mà tôi sợ. Vậy, phải chăng ta chỉ hung hăng và sợ hãi trong phạm vi đó, ở cấp độ đó?
Có gợi ý rằng có sự sợ hãi trong mối quan hệ, và do đó mà ta hung hăng, gây hấn trong mối quan hệ. Vậy, tại sao ta sợ hãi trong mối quan hệ? Bạn có sợ vợ bạn hay chồng bạn hay những người hàng xóm hay ông chủ của bạn không? Tôi biết thật tồi tệ khi phải thừa nhận rằng bạn sợ vợ! Người ta sợ hãi trong mọi mối quan hệ.
Tôi sợ bởi vì tôi vốn nhạy cảm và tôi muốn hành xử theo cách khác. Tôi thích nhìn ngắm cây cối, tôi thích vui đùa với bọn trẻ, tôi thích đi làm trễ, hay làm điều này, việc nọ, mà vợ tôi cứ bắt nạt, mà tôi không thích bị bắt nạt. Vậy là tôi bắt đầu sợ cô ấy. Và nếu tôi muốn trả miếng, tôi nói “Đừng bắt nạt anh nữa”, cô ấy sẽ từ chối cho tôi khoái lạc tình dục, với cô ấy. Và tôi sợ điều đó. Tôi sợ bởi vì cô ấy gây chuyện cãi nhau với tôi. Vậy tôi sẽ phải làm gì? Tôi sợ hãi và tôi cho rằng tôi có mối liên hệ với cô ấy. Cô ấy chế ngự tôi, cô ấy bắt nạt và điều khiển tôi, cô ấy xem thường tôi. Và nếu tôi là một người đàn ông mạnh mẽ, tôi xem thường cô ấy! Bạn biết đấy! Vậy, tôi sẽ phải làm gì? Tôi sợ hãi. Liệu tôi có công nhận thực tế đó không, hay tôi che đậy và nói: “Đó là nghiệp báo của tôi”, “Đó là sự quy định của tôi”...
Bạn sợ hãi và bạn dần quen với nỗi sợ này. Bạn quen dần với sự bắt nạt, quen với hoàn cảnh, môi trường, và dần dần, bạn đánh mất mọi sự nhạy cảm. Bạn không còn nhìn cây cối như cách trước đây bạn đã nhìn nữa, bạn không bao giờ cười nữa. Vậy là, sợ hãi biến bạn trở nên hoàn toàn vô cảm, đần độn. Bạn có thể diễn thuyết rất tài tình, trích dẫn điều này điều nọ, nhưng bên trong, nội tâm bạn tối tăm, ngu muội. Đó là một thực tế. Vậy thì tôi sẽ phải làm gì? Trước hết, tôi không muốn sống theo cách đó nữa. Sống như thế còn tệ hơn một con thú.
Không có gốc rễ của Thiên đàng trong niềm vui
Nếu đó là điều gây đau khổ thì tôi sẽ thay đổi bởi vì tôi nghĩ rằng điều gì khác sẽ cho tôi một niềm vui lớn hơn. Và theo đuổi niềm vui đã là nguyên nhân khiến tôi lạnh lùng. Tôi treo bức tranh đó lên tường bởi vì nó cho tôi một niềm vui lớn. Tôi đã nhìn thấy bức tranh đó trong viện bảo tàng hay phòng trưng bày tranh và tôi nói: “Bức tranh này đẹp thật!”. Tôi mua nó, nếu tôi có tiền, và treo nó trong phòng của tôi. Tôi ngắm nhìn nó mỗi ngày và tấm tắc khen: “Đẹp quá”. Thế là tôi quen với nó. Vậy là niềm vui thú được ngắm bức tranh hằng ngày đã tạo ra một thói quen mà giờ đây nó ngăn cản tôi nhìn. Tôi không biết liệu bạn có thấy rằng điều này giống như tình dục không? Do đó, thói quen, việc quen thuộc với điều gì là khởi đầu của sự lạnh lùng.
Bạn quen với sự bẩn thỉu, nhếch nhác của ngôi làng kế bên vì bạn đi ngang đó mỗi ngày. Những đứa bé hỗn loạn trên đường – sự nhếch nhác, dơ dáy, nghèo khổ. Bạn làm quen với điều đó, rồi bạn quen thuộc với nó. Cũng giống vậy, bạn đã quen thuộc với vẻ đẹp của một cái cây, bạn đơn giản không còn thấy cái cây nữa. Vì thế, tôi phát hiện rằng tôi theo đuổi niềm vui ở nơi nào, thì chắc chắn tận sâu trong nó sẽ có gốc rễ của sự lạnh lùng. Không có gốc rễ của Thiên đàng trong niềm vui, mà chỉ có gốc rễ của sự lạnh lùng và đau đớn thôi.
Niềm vui thú là một thứ cám dỗ. Tôi nhìn vào một cái cây: đó là niềm vui thú lớn lao. Nhìn thấy màn mây đen sũng nước và cầu vồng, đó là một điều cực kỳ lớn. Đó là niềm vui, là sự sung sướng, là sự thích thú tuyệt vời. Rồi ngày hôm sau, khi tôi thấy mây đen sũng nước và muôn lá nhảy múa trong gió, ký ức của ngày hôm qua làm hỏng cảnh quan ấy. Bây giờ, tôi hiểu rằng niềm vui chắc chắn tạo ra sự lãnh đạm.
Vậy, điều gì đã xảy ra với trí não tôi? Trí não trở nên nhạy cảm, thông minh hơn rất nhiều. Trước đây, có sự lạnh lùng và tôi không quan tâm. Trí não chẳng hề bận tâm rằng tôi có sống như một con heo hay không. Và tôi đã nhận ra rằng tôi phải thay đổi. Tôi thấy rằng thay đổi sang một thứ niềm vui to lớn hơn chính là quay về với đống rác cũ. Vậy là trí não đã nhận rõ điều đó, thấy được điều đó. Không phải nhờ ai nói, mà nó nhìn thấy hết sức rõ ràng, rằng còn có sự theo đuổi niềm vui thú thì không thể tránh khỏi sinh ra sự lãnh đạm. Vậy là trí não đã trở nên sắc bén. Và nó đang quan sát từng động thái của niềm vui.
Bạn chỉ có thể tự do quan sát bất cứ thứ gì khi không có hạn chế, chỉ trích hoặc phán xét. Vậy là tôi nhìn. Nhìn vào cái cây, vẻ đẹp của cành nhánh, vẻ đẹp của đường nét. Tôi nhìn vào một gương mặt xinh đẹp, cân đối, nụ cười, đôi mắt. Khi tôi nhìn, không có niềm vui, cũng không nhìn với sự sợ hãi. Mà tôi chỉ nhìn thôi, dù là một cái cây, cầu vồng, con ruồi, một người phụ nữ đẹp, hay một người đàn ông. Trong cái nhìn đó không có niềm vui thú. Niềm vui thú chỉ khởi lên khi tư tưởng xen vào.
Vì không hiểu được toàn bộ tiến trình này, các vị thánh, kẻ xấu xa, những con người chưa trưởng thành được gọi là thánh nhân, nhà văn, tất cả họ đều lên án điều này. Họ nói: Đừng nhìn. Vậy thì: Hãy nhìn đi. Và khi bạn thấy rất rõ, không có cả niềm vui thú lẫn sự khó chịu. Nó có ở đó, vẻ đẹp của gương mặt, của việc bước đi, quần áo, cây cối. Một giây sau, tư tưởng xen vào và nói: “Đó là một người phụ nữ xinh đẹp”. Và tất cả những hình ảnh, tình dục, sự gợi ý, sự rộn ràng bắt đầu nảy sinh.
Lược trích "Đánh thức trí thông minh"